Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhãn hàng riêng: Xu hướng tất yếu

Người tiêu dùng mua hàng nhãn riêng hiệu ở siêu thị BigC
Lợi thế lớn về mặt phân phối khiến nhiều siêu thị không dừng ở vai trò trung gian. Thay vào đó là phát triển các nhãn hàng riêng của mình với các ưu điểm: rẻ, chất lượng tốt để thu hút người tiêu dùng.

Hàng nhãn riêng được hiểu là các mặt hàng được bán dưới thương hiệu của nhà bán lẻ - ở đây là các siêu thị - bằng cách đặt các nhà cung ứng làm hàng cho mình, kiểm duyệt chất lượng, đóng gói bao bì và dãn nhãn riêng để bán. Cách làm này từ lâu đã phổ biến ở nước ngoài, song mới xuất hiện trên thị trường VN trên dưới 10 năm. Tuy nhiên, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, dạng hàng hóa này đã rất phổ biến trên thị trường và ngày càng được người tiêu dùng biết tới.

Phong phú chủng loại

Hàng loạt siêu thị lớn như BigC, Metro Cash & Carry, Co.op Mart đều đã bắt tay vào sản xuất hàng nhãn riêng từ nhiều năm qua. Số lượng hàng nhãn riêng của các siêu thị không ngừng gia tăng, “phủ lên” nhiều nhóm, ngành hàng, từ thực phẩm, hóa phẩm, may mặc đến đồ dùng gia đình.

Điển hình như Metro Cash & Carry đã giới thiệu đến người tiêu dùng khoảng 6 nhãn hàng riêng gồm: Aro, Fine Food, Fine Dreaming, HoReCa, H-Line, SIGMA. Hàng nhãn riêng của siêu thị này trải rộng từ nhóm hàng thực phẩm, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm đến thiết bị văn phòng... Tương tự, BigC hiện cũng đã phát triển hệ thống hàng hóa nhãn riêng của mình khá phong phú, có thể kể đến nhãn hàng WOW có giá rẻ nhất tại BigC với khoảng 150 mặt hàng; thực phẩm chế biến eBon với 50 sản phẩm; nhãn hàng cao cấp Casino do tập đoàn Casino tại Pháp sản xuất với 200 sản phẩm thực phẩm khô; nước giải khát và nhãn hàng Bakery by BigC dành riêng cho các mặt hàng sản xuất trong ngày như bánh mì, bánh ngọt...

Không nằm ngoài xu thế, Co.op Mart cũng đã tung ra hàng trăm mặt hàng nhãn Co.op Mart từ thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, hàng tiêu dùng, hóa phẩm... và nhãn hàng SGC dành riêng cho hàng may mặc. Riêng hệ thống siêu thị Vinatex của Tập đoàn dệt may VN với thế mạnh trong lĩnh vực may mặc hiện cũng đã tạo nên nhãn hàng riêng Vinatex Fashion với các sản phẩm quần áo dành cho nam, nữ và trẻ em, bao gồm nhiều dòng sản phẩm như thời trang công sở, đồng phục, đồ mặc nhà và trang phục lót. Được biết, Vinatex Mart thực hiện thiết kế, cung ứng nguyên phụ liệu và thuê các xưởng sản xuất gia công.

Người mua được lợi

Nhãn hàng riêng có lợi cho cả nhà sản xuất, DN kinh doanh lẫn người tiêu dùng.

Hiện tại, các mặt hàng nhãn riêng của các siêu thị đang thu hút khá đông người tiêu dùng - đặc biệt trong lúc giá cả tăng mạnh - do một số yếu tố sau: giá rẻ hơn giá các mặt hàng cùng loại bán dưới thương hiệu của nhà sản xuất từ 10 - 30% tùy mặt hàng; chất lượng đã được kiểm duyệt thông qua chính các siêu thị - vốn là những đơn vị chuyên nghiệp về mảng này... 

Đại diện siêu thị BigC phân tích: “Do là hàng đặt hàng từ các nhà sản xuất nên tiết kiệm được các chi phí: quảng cáo, quảng bá sản phẩm mới; chi phí hậu cần. Việc đặt hàng và vận chuyển trực tiếp từ nhà sản xuất đến các siêu thị BigC, không qua các khâu phân phối trung gian; không yêu cầu nhà sản xuất trả các chi phí liên quan đến bán hàng như làm catalogue khuyến mãi hay chiết khấu... để đảm bảo có giá thành tốt nhất”.

Lãnh đạo một siêu thị tại TP. Biên Hòa nhận xét, phát triển các nhãn hàng riêng rất có lợi cho siêu thị, vì tuy giá bán rẻ hơn giá các sản phẩm cùng loại, song lợi nhuận lại cao hơn do không mất các chi phí trung gian, chưa kể, siêu thị còn tận dụng được các lợi thế khác như không cần đầu tư nhà xưởng máy móc; có thể trưng bày hàng của mình ở vị trí thuận lợi nhất, trực tiếp theo dõi được nhu cầu và thị hiếu khách hàng để có thay đổi phù hợp về cơ cấu hàng hóa... Do đó, phát triển hàng nhãn riêng một cách mạnh mẽ đang là cách làm mà nhiều nhà bán lẻ chuyên nghiệp theo đuổi hiện nay.

Sự lựa chọn của DN

Tuy nhiên, bài toán cho những DN khi gia công hàng nhãn riêng không chỉ là lợi nhuận, mà còn ảnh hưởng đến việc DN muốn phát triển lâu dài với thương hiệu do mình tạo dựng hay chỉ là nhà gia công chuyên nghiệp cho nhà bán lẻ. Có thể mới đầu, khi cần công ăn việc làm, DN nhận lời làm gia công, tuy nhiên, về lâu dài, vấn đề này phải được cân nhắc kỹ” - giám đốc một Cty chuyên sản xuất thực phẩm tại Đồng Nai nhận định. Hiện tại, Cty ông đang nhận gia công cho 1 siêu thị với khoảng 30% lượng hàng sản xuất hàng tháng. Tuy nhiên, ông cho biết đây không phải là hướng đi dài hạn của DN. Cũng theo giám đốc DN này, một trong những điều DN gia công hàng nhãn riêng cần phải lưu ý là có thể đẩy mình vào tình trạng “tự cạnh tranh với chính mình” ở cùng một chủng loại hàng hóa, do đó, nhiều DN có kinh nghiệm chỉ nhận gia công một vài mặt hàng phổ thông, riêng các mặt hàng có tính chiến lược hoặc đặc thù riêng thì không làm.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Quản lý tài chính đối với DNNN: Giám sát nhưng khó... sát
  • 7 rào cản "giết chết" các phi vụ M&A tại Việt Nam
  • Nhìn lại các doanh nghiệp tư nhân: Những điểm yếu cố hữu
  • M&A thời kinh tế khó khăn
  • Quản trị công ty tại Việt Nam: Bao giờ theo chuẩn quốc tế?
  • Không dễ bén duyên
  • Làm ăn thời khủng hoảng
  • Doanh nghiệp có nên “dùng đũa 2 tay?”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com