(minh họa: Khều) |
Chuỗi cung ứng và hạ tầng logistics được ví như mạch máu của doanh nghiệp. Sức khỏe của doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào sự tuần hoàn của chuỗi cung ứng hàng hóa, mua nguyên liệu, bán thành phẩm, quản lý hàng tồn kho… Nhưng việc thực hiện chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp hiện nay chỉ giải quyết vấn đề mua hàng hóa nguyên liệu với giá rẻ…
Yếu vì nhiều lẽ Dịch vụ giao nhận kho vận (logistics) sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng tại Việt Nam, đóng góp tới 15% GDP cả nước. Theo Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), trong 10 năm tới, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt 200 tỉ đô la Mỹ/năm, nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics lại càng lớn. Hiện hàng container qua cảng biển Việt Nam đạt 3,6-4,2 triệu TEU. Con số này đến năm 2020 sẽ lên đến 7,7 triệu TEU. Hệ thống giao thông vận tải là cơ sở quan trọng trong việc phát triển dịch vụ logistics. Thế nhưng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam còn yếu kém, khiến chi phí của dịch vụ logistics tăng cao, ảnh hưởng đến việc phát triển cũng như hiệu quả của dịch vụ này ở Việt Nam. Tại hội nghị “Cung cấp giải pháp quản trị chuỗi cung ứng và logistics 2010” vừa diễn ra tại TPHCM, ông Martin Aldergard, thuộc Công ty Beautiful Mind Consulting, cho rằng hạ tầng cho phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc mở rộng, phát triển chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không có bộ phận quản trị chuỗi cung ứng, họ phải chọn giải pháp thuê ngoài. Nhưng thực tế việc sử dụng dịch vụ thuê ngoài để quản trị chuỗi cung ứng cũng không được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Cả nước hiện có khoảng 600 doanh nghiệp logistics, quy mô doanh nghiệp nhỏ, ít kinh nghiệm do nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng đang thiếu hụt trầm trọng. Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Damco tại Việt Nam, ông Narin Phol, cho rằng hạ tầng kém đã làm cho chi phí dịch vụ logistics ở Việt Nam tăng cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khi sử dụng dịch vụ thuê ngoài. Ông Narin dẫn chứng: việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp luôn đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, khiến chi phí vận chuyển tăng. Chi phí logistics ở Việt Nam cao so với nhiều nước, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Ngoài rào cản hạ tầng kỹ thuật cho logistics, doanh nghiệp Việt Nam còn bị rào cản về nhận thức và thay đổi văn hóa công ty trong việc áp dụng và thực hiện các giải pháp quản lý chuỗi cung ứng. Theo ông Võ Đình Nhật Quang, chuyên gia tư vấn chuỗi cung ứng, vì lý do này mà việc quản lý chuỗi cung ứng được thực hiện độc lập, với những bộ phận độc lập. “Đáng quan ngại hơn, việc mua hàng, quản lý hàng tồn kho, đầu vào, đầu ra… không gắn liền với kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Nói cách khác, họ thiếu một người nhạc trưởng quản lý chuỗi cung ứng”, ông Quang nói tại một cuộc bàn tròn về quản trị chuỗi cung ứng do tạp chí Quản trị chuỗi cung ứng Việt Nam tổ chức mới đây. Điều quan trọng của việc quản trị chuỗi cung ứng nhằm giúp tối thiểu hóa chi phí cho doanh nghiệp, tối đa hóa lợi ích sản phẩm mang đến cho người tiêu dùng. Nhưng thực chất việc thực hiện chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp hiện nay chỉ giải quyết vấn đề mua hàng hóa nguyên liệu với giá rẻ. Mua hàng giá rẻ không thể bù đắp được chi phí tăng thêm do chất lượng nguyên liệu kém, giao hàng trễ. Hậu quả là tồn kho thành phẩm nhiều, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Để quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả Vậy làm thế nào để quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả? Nhiều doanh nghiệp cho rằng: dự báo và lập kế hoạch chuỗi cung ứng kịp thời, chính xác là nền tảng để tiến đến việc quản trị chuỗi cung ứng chuyên nghiệp. Doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp và cải tiến công nghệ thông tin bằng những hệ thống phần mềm quản trị chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để việc đầu tư mang lại hiệu quả, doanh nghiệp cần xây dựng và kết nối các phòng ban với nhau để cùng đồng thuận trong việc thực hiện và quản trị chuỗi cung ứng tốt hơn. Theo bà Marzena Kowalkowska, Tổng giám đốc Công ty Comarch Vietnam Co. Ltd., việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý chuỗi cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp trao đổi thông tin hiệu quả với đối tác và khách hàng. Việc thu thập, sử dụng và xử lý hiệu quả thông tin khi ứng dụng các phần mềm giúp giảm 50% thời gian làm việc của nhân viên dành cho việc tìm kiếm chứng từ. Ngoài ra, đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin cũng giúp việc cải tiến tổ chức hoạt động công ty, thắt chặt mối quan hệ với đối tác, phản ứng nhanh trước những thay đổi của thị trường. “Áp dụng tự động hóa trong việc quản lý chuỗi cung ứng cũng giúp doanh nghiệp tăng chất lượng dữ liệu lưu trữ về khách hàng. Cắt giảm chi phí nhờ lưu trữ điện tử, chào bán đúng hàng, đúng đối tượng khách hàng vào đúng thời điểm”, bà Kowalkowska chia sẻ. Về việc nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ tiềm lực để đầu tư công nghệ cho việc quản trị chuỗi cung ứng, đại diện của IBM cho rằng doanh nghiệp không cần đầu tư hệ thống quản lý chuỗi cung ứng cho toàn bộ công ty. Doanh nghiệp có thể hoạch định mặt hàng kinh doanh cốt lõi (mang lại giá trị cao), hoặc những mặt hàng đang sản xuất trong tình trạng thất thoát chi phí... nhằm lựa chọn gói công nghệ hợp lý để đầu tư quản trị chuỗi cung ứng. Những công ty cung cấp dịch vụ luôn có những gói đầu tư nhỏ, sẵn sàng tư vấn cho doanh nghiệp chọn giải pháp phù hợp trong việc quản trị chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cũng có thể đầu tư theo cách “cuốn chiếu”, đầu tư cho từng bộ phận cần thiết và quan trọng, sau đó sẽ triển khai trong toàn công ty.
(Theo Ban Mai // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com