Bạn cho rằng tất cả những ai tham gia điều hành một công ty đều là doanh nhân? Nếu vậy, hãy đọc bài báo sau đây để thấy một định nghĩa hoàn toàn mới mẻ về họ.
Doanh nhân nghĩa là gì? Đã có quá nhiều câu trả lời cho câu hỏi này rồi; nào là doanh nhân là người chấp nhận rủi ro, nhà phát minh, chủ một công ty nhỏ, hay chỉ đơn thuần họ là những kẻ điên rồ hoặc may mắn. Song tất cả những ý kiến trên, và thẳng thắn ra mà nói, cả phần lớn những gì tôi đã đọc được trong các cuốn sách về kinh doanh nữa, đều không mấy liên quan đến bản chất của doanh nhân. Thông thái đến như Malcolm Gladwell thì trong bài báo gần đây viết về chủ đề này trên tạp chí New Yorker, ông cũng mới chỉ đúng một nửa. Là một doanh nhân khác xa với những gì mà mọi người thường nghĩ. Nó không phải là một hành vi (chấp nhận rủi ro hay né tránh rủi ro); nó không phải là một loại hình kinh doanh (bạn có thể điều hành một công ty nhỏ, một công ty đại chúng, một nhánh của một công ty, hay là một nhà đầu tư); mà nó cũng không can hệ gì tới chức tước (bạn không cần phải leo lên chiếc ghế CEO thì mới được gọi là một doanh nhân). Thay vào đó, tôi lại đánh giá nó là một đặc tính cá nhân. Có vô vàn những chủ doanh nghiệp nhỏ và những người mới khởi nghiệp kinh doanh - và họ đều tỏ ra rất xuất sắc - nhưng tôi vẫn không coi họ là doanh nhân được. Cũng giống như ở các công ty lớn, bạn có thể là một tổng giám đốc thành đạt mà không cần phải là một doanh nhân hay có những đặc điểm của doanh nhân. Tôi ví nghiệp kinh doanh là một căn bệnh. Bản thân tôi cũng mắc căn bệnh đó, nên tôi không dám chắc là nó tốt hay xấu. Trước thực tế rằng có rất nhiều người muốn mắc căn bệnh này, tôi lại thấy như họ không hiểu gì về nó cả. Người ta nói rằng doanh nhân là hiện thân cho giấc mơ Mỹ. Họ đột nhiên xuất hiện rồi xây dựng nên những đế chế lớn, gặt hái được vô vàn giải thưởng quý giá, và sống một cuộc đời xa hoa. Đây là Larry Ellison và đội du thuyền hoành tráng, đây là Bill Gates với ngôi nhà thông minh rộng hơn 6.000m2, đây là Ted Turner với gần 2 triệu ha đất, còn kia là Larry Page với chiếc Boeing 747. Nhưng đó chỉ là những giá trị ngoại lệ. Trong một cuốn sách cùng tên được nhiều người yêu thích, Gladwell ước tính rằng để thực sự thông thạo về một lĩnh vực nào đó, bạn cần bỏ ra gần 10.000 giờ làm việc. Nhưng giới doanh nhân thì khác, họ cống hiến toàn bộ con người mình cho sự nghiệp họ theo đuổi, và lúc nào họ cũng vậy. Doanh nhân yêu công việc họ làm và họ như bị ám ảnh vì nó. Nó là một tiền mệnh, một con đường vốn đã trải sẵn ra trước mặt bạn. Nó là một tính cách, một nô lệ của tình yêu, một sự nhiệt tình không thể thuần hóa, một tình huống không thể xử lý, một căn bệnh không có thuốc chữa. Hoặc là bạn mắc căn bệnh đó, hoặc là không. Hãy trả lời những câu hỏi sau đây để xác định xem bạn có mắc chứng bệnh này không nhé: - Bạn có thức dậy trước khi đồng hồ báo thức réo lên, rồi nhảy ra khỏi giường và háo hức đi làm? (tốt) - Bạn có đi như chạy tới chỗ để xe, quên cả ăn sáng, uống cà phê và đọc báo? (tốt hơn) - Được nửa đường tới công ty, bất chợt bạn nhìn xuống và nhận ra rằng mình còn chưa kịp tắm, cạo râu, hay ăn mặc chỉnh tề? (tuyệt vời) - Bạn có khựng lại một giây, rồi tặc lưỡi: "Kệ nó đi!", và tiếp tục lao đầu tới nơi làm việc? (chẩn đoán: mắc bệnh nghiện kinh doanh; phương pháp điều trị: chưa rõ) Bản thân tôi thì đã làm như vậy quá nhiều lần trong đời mà không một chút ngập ngừng do dự hay xấu hổ (đồng nghiệp thường hay trêu đó là chủ nghĩa Stibel, nhưng thực ra đó là chủ nghĩa doanh nhân). Tôi coi nó là một sự tập trung cao độ, khó tách rời tâm trí mình, đặc biệt là khi đưa nó ra so sánh với những hoạt động thường ngày khác. Phần lớn mọi người dùng lịch để ghi nhớ về các cuộc họp hay sự kiện quan trọng, còn trong cuốn lịch của tôi lại đầy những thứ vụn vặt như giờ ăn trưa khi nào! Nhiều người lầm tưởng căn bệnh kinh doanh là một chứng giống như rối loạn thiếu tập trung (ADD), hay bị ám ảnh, hay liều lĩnh, hay điên cuồng, và hàng tá những thứ kỳ dị khác. Nhưng thật ra, giới doanh nhân chỉ đơn thuần là quá nhiệt tình - người họ như chỉ có một công tắc khởi động, và cái công tắc đó lúc nào cũng ở trạng thái "on". Động lực thôi thúc doanh nhân không phải là tiền bạc. Tiền bạc là động lực của các công ty và những người buôn bán. Còn đối với doanh nhân, tiền bạc lại chỉ đơn giản là chiếc thước đo. Thẳng thắn ra mà nói, kinh doanh là một cách kiếm sống rất gian nan và bấp bênh. Nó là một con dao hai lưỡi: hoặc là bạn sẽ kiếm được bộn tiền, khiến cho nhiều thế hệ đời sau tiêu không hết - hoặc là bạn phá sản. Phần lớn các doanh nhân đều thất bại một cách thảm hại. Nếu bạn muốn chắc chắn có một cuộc sống tốt đẹp - một cuộc sống đem lại cho bạn một sự nghiệp thành đạt, ổn định, và một gia tài kha khá cho con cái - thì tốt nhất là hãy nghe lời các bậc phụ huynh của mình và học làm bác sỹ, luật sư, hay làm ăn buôn bán. Yếu tố giúp một số doanh nhân thành công cũng giống như yếu tố giúp mang đến thành công cho nhiều người khác: dựa vào các điểm mạnh và tránh những điểm yếu của mình. Thật ra, doanh nhân có một lợi thế hơn hẳn (hay chí ít đó cũng là suy nghĩ của cá nhân tôi): mức độ năng lượng của họ cao hơn, mức độ tự tin của họ cao hơn, và dần dần, họ cũng có xu hướng làm chủ lĩnh vực chuyên môn cao hơn. Nhưng thành công không chỉ đến từ những thứ đó; thành công được tạo ra từ việc tận dụng những năng lực chính của bản thân. Đôi khi, cái khiến tôi thành công là tôi biết kết hợp giữa đặc tính doanh nhân với những thế mạnh của mình trong việc chấp nhận những rủi ro có tính toán, ra quyết định chính xác, và xây dựng các nhóm làm việc gồm những người mà tôi ngưỡng mộ. Nếu bạn đúng là một doanh nhân, hãy sử dụng thiên tài đó thật phù hợp. Còn nếu không, thì bạn đừng nên gắng sức trở thành doanh nhân làm gì. Thay vào đó, hãy suy nghĩ và xác định xem đâu là việc bạn có thể làm tốt nhất, và hãy cố gắng làm việc đó tốt hơn bất kỳ ai khác. Còn nếu công ty bạn cần có một doanh nhân để chèo lái, hãy đừng ngại ngần mà đi thuê một người như vậy.
( Theo Thủy Nguyệt (dịch từ HBR) // vnr500 online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com