Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hái ra tiền ở nơi “tên bay, đạn lạc”

Hoàng tử Karim al-Husseini - một trong những “ông hoàng” giàu nhất thế giới, nổi tiếng với xúc tiến đầu tư ở Á -Phi, làm từ thiện và mê đua ngựa

Sau bức tường bê tông dày cộp và hàng rào dây thép gai chằng chịt, những khách sạn giữa vùng chiến sự đang duy trì một triết lý kinh doanh độc đáo.

Ở nơi mà hầu như không một khách du lịch nào dám mạo hiểm tìm đến, chuỗi khách sạn Serena cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn hàng đầu thế giới cùng chế độ an ninh nghiêm ngặt. Nhưng sau bức tường bê tông dày cộp và hàng rào dây thép gai chằng chịt đó, những khách sạn giữa vùng chiến sự đang duy trì một triết lý kinh doanh độc đáo.
 
Khách sạn kiêm pháo đài quân sự
 
Người khách thấy nhẹ người khi nhân viên lễ tân chấp nhận thẻ tín dụng với một nụ cười. “Vài năm trước, tôi không thể thanh toán bằng thẻ. Không một công ty thẻ tín dụng nào có chi nhánh ở Afghanistan. Nhẹ cả người khi tôi không phải lái xe ra ngoài để lấy tiền mặt”. Đó là bởi hành trình đi quanh Thủ đô Kabul không loại trừ “rủi ro chết người” vì “tên bay đạn lạc”.
 
Kể từ khi khách sạn Serena 5 sao khai trương tại Kabul năm 2005, người ta gọi đó là thiên đường giữa vùng đất luôn rình rập bất ổn, bởi giữa cảnh yên bình đó, lính bắn tỉa tuần tra trên khắp mái nhà, và lối ra vào được kiểm soát chặt chẽ bởi nhiều chốt an ninh. Khách đến khách sạn được kiểm tra một lượt, trong khi hành lý được quét 2 lần, đồng thời để chó nghiệp vụ phát hiện chất nổ. An ninh là vấn đề ưu tiên hàng đầu ở Kabul, vì thế không có gì là bất thường khi thấy khách ở Serena vừa ăn vừa mặc áo chống đạn trong khi nhân viên bảo vệ vũ trang tuần tra các lối vào.
 
Khách du lịch không dám bén mảng đến Kabul nên đa số khách hàng là doanh nhân, các nhà ngoại giao, nhân viên cứu trợ, nhà tư vấn, nhà báo và các chức sắc quan trọng. Họ thường là khách quen, hiếm khi phải trả đủ 356 USD/ đêm/phòng, thường chỉ là 1/3 mức giá phòng đó. Giá khách sạn tương đối cao như vậy không chỉ do chi phí đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu USD. Cùng với chi phí an ninh, một phần giá phòng bị chi phối bởi giá cả tiêu dùng hàng ngày đắt đỏ. Kabul không có nhiều hàng hóa, phần lớn là các sản phẩm nhập khẩu, từ thực phẩm cho đến bánh xà phòng.
 
Serena Kabul nằm trong chuỗi khách sạn Serena đang “thâu tóm” thị trường khách sạn hạng sang ở vùng chiến sự. Được thành lập những năm 1970, Serena hiện có 36 khách sạn 5 sao ở khắp châu Phi và châu Á như Pakistan, Rwanda, Uganda, Tajikistan. Ngoài ra, họ đang lên kế hoạch xây dựng 4 khách sạn mới ở Syria và Afghanistan. 
 
Triết lý kinh doanh
 
Chủ sở hữu Serena là mạng lưới phát triển Aga Khan, cơ quan phát triển tư nhân lớn nhất trên thế giới. Đứng đầu là Hoàng tử Karim al-Husseini, 75 tuổi, người nổi tiếng về sự giàu có và thích phụ nữ đẹp. Mùa thu năm ngoái, ông đã gây xôn xao khi trả người vợ cũ 60 triệu euro để giải quyết ly hôn. Không phải là hoàng thân ở một quốc gia cụ thể, Al-Husseini còn được gọi là Aga Khan, vị lãnh tụ tinh thần của nhóm Ismailis, cộng đồng người Hồi giáo Shia với khoảng 20 triệu tín đồ trên toàn thế giới. Trong hơn nửa thế kỷ, ông đã xây dựng được một mạng lưới rộng rãi quỹ phát triển tại 16 quốc gia, từ xây dựng bệnh viện đến bảo tồn văn hóa, du lịch. 
 
Kinh doanh khách sạn tại vùng chiến sự không tránh khỏi nguy hiểm. Khách sạn Serena tọa lạc ở trung tâm Kabul, gần các cơ quan chính phủ và đại sứ quán nước ngoài nên dễ trở thành mục tiêu tấn công. Năm 2008, khách sạn Kabul Serena bị 3 kẻ đánh bom liều chết, trang bị súng và chất nổ xông vào sảnh, 5 người đã thiệt mạng, khách sạn vắng khách mất vài tháng. Một năm sau, khách sạn này bị trúng tên lửa. Cũng tại khu vực đầy bất ổn này, ngay hôm 22-6 vừa qua, 5 phiến quân Taliban đã đột kích khu nghỉ dưỡng 5 sao Spozhmai, ngoại ô Kabul. Rất nhiều khách hàng đã phải nhảy xuống hồ trốn chạy khi những tay súng cố thủ đấu súng với lực lượng an ninh suốt 12 tiếng trước khi bị tiêu diệt.
 
Nhìn vào công việc kinh doanh hiện tại có thể thấy rõ tiền không phải là mục tiêu chính khi xây dựng khách sạn này. “Một ngày nào đó, du khách có thể lại ung dung đi du lịch ở Afghanistan”, một nhân viên tại Kabul Serena lạc quan nói. “Khi đó, chúng tôi muốn là người đầu tiên cung cấp cho du khách nơi ở có chất lượng cao nhất”. Nhân viên khách sạn ở Kabul luôn ý thức được rằng công việc của họ không phải là duy trì sự hiện diện tại khu vực khủng hoảng mà là cung cấp công ăn việc làm và phát triển du lịch, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tới vùng đất này. Ngoài ra, “bằng cách hỗ trợ người nghèo qua việc kinh doanh, chúng tôi đang tạo nguồn lực chống lại chủ nghĩa cực đoan”, ông Aga Khan từng nói trong một bài phỏng vấn hiếm hoi với tờ New York Times.
 
Bức tường rào khách sạn như là ranh giới phân chia hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Người đàn ông trả tiền tại quầy lễ tân bằng thẻ tín dụng sẽ ở lại Serena 3 ngày. Là một nhà tư vấn phát triển, ông đã sắp xếp tất cả các cuộc gặp mặt tại khách sạn. Với ông, ấn tượng về Kabul chỉ là cảnh tượng nhìn thấy trong 2 chặng đường đi và đến sân bay qua cửa sổ của một chiếc xe bọc thép.

(Theo Yến Chi // An ninh Thủ đô // Spiegel)

  • Doanh nhân cần ứng xử thế nào trong thời “bão”nợ?
  • CEO Việt học được gì?
  • Sở hữu DN nhượng quyền: Xu hướng thời khủng hoảng
  • Giá & tham nhũng
  • Ít tiền, tăng lương hay cắt giảm nhân sự?
  • So găng 2 đại gia bia rượu Habeco - Sabeco
  • Bi kịch của CEO chứng khoán
  • Doanh nghiệp xã hội đang khát vốn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com