Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khéo co thì ấm, khéo thắp thì sáng

Công nghệ lò hộp đốt than hiện vẫn còn được sử dụng nhiều tại làng gốm Bát Tràng

Công nghệ lò hộp đốt than hiện vẫn còn được sử dụng nhiều tại làng gốm Bát Tràng

Hàng trăm cách thức tiết kiệm năng lượng tưởng chừng rất đơn giản nhưng hiệu quả lại không hề nhỏ đã được các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần, nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau áp dụng. Một công đôi ba việc!

Theo ông Nguyễn Bá Vinh, Giám đốc dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (PECSME), có tiềm năng tiết kiệm cao nhất (đồng nghĩa với việc hiện nay đang có hiệu suất sử dụng năng lượng lãng phí năng lượng nhất) là ngành sản xuất gạch ngói, từ 30 - 50%. Tiếp đến là dệt may và chế biến thực phẩm, cùng sánh vai nhau ở mức 15 - 20%. Ngành sản xuất giấy và bột giấy, gốm sứ cũng có thể tiết kiệm được 10 - 15%.

Tiết kiệm tiền

Nằm trong nhóm doanh nghiệp “có tiềm năng tiết kiệm cao nhất”, doanh nghiệp tư nhân Hạt Ngọc (Hải Dương) đã mạnh dạn chuyển đổi từ công nghệ sản xuất gạch thủ công sang công nghệ lò nung gạch liên tục kiểu đứng. Mặc dù những chiếc lò gạch liên tục kiểu đứng đầu tiên ra đời nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng ông giám đốc Vũ Văn Hạt không dễ dàng hài lòng. Ông đã mày mò mở rộng dung tích buồng đốt, “nới” chiều cao lò để tận dụng nhiệt độ sấy từ trung tâm vùng cháy đưa lên. Kết quả là gạch vừa “chín” hơn, lượng than tiêu thụ lại giảm đi. Để sản xuất 1 vạn gạch, trước đây doanh nghiệp phải tiêu tốn 2.200 kg than, nay chỉ còn mất 600 kg.

Trên phạm vi toàn tỉnh Hải Dương, tổng cộng, chuỗi lò gạch mới này (với khoảng 150 doanh nghiệp thành viên) đã giúp tiết kiệm được 120.000 tấn than mỗi năm, tương đương 96 tỷ đồng và 80.000 tấn củi (khoảng 48 tỷ đồng nữa).

Tương tự, trong vài năm trở lại đây, Công ty cổ phần Thiết kế và sản xuất Gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội) đã mạnh dạn chuyển đổi từ công nghệ lò hộp đốt than với rất nhiều bất tiện như tiêu hao nhiều nhiên liệu, chất lượng sản phẩm không cao, môi trường không khí bị ảnh hưởng, gây ra cho cộng đồng nhiều loại bệnh tật… sang công nghệ lò con thoi đốt ga. Hiệu quả không có gì phải bàn cãi: thời gian nung được rút ngắn từ 20 - 24%, sản phẩm đạt chất lượng lên tới 98 - 99%, chi phí cho nhiên liệu giảm trên 40%. 

Không chỉ thay đổi công nghệ (cần đến những khoản đầu tư lớn) mới giúp tiết kiệm năng lượng. Hiệu quả tiết kiệm có khi xuất phát từ việc thay đổi thói quen. Khách sạn Majestic (TP. HCM) đã tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng tiền điện mỗi năm, mặc dù đây là một tòa nhà đã được xây dựng ngót nghét 100 năm, có những hạn chế nhất định trong việc lắp đặt hệ thống thiết bị mới. Việc tắt, bật đèn chiếu sáng, cài đặt nhiệt độ phòng hợp lý, chỉ vận hành các loại máy giặt, rửa khi đầy tải, kêu gọi khách hàng sử dụng lại khăn tắm, ga giường… tưởng chừng là “chuyện nhỏ” nhưng hiệu quả đem lại là trông thấy. Đơn cử, cứ tăng điều hòa thêm 1o độ C, tòa nhà sẽ tiết kiệm được khoảng 3 - 4% điện năng tiêu thụ.

… và có phụ thu!

Không phải nói thì nhiều người cũng biết, tiết kiệm nhiên liệu là đỡ tiền mua, nhưng tiết kiệm nhiên liệu còn là tránh gây bệnh cho môi trường, giải tỏa những “cơn đau đầu” cho người dân trong khu vực và chính quyền địa phương - nói theo cách nôm na, dễ hiểu như ông Vũ Văn Hạt.

Một điều nữa mà doanh nhân có phong cách “nông nghiệp nông thôn” này chưa nghĩ đến, nhưng đã khiến ông Nguyễn Bá Vinh trăn trở, đó là việc tiết kiệm năng lượng còn mở ra khả năng “xuất khẩu” quota phát thải, đem lại nguồn “phụ thu” chính đáng cho doanh nghiệp. Theo ông Vinh, tính toán lượng khí thải giảm thiểu được không phải là chuyện khó, ví dụ như riêng dự án trình diễn lò gạch liên tục kiểu đứng tại Bình Dương ước đã giảm phát thải khí CO2 khoảng 7.000 tấn/năm, hoặc việc áp dụng lò nung gốm tiết kiệm năng lượng tại Bát Tràng cũng giảm phát thải được khoảng gần 1.600 tấn CO2/năm. Cộng lại, con số này là rất đáng kể.

Tất nhiên, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tìm được thị trường bán quota phát thải (phần lớn cho đối tác nước ngoài), hoặc thực hiện các thủ tục bán quota phát thải cũng không dễ dàng. “Vẫn biết đây một là tiềm năng lớn và thậm chí một vài đối tác nước ngoài cũng đã đặt vấn đề này với chúng tôi, nhưng trong phạm vi dự án, chúng tôi quả là lực bất tòng tâm, không thể bố trí nhân lực và kinh phí cho công việc này. Tôi nghĩ, nếu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng chương trình thống kê lượng phát thải tiết giảm được cũng như tìm kiếm đối tác cho thị trường còn mới mẻ này thì hay quá”, ông Vinh chia sẻ.

Khuếch trương thương hiệu

“Doanh nghiệp còn được một cái lợi nữa, tuy khó cân đo đong đếm nhưng không thể không nhắc đến”, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM bổ sung khi bàn về vấn đề này.

Quả thực, khi mà việc lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ “xanh” đã và đang là một xu hướng tiêu dùng văn minh, hiện đại thì trong mắt khách hàng, các doanh nghiệp có ý thức tiết kiệm năng lượng rõ ràng được “cộng điểm”.

* Tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng của toàn bộ nền kinh tế giai đoạn 2001 - 2020 là 8,1 - 8,7% /năm

* Tiêu hao năng lượng công nghiệp trung bình của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia 1,5 - 1,7 lần (khối doanh nghiệp nhỏ và vừa còn cao hơn nữa, khoảng 2 lần).

Đại diện Khách sạn Majestic cho biết, từ giữa năm 2008, khách sạn này cho lắp đặt hệ thống pin mặt trời để sử dụng cho tòa nhà, hệ thống này đã được đặc biệt chú ý và trở thành một hình ảnh tiêu biểu của khách sạn. Một ví dụ nhỏ khác, sau khi tham gia chiến dịch “Giờ Trái đất”, Majestic đã tiếp tục duy trì chương trình “Majestic Candle Night” vào tối thứ 7 tuần cuối cùng hàng tháng. Thật bất ngờ, kết quả thăm dò cho thấy những khách hàng được hỏi đều tỏ ra hài lòng, thậm chí thích thú với ý tưởng này! Còn tại Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), nguồn gió tươi từ biển miền Trung được lưu ý tận dụng tối đa để tạo cho khách hàng “cảm giác ngỡ ngàng như được thiên nhiên vây bọc, dù là đi trong sảnh chính, tầng lửng hay khu vực nhà hàng, hành lang, cầu thang bộ”. Đó là một ý kiến khách hàng đã được ghi nhận tại đây.

Cơn khủng hoảng kinh tế đang làm chao đảo thế giới trong thời gian gần đây rồi sẽ qua đi. Nhưng cho dù các điều kiện kinh tế có được cải thiện thì tiết kiệm năng lượng, gìn giữ, bảo vệ môi trường vẫn luôn là câu chuyện thời sự! Tại sao không làm, khi mà một mũi tên có thể bắn trúng tới ba, bốn đích?

 

(Theo Nhật Hạ // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Thủ tục hành chính trong môi trường kinh doanh: Nhìn người mà ngẫm đến ta
  • Bốn bước bảo vệ thông tin mật trong doanh nghiệp
  • Một khoảng trống pháp lý
  • Những hệ lụy từ việc chi tiết hóa
  • Khủng hoảng là thời điểm kiểm tra tổng quát!
  • Cần hiểu đúng về chức năng R&D
  • Quản lý tập đoàn: Chỗ nào cũng “hổng”
  • Thay đổi cách nhìn trong quản trị rủi ro
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com