Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thay đổi cách nhìn trong quản trị rủi ro

Cách đây 2 năm, rất khó thuyết phục các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào vấn đề quản trị rủi ro, nhưng hiện tại, sau khi đã trải qua khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã có cái nhìn khác.

 

 Nghiên cứu mới đây của Công ty Kiểm toán Ernst&Young Việt Nam cho thấy, quản trị rủi ro đang được các doanh nghiệp xem xét lại. 56% trong tổng số những doanh nghiệp được điều tra cho biết đang thực hiện những thay đổi lâu dài và 33% đang thực hiện những thay đổi tạm thời trong khi tiếp cận với cách thức quản lý rủi ro.

Đầu tư vào quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp cũng đang tăng lên. 35% ủy viên ban quản trị của những doanh nghiệp được điều tra tin rằng, những thiếu sót trong quản lý rủi ro cần phải được giải quyết thông qua việc can thiệp vào điều hành. Tuy nhiên, điều tra của Ernst&Young Việt Nam cũng cho biết, vẫn có 1/3 số doanh nghiệp được nghiên cứu chưa quan tâm đến vấn đề rủi ro trong tái cấu trúc để áp dụng các chương trình cắt giảm chi phí…

Theo điều tra về quản lý rủi ro toàn cầu lần thứ 6 hồi cuối năm ngoái của Công ty Kiểm toán Deloitte, các chương trình quản lý rủi ro của các doanh nghiệp đã phổ biến hơn tại các công ty của Hoa Kỳ và châu Á. Trả lời cuộc điều tra, giám đốc quản lý rủi ro khu vực ngân hàng của một doanh nghiệp cho rằng, khủng hoảng tín dụng là một bài học lớn về rủi ro hai chiều mà các doanh nghiệp phải đối mặt. 

Hiểu được quy mô của rủi ro và tập trung vào việc phân chia rủi ro là vô cùng quan trọng. Chính vì thế, việc nắm bắt dấu hiệu “khủng hoảng” sớm là yếu tố chủ chốt để doanh nghiệp không lâm vào tình trạng nợ xấu. 

Theo Công ty Kiểm toán Deloitte, các doanh nghiệp cần quan tâm đến quản lý rủi ro những vấn đề chính như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động. Trả lời câu hỏi của đại diện một doanh nghiệp dệt may Việt Nam về phương án phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp ngành này trong bối cảnh thị trường bán hàng ngày càng thu hẹp, ông Benjamin Thong, Giám đốc khối dịch vụ tư vấn rủi ro của Công ty Kiểm toán Deloitte cho rằng, dệt may dựa vào xuất khẩu là chính, nên các doanh nghiệp cần phải nhìn vào thị trường và đa dạng hóa thị trường bán hàng là phương án phòng ngừa rủi ro cho các doanh nghiệp này. 

“Rất khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho những công ty cụ thể; mỗi ngành, mỗi công ty phải có những nghiên cứu thị trường riêng, chứ không có một phương án chung cho tất cả các công ty, kể cả là những công ty cùng ngành nghề”, ông Benjamin Thong nói.

Về vấn đề quản lý rủi ro tỷ giá đối với những doanh nghiệp làm xuất nhập khẩu, ông Benjamin Thong cho rằng, đa số các doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại đều gặp phải rủi ro này và cách phòng ngừa rủi ro đơn giản nhất là tham gia các hợp đồng kỳ hạn mà không cần đầu tư quá nhiều. 

Theo ông Benjamin Thong, do tác động tiêu cực của rủi ro có thể gây ra đối với một số tổ chức tài chính, công tác quản lý rủi ro đã trở thành một mối quan tâm lớn đối với ban giám đốc và ban quản lý cấp cao. Chính vì thế, chức năng quản lý rủi ro cần phải đóng vai trò then chốt trong việc lập chiến lược kinh doanh và phê chuẩn các quyết định kinh doanh quan trọng. Các nỗ lực quản lý rủi ro doanh nghiệp thành công cần có các cách thức tuyên truyền hiệu quả để toàn bộ nhân viên có thể hiểu các nguyên tắc chính và mục tiêu quản lý rủi ro của công ty. 

“Quản trị rủi ro là một hợp đồng bảo hiểm mà chúng ta chưa nhìn thấy ngay lợi ích của nó cho đến khi rủi ro xảy ra”, ông Benjamin Thong nói và khẳng định, không ngừng củng cố chức năng quản lý rủi ro sẽ cho các công ty cơ hội “phát triển đàn hồi hơn” và khả năng tốt hơn để vượt qua những thử thách cạnh tranh phía trước.

 

 

(Theo Ngọc Lan // Báo đầu tư )

  • Tái cấu trúc - kinh tế hay tư duy?
  • Quản trị rủi ro đừng theo mốt
  • Tập trung hoá để qua khủng hoảng
  • DN VN trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Ba tiêu chí để không bị thay thế
  • Thị trường mới nổi – Cơ hội cho nhiều ngành công nghiệp
  • Quản trị nhà đầu tư: DN còn lơ là
  • Khi Nhà nước quản lý kinh doanh
  • M&A tại Việt Nam: Cửa pháp lý hẹp mà chưa chặt!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com