Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Một khoảng trống pháp lý

Tranh minh họa: Khều

Quản lý doanh nghiệp là công việc vô cùng phức tạp - đó vừa là khoa học lại vừa là nghệ thuật. Do đó, người quản lý doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng.

Thuê quản lý doanh nghiệp - một nhu cầu tất yếu

Theo Luật Doanh nghiệp 2005, “Người quản lý doanh nghiệp là chủ sở hữu, giám đốc doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do điều lệ công ty quy định”.

Sẽ không có gì phải bàn khi chủ sở hữu doanh nghiệp đồng thời là người quản lý doanh nghiệp. Song, thực tiễn hiện nay và trong tương lai gần, với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nước ta, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp chủ sở hữu doanh nghiệp lại không phải là người quản lý doanh nghiệp.

Những trường hợp như vậy ít nhất cũng có thể bao gồm:

Thứ nhất, chủ doanh nghiệp cần giành một khoảng thời gian dài từ 1-3 năm để học tập nâng cao năng lực quản lý ở một nơi xa doanh nghiệp, chẳng hạn ở nước ngoài. Khi đó, chủ doanh nghiệp không thể “vừa học, vừa làm”.

Thứ hai, chủ doanh nghiệp không may bị qua đời và người thừa kế để làm chủ mới của doanh nghiệp lại chưa đủ năng lực cả về chuyên môn và quan hệ xã hội để trực tiếp quản lý điều hành doanh nghiệp.

Thứ ba, do sự thay đổi của pháp luật, lĩnh vực kinh doanh đang thực hiện của chủ doanh nghiệp “bỗng nhiên” được đưa vào danh mục “kinh doanh có điều kiện” và “điều kiện kinh doanh” lại là chủ doanh nghiệp phải có một chứng chỉ. Trong khi đó, để có thể có được chứng chỉ ấy, chủ doanh nghiệp lại gặp những khó khăn không thể vượt qua, chẳng hạn, đòi hỏi phải thi, sát hạch về ngoại ngữ...

Thứ tư, quy mô của doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng. Chẳng hạn, công ty được thành lập ban đầu đã đầu tư vốn và trở thành công ty mẹ của nhiều công ty con. Khi đó, chủ doanh nghiệp được thành lập ban đầu không thể đồng thời là người quản lý trực tiếp ở công ty mẹ và tất cả các công ty con.

Với những trường hợp điển hình nêu trên, tất yếu dẫn đến một nhu cầu, chủ doanh nghiệp phải thuê một hoặc một số người khác - không phải là người đồng sở hữu - làm người quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Thuê quản lý doanh nghiệp - một lĩnh vực đặc thù

Khi một người không phải là đồng sở hữu được chủ doanh nghiệp thuê làm quản lý, dù được gắn với bất kỳ chức danh gì trong doanh nghiệp thì về bản chất người đó cũng là người lao động làm thuê. Song, người làm thuê trong lĩnh vực quản lý, đặc biệt là ở vị trí quản lý cấp cao như chủ tịch, giám đốc (tổng giám đốc), hoàn toàn khác với người lao động làm thuê trong sản xuất trực tiếp hay với các nhân viên hành chính.

Trước hết, người được thuê bắt buộc phải có trình độ phù hợp với vị trí quản lý được chủ doanh nghiệp giao quyền. Khi người nhận làm quản lý không đủ năng lực và chủ doanh nghiệp không thẩm định, phát hiện được trước khi thuê thì hậu quả đến với doanh nghiệp sẽ vô cùng lớn, chẳng hạn, doanh nghiệp sẽ bị buộc phải ngừng hoạt động do vi phạm pháp luật hoặc kinh doanh bị thua lỗ dẫn đến phá sản...

Thứ hai, ở vị trí quản lý, người được thuê có những điều kiện rất thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin và thiết lập các mối quan hệ trong kinh doanh. Từ đó, người quản lý có thể thực hiện những giao dịch nội gián nhằm thu lợi cho cá nhân, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp.

Thứ ba, người được thuê quản lý phải có quyền lợi và do đó cũng phải có trách nhiệm cao hơn hẳn so với những người làm thuê khác trong doanh nghiệp.

Một khoảng trống pháp lý

Ở nước ta, cho đến nay, chưa có bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh việc thuê quản lý (ngoại trừ một số văn bản chỉ đạo việc thí điểm thuê giám đốc, tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước).

Luật Doanh nghiệp trao quyền cho hội đồng thành viên (với công ty TNHH), hội đồng quản trị (với công ty cổ phần) “quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký và chấm dứt hợp đồng đối với giám đốc hoặc tổng giám đốc, kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại điều lệ công ty”.

Câu hỏi được đặt ra là, trong trường hợp “ký và chấm dứt hợp đồng đối với giám đốc hoặc tổng giám đốc, kế toán trưởng” thì đó là hợp đồng gì?

Có thể khẳng định ngay rằng, đó không thể là hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động hiện nay. Bởi lẽ, Luật Lao động có mục tiêu chính là bảo vệ quyền lợi của người lao động. Do đó, sẽ không thể đưa vào hợp đồng những điều khoản ràng buộc xuất phát từ những điểm đặc thù đã nêu trong việc thuê quản lý.

Hơn nữa, theo Luật Lao động, người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và gần như không phải chịu trách nhiệm gì với chủ doanh nghiệp về hành vi đó. Song, khi “quyền” đó được thực hiện với một người được thuê làm quản lý thì hậu quả đối với doanh nghiệp sẽ là rất nghiêm trọng

Trong thực tế ở nước ta, nhiều doanh nghiệp dân doanh đã thuê giám đốc, kế toán trưởng thông qua hợp đồng lao động và không ít trường hợp đã “trở tay không kịp” khi người được thuê thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp, người được thuê làm quản lý bỏ đi sau khi gây thất thoát một số không ít tiền hoặc tài sản của doanh nghiệp nhưng việc quy trách nhiệm, yêu cầu bồi thường đã trở thành “bất khả thi” đối với chủ doanh nghiệp.

Từ những phân tích trên và tham khảo kinh nghiệm ở các nước phát triển, xin kiến nghị:

1. Cần khẩn trương nghiên cứu và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật - một nghị định của Chính phủ - về thuê quản lý của doanh nghiệp, áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

2. Văn bản quy phạm pháp luật về thuê quản lý của doanh nghiệp phải xuất phát từ những đặc thù trong việc thuê quản lý, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người nhận quản lý và người thuê quản lý. Trong đó, cần quy định hợp đồng thuê quản lý là loại hợp đồng khác không chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động đối với hợp đồng lao động.

3. Hợp đồng thuê quản lý không chỉ được bên thuê quản lý và bên nhận thuê quản lý giao kết mà cần được đăng ký hoặc xác nhận tại một cơ quan tư pháp như tòa hành chính hoặc cơ quan công chứng để có căn cứ pháp lý đầy đủ và chặt chẽ khi xử lý nếu xẩy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói trên về thuê quản lý là từng bước xóa đi khoảng trống pháp lý đã nêu trong lĩnh vực quan trọng này. Điều đó cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.

(*) Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và Đào tạo VFAM Việt Nam

(Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Những hệ lụy từ việc chi tiết hóa
  • Khủng hoảng là thời điểm kiểm tra tổng quát!
  • Cần hiểu đúng về chức năng R&D
  • Quản lý tập đoàn: Chỗ nào cũng “hổng”
  • Thay đổi cách nhìn trong quản trị rủi ro
  • Tái cấu trúc - kinh tế hay tư duy?
  • Quản trị rủi ro đừng theo mốt
  • Tập trung hoá để qua khủng hoảng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com