Một cửa hàng bánh Kinh Đô tại TPHCM. Việc đưa ra thị trường sản phẩm bánh mì có thể thay thế bữa ăn cho công nhân, người thu nhập thấp trong thời buổi giá cả tăng cao đã giúp lượng bánh mì bán ra của công ty tăng đột biến trong những tháng đầu năm. Ảnh: Lê Toàn. |
Trong khó khăn, người ta hay nói đến cơ hội. Nhưng tận dụng cơ hội như thế nào cho hiệu quả, cân nhắc những yếu tố của thị trường tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ra sao để đưa ra những quyết định hợp lý vượt qua khủng hoảng thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được...
Cơ hội trong khó khăn
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng mạnh trong thời gian qua. Điều này có nghĩa là giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng. Người tiêu dùng, nhất là người có thu nhập thấp, buộc phải thắt lưng buộc bụng, chấp nhận giảm chi tiêu để vượt qua thời bão giá.
“Doanh nghiệp trong ngành thực phẩm “thấy” được cơ hội nào trong bối cảnh CPI cao như vậy?”, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Kinh Đô, đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm “Điều hành doanh nghiệp thời khủng hoảng”, do Hội Doanh nhân trẻ TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức vào tuần qua ở TPHCM.
Chính vị Tổng giám đốc Kinh Đô đã đi tìm câu trả lời cho doanh nghiệp mình. Khi thực phẩm tăng giá, đại bộ phận người dân có thu nhập thấp sẽ điều chỉnh lại mức chi tiêu. Họ sẽ tìm mua những loại thực phẩm thay thế có giá thấp, tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo mức dinh dưỡng cần thiết.
Đọc được “tình huống” này, Kinh Đô đã tung ra thị trường những sản phẩm bánh mì với mức giá 8.000-10.000 đồng/ổ. Theo ông Thành, “lâu nay chúng ta cứ nghĩ bánh mì chỉ dùng để ăn sáng. Sản phẩm mới này của Kinh Đô không những đảm bảo dinh dưỡng cho người tiêu dùng mà còn có thể thay thế những bữa ăn cho công nhân, người thu nhập thấp”. Lượng bánh mì của Kinh Đô bán ra đã tăng đột biến trong những tháng đầu năm nay. Đó chính là cách mà Kinh Đô tìm ra cơ hội từ khủng hoảng.
Cũng nhìn thấy cơ hội từ khủng hoảng, nhưng cách làm của Công ty Cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường hoàn toàn khác biệt. Năm 2008, thời điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra, doanh nghiệp trong nước bắt đầu co cụm lại, chủ yếu bảo toàn nguồn vốn và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trước nguy cơ đổ vỡ. Ngược lại, Vĩnh Tường đã mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách đầu tư sang thị trường Singapore và Campuchia. Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng Vĩnh Tường quá mạo hiểm khi mở rộng kinh doanh ra nước ngoài trong thời kỳ khủng hoảng, bởi chi phí xây dựng nhà máy ở Singapore khá đắt đỏ so với mặt bằng chung của khu vực. Trong khi đó hệ thống pháp luật ở Campuchia chưa được tốt, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro ở thị trường này.
Tuy nhiên, Vĩnh Tường vẫn kiên định với quyết định đầu tư của mình. Sau hai năm “bén rễ” ở thị trường Campuchia, những sản phẩm tường trang trí và vách ngăn của Vĩnh Tường đã chiếm 75% thị phần ở đây. Ở thị trường Singapore, dù phải chịu áp lực cạnh tranh từ những công ty sở tại và các tập đoàn nước ngoài lớn, nhưng Vĩnh Tường vẫn chiếm được 22% thị phần ở quốc gia này. “Ngoài những bước chuẩn bị tốt, để chiếm lĩnh thị trường Campuchia và Singapore, Vĩnh Tường đã mời những nhà phân phối lớn nhất của họ làm cổ đông”, ông Trần Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Tường, nói về kinh nghiệm thâm nhập thị trường nước ngoài của công ty.
Cần có sự chuẩn bị “dài hơi”
Nhiều doanh nghiệp tại buổi tọa đàm đồng ý rằng, không có bí quyết thành công chung cho doanh nghiệp mà chỉ có chiến lược đúng và sự chuẩn bị kỹ càng cho mỗi dự án đầu tư. Khi cơ hội mở ra, doanh nghiệp phải nắm bắt và tận dụng tối đa cơ hội đó. Để vượt qua khủng hoảng, doanh nghiệp cần có tầm nhìn chiến lược và có kế hoạch dài hơi cho việc phát triển.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đang lâm vào tình trạng khủng hoảng thiếu lao động, do chịu sức ép cạnh tranh từ các địa phương. Vấn đề này đã được Kinh Đô nhìn nhận từ những năm trước. Công ty đã đầu tư dây chuyền tự động hóa để tăng năng suất lao động và trả lương cao hơn cho công nhân. “Với sự chuẩn bị này, công ty không bị ảnh hưởng khi nguồn cung lao động khó khăn mà còn nâng được thu nhập cho công nhân trong thời buổi giá cả leo thang như hiện nay”, ông Thành nói.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng đã chỉ ra những “thói quen” mà doanh nghiệp thường mắc phải khi xảy ra khủng hoảng. Đôi khi vì trạng thái “ỳ tầm lý” này, nhiều doanh nghiệp đã bỏ qua cơ hội. Đơn cử, doanh nghiệp thường cố gắng cắt giảm chi phí. Thực tế, việc cắt giảm những chi phí đang mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp lại là sai lầm. Vì vậy, tối đa hóa hiệu quả sử dụng chi phí thay vì cắt giảm hàng loạt là giải pháp khả dĩ trong khó khăn. “Phần cắt giảm chi phí của doanh nghiệp thường tập trung vào các khoản chi đổi mới và sáng tạo. Thực tế, nếu đầu tư đúng mức cho nghiên cứu, phát triển, doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh hơn sau khủng hoảng”, ông Huy chia sẻ.
Vị Tổng giám đốc của Vĩnh Tường cũng cho rằng, khi nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp đưa ra một chiến lược tốt, nhưng không thuyết phục được cổ đông và hội đồng quản trị, kế hoạch đó sẽ thất bại. Vì vậy trong khủng hoảng, doanh nghiệp phải có những chiến lược truyền thông rõ ràng. Một chiến lược truyền thông trong nội bộ của công ty, truyền thông bên ngoài tốt sẽ tạo nhiều hiệu ứng tích cực cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Khi khủng hoảng xảy ra, Vĩnh Tường đã ngồi lại với các nhà phân phối, lắng nghe và chia sẻ với họ. Sau cuộc gặp, Vĩnh Tường xúc tiến thành lập câu lạc bộ các nhà phân phối, nhằm chăm sóc tốt 20% nhà phân phối lớn. Nhờ đó công ty vẫn duy trì được thị phần và đạt mức tăng trưởng cao.
Trong thời khủng hoảng, một số doanh nghiệp thường bi quan và thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngược lại, một số doanh nghiệp khác lại khá tự tin. Sự tự tin của họ hoàn toàn có cơ sở dựa trên những chuẩn bị chi tiết các khả năng xảy ra. Doanh nghiệp ở nhóm này thường có chiến lược dài hạn, chủ động được sự lưu chuyển của dòng tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ coi khủng hoảng kinh tế là chuyện bình thường trong hoạt động kinh doanh, có tính chu kỳ, buộc phải đối mặt.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com