Từ "đế chế" Ambani của Ấn Độ đến "triều đại" Lý ở Hồng Công, các công ty gia đình là một trụ cột của nhiều nền kinh tế châu Á. Nhưng quá trình toàn cầu hóa gia tăng và sự chuyển giao thế hệ đang đẩy những công ty gia đình này ra trước những thách thức mới.
Mukesh Ambani - đã từng bị vướng vào cuộc tranh chấp tài sản với người em Anil |
Các nhà phân tích cho rằng phá vỡ truyền thống "cha truyền con nối" lâu nay để tuyển dụng những người không có quan hệ họ hàng vào những vị trí quản lý chủ chốt để tăng khả năng cạnh tranh của công ty trong một thị trường toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng là một trong những thách thức như vậy. Bên cạnh đó, sự cần thiết về tính minh bạch và sự tin cậy, đặc biệt là đối với các công ty gia đình chưa niêm yết, cũng là một thách thức lớn. Bởi vậy, nếu lên kế hoạch kỹ lưỡng và tìm được người đứng ra "chèo lái" công ty gia đình thì có thể giúp ngăn chặn được những cuộc "nội chiến" có nguy cơ khiến các công ty kiểu này phá sản.
Joseph Fan thuộc trường Đại học Trung Quốc của Hồng Công coi sự kế vị trong công ty gia đình là "vấn đề cực kỳ thách thức" cần được giải quyết khi nhiều công ty châu Á thực hiện chuyển giao từ những người sáng lập đã cao tuổi cho thế hệ con cháu họ. Trên trang web của International Finance Corp, tổ chức tài chính quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), ông này viết: "Nếu những tranh chấp trong gia đình dẫn đến những quyết định có thể phá hủy các công việc kinh doanh thì có thể gây ra những hậu quả lớn đối với các nền kinh tế khu vực".
Các chuyên gia nói rằng hơn 70% số công ty châu Á là công ty gia đình, được Credit Suisse định nghĩa là những công ty do một gia đình hoặc một cá nhân trong dòng họ kiểm soát ít nhất 20% quyền liên quan đến dòng vốn.
Nghiên cứu của Credit Suisse hồi năm ngoái cho thấy các công ty gia đình chiếm một nửa số công ty niêm yết và 32% tổng vốn hóa thị trường ở 10 nền kinh tế châu Á được khảo sát. Họ cũng là những doanh nghiệp lớn, có số nhân viên chiếm 57% và 32% tổng số nhân viên tại các công ty niêm yết lần lượt ở Nam Á và Bắc Á. Điều này khiến cho sự tồn tại của họ mang tính sống còn đối với các nền kinh tế đang nổi của khu vực.
Trong khi đó, đối với các công ty gia đình, những mâu thuẫn nội bộ do tranh giành quyền lực và tiền bạc có thể đẩy công ty đến chỗ phá sản lại khó tránh được.
Người đàn ông giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani đã từng bị vướng vào cuộc tranh chấp tài sản với người em Anil khi cha họ là Dhirubhai Ambani qua đời năm 2002 mà không để lại di chúc. Mâu thuẫn gay gắt kéo dài 5 năm về tài sản đã khiến người mẹ phải can thiệp và chia đôi "đế chế" này, mặc dù gần đây đã có những lời đồn đoán về việc nối lại hoạt động kinh doanh cũng như tình cảm cá nhân giữa hai anh em này.
Năm ngoái, gia đình trùm sòng bạc ở Ma Cao Stanley Ho cũng bị rơi vào vụ kiện tụng "li kỳ" khi ông này đã kiện lên Tòa Dân sự tối cao Hồng Công nhằm đòi lại phần cổ phiếu trị giá 1,45 tỷ USD trong "đế chế" casino Ma Cao của ông mà theo Stanley Ho, đã bị các thành viên gia đình chiếm bất hợp pháp. Stanley Ho có một đại gia đình với 4 người vợ và 17 người con. Chính vì thế, màn giành giật quyền lực này là điều mà dư luận đã đồn đoán từ lâu. Câu chuyện bắt đầu khi các luật sư và Stanley Ho ngỡ ngàng phát hiện thấy đang từ vị thế nắm 100% cổ phần Lanceford (công ty giữ số lượng cổ phiếu kiểm soát tập đoàn điều hành casino Ma Cao Sociedade de Jogos de Macau - SJM, có niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Công, trị giá ít nhất là 3,1 tỷ USD), Stanley Ho chỉ còn 0,02% sau khi Lanceford phát hành thêm một lượng lớn cổ phiếu. Số cổ phần mới này thuộc về hai công ty mà đằng sau chính là sự kiểm soát của Inan Chan (người vợ thứ ba) và 5 người con của Stanley với người vợ thứ hai.
Mới đây nhất, “đế chế” dường như bất khả xâm phạm tại Samsung Group, tập đoàn đa ngành số một Hàn Quốc, lại bị “tấn công” và xuất phát điểm cũng lại đến từ phía họ hàng của người đàn ông giàu nhất Hàn Quốc Lee Kun-hee, được chờ đợi vẫn là người sở hữu Samsung Group, với vị trí chính thức là Chủ tịch Samsung. Trung tuần tháng Hai vừa qua, anh trai cả của Chủ tịch Lee, kiêm Chủ tịch hãng Cheil Fertilizer là Lee Maeng-hee, đã đệ trình một bản thừa kế theo pháp luật lên Tòa án Quận Trung tâm Xơun kiện em trai của ông độc chiếm số cổ phần của Samsung Life Insurance và Samsung Electronics thừa kế từ người cha cũng là người sáng lập Samsung Group Lee Byung-chull, đã mất năm 1987. Ông Lee Maeng-hee nói rằng em trai mình “phải trả lại số cổ phiếu theo quy định của luật thừa kế". Số tài sản này ước tính lên tới 8,24 triệu cổ phiếu và có giá 700 tỷ won (623 triệu USD). Đầu tháng 3, tới lượt người chị gái Lee Sook-hee đâm đơn kiện Chủ tịch Lee, đòi số cổ phiếu trị giá khoảng 196 tỷ won. Bà Lee Sook-hee cho rằng Chủ tịch Lee đã chiếm đoạt cổ phiếu nằm trong khối tài sản của cha, bằng cách giấu chúng dưới tên của người khác và không nói cho các thành viên khác trong gia đình biết.
Sajen Aswani, một thành viên thế hệ thứ ba của Tolaram Group ở Singapo - thuộc thành viên Mạng lưới Doanh nghiệp gia đình - một tổ chức doanh nghiệp gia đình toàn cầu, nói rằng "nhu cầu và tham vọng của các thành viên trong gia đình và mong muốn của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng song hành". Vì vậy, theo Aswani, "thách thức đối với việc lãnh đạo doanh nghiệp gia đình là đảm bảo rằng có sự hòa hợp giữa hai điều này".
Deb Loveridge, Giám đốc điều hành châu Á - Thái Bình Dương thuộc công ty dịch vụ nguồn nhân lực Randstad, nói rằng do các doanh nghiệp gia đình ngày càng phức tạp hơn nên việc tuyển dụng những người có năng lực không phải họ hàng vào những vị trí chủ chốt có ý nghĩa rất quan trọng. Vị giám đốc này cho biết nghiên cứu cho thấy thách thức chủ yếu đối với các công ty châu Á - dù do gia đình sở hữu hay không - là tìm ra những người lãnh đạo tài năng để có thể đưa doanh nghiệp đến giai đoạn tăng trưởng mới. Một số công ty gia đình châu Á đã mạnh dạn phá vỡ truyền thống "cha truyền con nối" này để tìm ra người duy trì và phát triển doanh nghiệp của gia đình. Tata Group của Ấn Độ năm ngoái đã bổ nhiệm người kế vị chức chủ tịch và thần tượng kinh doanh Ratan Tata bằng việc bổ nhiệm một thành viên không phải gia đình lần đầu tiên trong lịch sử 143 năm của tập đoàn này. Tuy nhiên, cũng có những người không phải quá giỏi giang và chỉ có một chút kỹ năng quản lý nhưng lại được chọn nhờ trung thành với các thành viên gia đình. Ông Fan nói rằng nghiên cứu của ông cho thấy 5 năm sau khi một người sáng lập công ty trao quyền lãnh đạo cho thế hệ sau, doanh nghiệp này "đã sụt giảm về giá trị trung bình 60%".
Hải Yến (Tổng hợp)// Tầm Nhìn
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com