Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Á hấp dẫn các MBA

Trung Quốc là nơi có nhiều chương trình đào tạo MBA và có sức thu hút các MBA từ khắp nơi trên thế giới

Kinh tế tăng trưởng nhanh chưa từng thấy, lương cao và khả năng tạo ảnh hưởng nhanh đã khiến châu Á trở thành miền đất hứa cho những người tốt nghiệp trường kinh doanh.

Với tấm bằng danh tiếng của Đại học Middlebury và là phó giám đốc nhóm quản lý tài sản quốc tế của ngân hàng Bank of America khi mới 26 tuổi, James Tsai là mẫu người mà các công ty tuyển dụng săn lùng. Anh lại sắp tốt nghiệp MBA, gần như đã cầm chắc trong tay tấm bằng loại ưu của trường kinh doanh hàng đầu của Mỹ - Kellogg School of Management thuộc Đại học Northwestern. Và anh quyết định công việc đầu tiên sau khi lấy bằng MBA sẽ là ở… Trung Quốc.

“Tiến về Đông hỡi các chàng trai”!

Một vài năm trước, lựa chọn số 1 của những nhà quản lý trẻ như Tsai thường chỉ là Mỹ. Nhưng thời thế đã thay đổi. Tại các học viện kinh doanh hàng đầu như trường kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, trường Kellogg thuộc Đại học Northwestern, tỷ lệ người tốt nghiệp MBA kiếm việc làm ở châu Á – tính cả sinh viên Mỹ như Tsai cũng như những sinh viên quốc tế khác - đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, từ chưa tới 5% số sinh viên tốt nghiệp lên hơn 10% hiện nay.

Triển vọng nhanh chóng gây được ảnh hưởng là điều hấp dẫn không thể bỏ qua. Thêm nữa, mức lương tại các công ty đa quốc gia, các công ty nội địa châu Á cũng ngang ngửa với các công ty Mỹ.

Theo bà Roxanne Hori, Phó hiệu trưởng trường Kellogg, số sinh viên tìm các công việc ngoài nước Mỹ thường tăng lên trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, bà tin rằng xu thế “Tiến về phương Đông hỡi các chàng trai” ("Go East, Young Man") hiện nay không phải là phản ứng nhất thời trước tình hình suy thoái kinh tế của Mỹ, mà là sự thay đổi có tính cơ cấu của thị trường lao động bậc cao ngày càng năng động và quốc tế hóa.

Còn ông Jeff Joerres, Giám đốc điều hành công ty nhân sự toàn cầu Manpower thì bộc bạch: “Trước đây chưa bao giờ có hiện tượng nhiều sinh viên tài năng, vừa tốt nghiệp MBA đã đi xin việc ở Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ”. Còn giáo sư Richard Florida thuộc trường quản lý Rotman của Đại học Toronto (Canada) nói: “Trước đây tôi không nghĩ rằng châu Á sẽ trở thành điểm đến của lao động cấp cao từ phương Tây, nhưng điều này đang diễn ra”.

Đối với nhiều người có bằng MBA, triển vọng gây được ảnh hưởng lớn một cách nhanh chóng là điều hấp dẫn không thể bỏ qua, thêm vào đó, mức lương tại các công ty đa quốc gia và các công ty nội địa châu Á cũng ngang ngửa với các công ty Mỹ. Nhiều người Trung Quốc theo cha mẹ di cư sang Mỹ từ khi còn nhỏ. Giờ đây họ theo đuổi cùng một giấc mơ đã từng cuốn hút cha mẹ họ đến Mỹ, chỉ có điều là… theo hướng ngược lại. Người Trung Quốc gọi những Hoa kiều hồi hương này là “hải quy” nghĩa là “rùa biển”. “Hải quy” có thể là cách nói tắt của cụm từ “hải ngoại quy lai” (người ở nước ngoài trở về), cũng có thể vì loài rùa luôn luôn trở lại nơi sinh trưởng để đẻ trứng. Sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh Fuqua thuộc Đại học Duke, Quan Trinh, 27 tuổi, lớn lên ở bang Virginia, Mỹ, đã về làm việc cho tập đoàn Johnson & Johnson (J&J) ở Thượng Hải. Ở đó, cô tận hưởng lối sống của giới thượng lưu: đồ ăn thức uống được giao tận cửa mỗi tối, có người giúp việc dọn dẹp nhà cửa, sống trong một căn hộ rộng có ban công trong khu chung cư có hồ bơi và còn có thể đi khắp châu Á với các nhà lãnh đạo cấp cao của J&J.

Săn nhân tài từ gốc

Trước đây, các công ty châu Á hiếm khi xuất hiện tại các hội chợ việc làm ở các trường kinh doanh của Mỹ. Nhưng giờ đây, ông Sam Jones, Giám đốc trung tâm việc làm quốc tế của trường Wharton cho biết, các tập đoàn Trung Quốc như tập đoàn đầu tư China Investment Corp (CICC) và công ty công nghệ thông tin Tencent đều đến đây tìm người. Năm nay, người dự tuyển vào ngân hàng CICC phải đứng vì… không đủ ghế ngồi. Ở trường Kellogg, tập đoàn  Infosys và Tata của Ấn Độ cũng ra sức tìm kiếm tài năng. Nhận thấy sự quan tâm từ các công ty Trung Quốc ngày càng tăng, trường Booth của Đại học Chicago đã mở hẳn một văn phòng dịch vụ việc làm tại Hồng Kông.

Tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc từ lâu cũng đã nhắm đến nguồn nhân lực cao cấp này. Phó chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Kim Keun Bae, cho biết, năm 2009, Samsung đã tuyển 50 nhân viên có bằng MBA không phải là người Hàn Quốc tốt nghiệp từ 10 trường kinh doanh hàng đầu của Mỹ, tăng gấp đôi so với năm 2008. Chỉ riêng ở trường Kellogg, Samsung đã đón về tới 16 sinh viên tốt nghiệp, nhiều hơn số MBA mà hai tập đoàn Mỹ General Mills và Procter & Gamble đã tuyển cộng lại. Những người vừa được tuyển này sẽ làm việc ở bộ phận chiến lược toàn cầu của tập đoàn Samsung, nơi công việc được thực hiện bằng tiếng Anh, cố vấn cho các nhà điều hành cấp cao về các dự án tư vấn nội bộ. Năm 2010, Samsung sẽ còn tăng gấp đôi số nhân viên tốt nghiệp MBA từ Mỹ được tuyển dụng. “Những người trẻ tuổi, thông minh, tốt nghiệp từ các trường kinh doanh hàng đầu của Mỹ sẽ giúp mang lại cho công ty những cách nhìn mới và góp phần quốc tế hóa công ty” - ông Kim nói.

Trong nhiều trường hợp, các công ty châu Á như Samsung đang lấn lướt các đối thủ Mỹ trong việc tuyển dụng những người ưu tú nhất. Hồi năm ngoái, Jonathan Scearcy, 28 tuổi, tốt nghiệp trường Kellogg đã nhận đến 30 lời mời làm việc, phần lớn từ các công ty hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, Jonathan đã bỏ qua tất cả các đề nghị đó và nhận việc ở Samsung. “Nếu bạn muốn ở vị trí điều hành cấp cao, bạn phải có kỹ năng toàn cầu và phải có sự trải nghiệm quốc tế đáng kể. Samsung cho tôi cơ hội đó”- Jonathan nói. Không nghi ngờ gì nữa, làn sóng “di cư sang phương Đông” đang được coi là một thách thức lớn đối với tính cạnh tranh của Mỹ. Joerres của công ty Manpower tâm sự: “Nếu sau khi tốt nghiệp trường Stanford, người sáng lập tập đoàn Google - Sergey Brin - trở về quê nhà ở Nga thì điều gì sẽ xảy ra? Những người xuất sắc nhất, sáng chói nhất đang rời đi. Với tư cách một quốc gia, trước đây nước Mỹ chưa bao giờ chạm trán với xu hướng đó” - ông Richard Florida của trường Rotman than thở.

Tuy nhiên, cũng có người đặt câu hỏi: sức hấp dẫn của châu Á có thể kéo dài bao lâu? Khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực “làm chậm” nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh, rất có thể, lực hút ấy sẽ giảm.

(Theo Mỹ Hạnh // Báo Doanh nhân // Business Week)

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • Bí kíp quản lý nhóm làm việc hiệu quả cao
  • Tuyển nhân sự cao cấp: Làm sao tránh “vỡ mộng”?
  • Đưa lương 'khủng' chiêu dụ lao động
  • Lời giải cho bài toán "đói" nhân sự chuyên nghiệp
  • Không dễ trở thành nhà quản lý tài ba
  • Bạn có đang tự quản lý vi mô?
  • Tuyển dụng người luôn phản biện
  • Để là người hoạt động tích cực trong công ty
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com