Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giám sát nhân viên thời di động

Một loại điện thoại di động mới được giới thiệu ở Nhật Bản có thể trở thành công cụ hữu ích cho sếp nào muốn giám sát nhân viên mình từ xa

Tập đoàn điện thoại KDDI ở Nhật Bản vừa phát triển một mẫu điện thoại di động (ĐTDĐ) có khả năng nhận biết những chuyển động nhỏ nhất của người sử dụng và truyền thông tin trở về nơi giám sát họ.

Nhân viên bán hàng thường xuyên bị giới chủ giám sát kể từ khi tính năng định vị toàn cầu được tích hợp vào điện thoại di động ở Nhật Bản năm 2002. Ảnh: AP

Bước tiến về công nghệ

Công nghệ di động nói trên hoạt động bằng cách phân tích sự chuyển động của gia tốc kế vốn được tích hợp trong nhiều mẫu ĐTDĐ hiện nay. Nhờ vậy, những hoạt động như đi bộ, leo cầu thang hay thậm chí là lau chùi đều có thể được nhận biết bởi công nghệ này.KDDI có kế hoạch bán dịch vụ này cho các khách hàng là nhà quản lý, quản đốc và công ty tuyển dụng.

Cho đến nay, các bộ cảm biến chuyển động của ĐTDĐ chỉ mới có khả năng phát hiện những chuyển động lặp đi lặp lại, như đi bộ hoặc chạy. Riêng hệ thống mới của KDDI có khả năng nhận biết những hành vi phức tạp hơn thông qua phần mềm phân tích. Chẳng hạn như chiếc ĐTDĐ của KDDI khi được đeo trên lưng của một nhân viên vệ sinh có thể phân biệt những hành động như lau chùi, quét, đi bộ hoặc thậm chí là đổ rác.

Theo KDDI, mục đích của hệ thống mới là cho phép nhân viên có thể làm việc hiệu quả hơn, đồng thời giúp nhà quản lý dễ dàng đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên ngay cả khi họ không ở trong văn phòng.Ông Hiroyuki Yokoyama, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dữ liệu web tại phòng thí nghiệm của KDDI ở Tokyo, cho đài BBC (Anh) biết: “Đây là một phần của cuộc nghiên cứu về một xã hội mà công nghệ hiện diện ở khắp nơi. Công nghệ nhận biết hoạt động là một phần quan trọng của công việc này”.

Tác động tiêu cực

Ông Philip Sugai, Giám đốc phòng thí nghiệm tiêu dùng di động tại Đại học Quốc tế Nhật Bản, nhận định: “Về mặt công nghệ, đây là một phát minh thật sự quan trọng. Chẳng hạn nó có thể ứng dụng vào lĩnh vực y học từ xa hoặc những tình huống mà trong đó việc giám sát từ xa chuyển động của một cá nhân đóng vai trò sống còn đối với dịch vụ”. Dù vậy, ông dự báo rằng sẽ có những tác động tiêu cực khi công nghệ được dùng vào việc giám sát nhân viên. Ngay cả ông Yokoyama cũng thừa nhận: “Dĩ nhiên là sẽ có những vấn đề về sự riêng tư và bất kỳ giới chủ nào cũng phải đạt được thỏa thuận với nhân viên trước khi sử dụng một hệ thống như thế”.

Đây không phải là lần đầu tiên công nghệ được giới chủ nhắm đến để giám sát nhân viên từ xa ở Nhật Bản và một số nước khác. Tại Nhật Bản, nhân viên bán hàng thường xuyên bị giới chủ giám sát kể từ khi tính năng định vị toàn cầu được tích hợp vào ĐTDĐ năm 2002. Tương tự, nhiều tài xế xe tải cũng bị giám sát thông qua ĐTDĐ.

Không ít người cáo buộc những hệ thống như thế đã vi phạm sự riêng tư và tăng nguy cơ lạm dụng đối với người bị giám sát. Ông Kazuo Hizumi, một luật sư nhân quyền hàng đầu Nhật Bản, chỉ trích: “Loại công nghệ này đang đối xử con người như cái máy. Công nghệ mới nên được sử dụng để cải thiện cuộc sống, chứ không phải để theo dõi chúng ta. Thật vô trách nhiệm khi một công ty lớn như KDDI lại phát minh một hệ thống giám sát như thế”.

(Theo Phương Võ // Nguoilaodong Online)

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • Kiên trì tìm kiếm công việc lý tưởng
  • Susan Boyle: Một bài học về quản lý tài năng
  • Chuyên gia và trí tuệ của đám đông
  • Nhận diện 5 thách thức trong năm 2010 của lĩnh vực nhân sự
  • Tạo mạng lưới hoạt động để phát triển nhân tài
  • Truyền cảm hứng cho cấp dưới
  • Tìm nhân tài ở nơi phi truyền thống
  • Quản trị nhân sự và những kỹ năng còn thiếu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com