Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp không nên “cảm tính” trong đầu tư

Theo nhận định của các chuyên gia, hiệu suất đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam khá yếu kém là do họ rất “cảm tính” trong quyết định đầu tư.
 

 

Theo TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán – Tài chính ngân hàng, Trường đại học Mở TP.HCM, một doanh nghiệp nước ngoài khi thâm nhập thị trường Việt Nam thường tổ chức phân phối hàng hóa đến Việt Nam nhằm chiếm lĩnh thị trường với một thị phần nhất định, rồi mới tổ chức sản xuất. Họ hiểu rằng, điều quan trọng nhất để một sản phẩm tồn tại là thương hiệu và mạng lưới phân phối trên thị trường.

Cụ thể, quy trình phát triển sản phẩm mới của một công ty nước ngoài thường là sản xuất thử một số lượng nhỏ sản phẩm, gửi tới các siêu thị hoặc tặng cho người tiêu dùng để họ sử dụng thử trong khoảng thời gian nhất định. Quá trình thử nghiệm này giúp doanh nghiệp tìm hiểu được thị hiếu của khách hàng, có thể điều chỉnh và thiết kế sản phẩm cho phù hợp hơn, đồng thời tạo điều kiện để người tiêu dùng biết về sản phẩm mới.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu đầu tư nghiên cứu thị trường trước khi thực hiện đầu tư. Họ hầu như không có bộ phận nghiên cứu phát triển, nếu có thì công việc chỉ là tìm hiểu để nhập khẩu công nghệ sản xuất. Việc nhập công nghệ với chi phí cao cùng với việc không tiêu thụ được sản phẩm đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, dẫn đến phá sản.

Không ít công ty Việt Nam kinh doanh và hoạt động rất tốt, nhưng lại tổ chức đầu tư công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm khác với những sản phẩm truyền thống của mình, khiến hàng hóa sản xuất ra bán được rất ít vì người tiêu dùng chưa biết nhiều đến sản phẩm. TS. Nguyễn Văn Thuận cho biết, nhiều doanh nghiệp sau thi đầu tư công nghệ mới thì mới bắt đầu nghiên cứu tiếp thị sản phẩm đến người tiêu dùng. Kết quả là, doanh nghiệp rất khó cạnh tranh trên thị trường. Khi làm ăn thua lỗ, nhiều doanh nghiệp vẫn không chịu làm thủ tục phá sản, mà lại cố gắng tăng cường quảng cáo sản phẩm và càng thua lỗ trầm trọng hơn.

“Không cần làm nhiều, chỉ cần làm tốt công việc của mình. Hiệu quả công việc càng tăng theo mức độ thỏa mãn của người khác về kết quả của công việc đó”. Đây là quan điểm kinh doanh của ông Kim Joon Il, Chủ tịch Tập đoàn Lock & Lock (Hàn Quốc).

Ông Kim Joon Il cho biết, từ khi thành lập năm 1985 đến nay, công ty của ông chỉ sản xuất một chủng loại sản phẩm duy nhất là các hộp nhựa đựng thức ăn giữ kín không khí. Đặc điểm của các hộp nhựa này là nước không thể thấm vào và không thể bị vỡ khi rơi xuống đất. Ban đầu, sản phẩm chỉ phục vụ các tổ chức cung cấp thức ăn nhanh, các hãng hàng không, các hàng tàu vận chuyển hành khách, nhưng hiện nay đã được nhiều tầng lớp dân cư sử dụng.

Chỉ với một chủng loại mặt hàng, Lock & Lock đã xuất khẩu đến 134 nước trên thế giới (chiếm thị phần đáng kể tại Mỹ, EU và Nga) và hiện có 2 nhà máy ở Hàn Quốc, 3 nhà máy ở Trung Quốc và một nhà máy ở Việt Nam sẽ đi vào hoạt động vào tháng 4/2009.

Ông Kim Joon Il cho biết, kế hoạch kinh doanh ở Việt Nam là nhập sản phẩm từ nhà máy ở Hàn Quốc bán tại thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm. Với dòng chữ “made in Korea”, mục đích chính của sản phẩm là duy trì ấn tượng của khách hàng Việt Nam về chất lượng sản phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc. Còn sản phẩm của nhà máy tại Việt Nam thì được xuất khẩu với dòng chữ “made in Vietnam” đến thị trường Đông Nam Á và Mỹ, nơi Tập đoàn có thị phần ổn định.

Kinh nghiệm của Tập đoàn Lock & Lock rất đáng để các doanh nghiệp Việt Nam suy nghĩ, vì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào ngành nghề mà họ nhìn nhận một cách “cảm tính” là sẽ tạo ra được lợi nhuận cao.

 

 

( Theo báo Đầu tư )

  • Bí quyết xây dựng chiến lược tài chính cho DN trong suy thoái kinh tế
  • Báo cáo kiểm toán: Đọc thế nào cho đúng
  • Hạn chế ngân sách mềm, đói đầu tư và trò chơi Ponzi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com