Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sự sụt giảm hàng tồn kho và những hệ lụy

Mặc dù hàng tồn kho (hay ở Việt Nam vẫn gọi là tích lũy tài sản lưu động) chỉ là một nhân tố nhỏ cấu thành nên GDP, nhưng diễn biến hàng tồn kho bất thường vẫn có thể dẫn tới những hệ lụy kinh tế không thể coi nhẹ. Nhu cầu tiêu dùng trong nước được đáp ứng bởi nguồn cung nội địa là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững.

Năm 2009, theo tổng cục Thống kê, GDP tăng trưởng 5,32% trong đó tổng tích luỹ tăng 4,31% và tăng trưởng về tích luỹ thấp hơn tăng trưởng về GDP là do tăng trưởng về tồn kho giảm -26,18%, trong khi tăng trưởng về tích luỹ tài sản cố định vẫn tăng đến 8,73%. Tuy nhiên, tới hết 10 tháng đầu 2009, hàng tồn kho vẫn tăng khoảng 6,23% so với cuối 2008. Vậy thì chỉ trong vòng 2 tháng, nguyên nhân nào dẫn tới việc hàng hóa giảm mạnh và tác động của việc này với thực trạng kinh tế tại Việt Nam hiện nay như thế nào? Ngoài ra, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố tỷ lệ tăng về tồn kho năm 2000  là 9%, từ năm 2005 đến 2008 đều  rất  cao (33,5%; 37,2%; 36,6% và 33,2%), thì mức sụt giảm hơn 26% này là rất mạnh. Nền kinh tế chuyển từ thiếu cầu (hoặc thừa cung) sang thiếu cung. 

Tỷ trọng tồn kho chiếm trong GDP theo cả hai loại giá cũng tăng dần, theo giá thực tế tỷ lệ này của năm 1999 là 1,93% đến năm 2008 là 5,13%; theo giá so sánh tỷ lệ tồn kho chiếm trong GDP cao hơn ở những năm gần đây, năm 1999 là 1,77% đến năm 2008 là 5,85%. Tuy nhiên ước tính, hàng tồn kho chỉ chiếm khoảng 3% GDP của năm 2009. 

Tổng giá  trị hàng  tồn kho của các doanh nghiệp niêm yết vẫn giữ được mức tăng  trưởng khá cao trong 3 quý đầu năm 2009, trong đó giá  trị hàng tồn kho – nguyên vật liệu tăng dần qua các quý và hàng tồn kho –  thành phẩm giảm dần qua các quý thể hiện sự tiêu thụ hàng hóa khi cầu tăng và kinh tế bắt đầu tạm ngừng suy giảm.

Ở Việt Nam, năm 2009, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình tăng trưởng 3,85%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 18,6%, loại trừ yếu tố giá thì tăng 11% so với 2008. Cần lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình đã giảm 9,3% trong quý 1/2009, giảm 2,05% trong 6 tháng đầu năm và quay đầu tăng mạnh 8,35% và 9,28% trong quý 3 và 4/2009.

Về mặt cung, sản xuất công nghiệp tăng 7,6% so với năm 2008  trong khi sản xuất nông  lâm nghiệp  tăng 3%. Xuất  khẩu năm 2009 mặc dù giảm về giá  trị  (9,7%) nhưng  tăng về  lượng  (11,08%) và đặc biệt  tăng  trong 3 tháng cuối năm. Như vậy, hoàn toàn có thể cho rằng hàng tồn kho giảm mạnh 2 tháng cuối năm là do phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng hộ gia đình tăng cao trong quý 4/2009. 

Trên lý thuyết, tồn kho cũng là một nhân tố của cầu (GDP = tiêu dùng cuối cùng) và một điều dễ nhận thấy khi kinh tế không tăng trưởng hoặc suy giảm, doanh nghiệp không bán được hàng, tiêu dùng của dân cư hoặc xuất khẩu cũng giảm xuống, lượng tồn kho tăng lên và doanh nghiệp phản ứng bằng cách cắt giảm sản xuất, sa thải lao động để tiết kiệm chi phí và nền kinh tế tiếp tục đi xuống. Đến khi hàng tồn kho giảm xuống đến mức được coi là cực tiểu cũng như giá cả hạ  thấp thì sẽ xảy ra hiện tượng tích trữ, đồng thời với cầu tiêu dùng bắt đầu tăng, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất trở lại. Giai đoạn này thường trùng với sự kết thúc của chu kỳ suy thoái kinh tế. 

Diễn biễn tích lũy hàng tồn kho của Việt Nam hoàn toàn ngược lại với diễn biến kinh  tế bình thường, lý do là chính sách kích cầu mà tác dụng trước tiên lại là kích cung. Trong nửa đầu 2009  khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ lãi suất, giúp các doanh nghiệp giữ được tốc độ sản xuất, hàng tồn kho do đó tăng là tất yếu vì doanh nghiệp không bán được hàng  (kể cả có không tăng sản lượng sản xuất). Khi kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi các doanh nghiệp lấy hàng trong kho ra bán mà không vội tăng sản xuất, do vậy hàng tồn kho bắt đầu giảm mạnh trong giai đoạn sau của 2009. 

Hàng hóa giảm, trong bối cảnh cung tiền tăng, và kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng sẽ dẫn tới nhu cầu của doanh nghiệp thu mua nguyên vật liệu, máy móc để tăng lượng sản xuất. Các doanh nghiệp sẽ tăng tích lũy hàng tồn kho trong vài tháng tới, cộng với sự phục hồi cầu tiêu dùng dẫn tới tăng trưởng mạnh và sức ép lên lạm phát tiếp tục là khá cao.

Việc hỗ trợ lãi suất đã và vẫn đang đưa ra nhiều thắc mắc về hiệu quả sử dụng vốn thì thời điểm hiện nay khi vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng và tín dụng nhỏ giọt xảy ra, tình trạng thiếu vốn để doanh nghiệp sản xuất là dễ hiểu và như vậy khoảng cách giữa nguồn cung nội địa và nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để thu hẹp. 

Vì hai lý do trên, dĩ nhiên nhập khẩu sẽ tăng, trong khi tỷ giá cũng ở mức cao một phần do giá trị của đồng Việt Nam giảm, một phần do chính sách kích thích xuất  khẩu thì khối lượng cũng như giá trị nhập khẩu sẽ càng tăng, và một cái vòng luẩn quẩn nữa lại được hình thành.

Như vậy, khi hàng tồn kho sụt giảm mạnh một cách không bình thường thì nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại từ giữa năm 2010 là rất có cơ sở và trong bối cảnh vẫn duy trì lãi suất cơ bản thì việc tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cũng cần được tính tới.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp // Báo cáo CTCK Artex)

  • Chiến lược chi tiêu phá cách trong bối cảnh suy thoái
  • 10 thương vụ M&A tiêu biểu tại Việt Nam
  • Thoái vốn để huy động thêm vốn
  • Thay đổi cách nghĩ về thị trường tài chính
  • Chuyện lương, thưởng của giới tài chính
  • Xu hướng mua bán sáp nhập sẽ tập trung vào ngành nào?
  • Doanh nghiệp đối mặt 6 yếu tố làm tăng chi phí
  • Thương hiệu ngành tài chính: Đã qua thời... mộc mạc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com