Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Một trật tự tài chính thế giới an toàn hơn

Chủ đề của chúng ta hôm nay xoay quanh việc các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính sẽ xoay sở ra sao với các quyết định phân tích phức tạp trong tương lai?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, chủ đề này có ý nghĩa quan trọng với tất cả chúng ta, vậy lý do là gì? Có thể bạn vẫn chưa quên rằng chính những quyết sách do họ đưa ra đã phá hủy gần hết cả hệ thống tài chính và nền kinh tế của chúng ta. Cách các thể chế tài chính đưa ra quyết định về phương thức vận hành và chế độ với khách hàng chính là trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính chúng ta đang phải đối mặt.

Người quản lý của những thể chế này đã hoàn toàn phó thác trách nhiệm ra quyết định của mình cho những mô hình phân tích mà họ còn chẳng hiểu gì. Các nhà điều hành thì cho phép các ngân hàng, các tổ chức xếp hạng, và những công ty tài chính phi ngân hàng sản sinh ra hàng triệu triệu các quyết sách tệ kiểu như vậy. Sự đổi mới tài chính vô tình đã dẫn tới sự vô trách nhiệm trong quá trình ra quyết định.

Cách các thể chế tài chính đưa ra quyết định về phương thức vận hành và chế độ với khách hàng chính là trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính chúng ta đang phải đối mặt. Ảnh: proactiveinvestors.com.au

Trong những tháng tới, thậm chí là một vài năm tới, đội ngũ các nhà điều hành và nhà quản lý phải đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo – toàn bộ hệ thống, quy trình và chính sách – để hạn chế tối đa những quyết định xấu không kiểm soát nổi. Vậy, theo bạn phương thức kiểm soát mới cần phải có những đặc điểm nổi bật nào?  Dưới đây là một vài ý kiến của cá nhân tôi:

Tính minh bạch. Tính minh bạch cao hơn là điều kiện tiên quyết, buộc phải có trong các mô hình tương lai. Nhà điều hành, nhà quản lý, và trong một số trường hợp là các khách hàng cần có những hiểu biết nhiều hơn về các quyết định đầu tư mạo hiểm. Chẳng hạn, nếu chưa rõ ràng về việc một tài sản thế chấp bảo đảm cho công việc vận hành ra sao, thì nhà điều hành không nên chấp thuận nó; và nhà quản lý càng không nên triển khai nó. Tôi cho rằng yếu tố minh bạch cao là chìa khóa then chốt của mô hình điều hành mới khi nó được phát triển.   

Mỗi nhà quản lý là một cây sào. Nhà quản lý phải là người hiểu rõ nhất mô hình tài chính sẽ hoạt động ra sao trước khi chấp thuận nó, họ phải học hỏi về những mô hình định lượng, và cách thức vận hành của những mô hình này ra sao. Robert Shiller, nhà kinh tế học của ĐH Yale, là một trong những người có đóng góp chuyên môn lớn nhất vào việc lý giải khủng hoảng. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tuần báo McKinsey, ông phát biểu về vấn đề này như sau:

“Nếu bạn đang quản lý một doanh nghiệp, bạn phải là một người nhạy cảm với các con số. Những chi tiết định lượng thực sự quan trọng. Và vì thế, bạn phải học cách quan sát trực diện các mô hình. Nhưng theo tôi, một trong những duyên cớ đưa tất cả chúng ta vào tình thế hiện nay có lẽ chính là việc chấp nhận một cách mù quáng uy quyền của người khác – mà nếu xét trong mối quan hệ với các biến số khác của mô hình kinh tế lượng hay trong mối tương quan với các nhân tố khác đang được cân nhắc, thì chúng ta thường gán cho nó một giá trị cao hơn thực tế”.

Hiểu về dòng luân chuyển của mô hình. Rất nhiều các mô hình và quyết sách tài chính được ra lò trong guồng công việc được điện tử hóa. Nếu bạn muốn biết được tầm ảnh hưởng của chúng bên trong tổ chức ra sao, bạn cần phải biết tiến trình công việc sẽ đi đến đâu và điều kiện rẽ nhánh là gì. Chẳng hạn, liệu mô hình tín dụng có phải chỉ được ứng dụng trong những tổ chức cho vay khởi phát không, hay cả những tổ chức tái cho vay cũng sử dụng chúng?

 Dữ liệu phải đầy đủ. Các số liệu bị thiếu sót, về thu nhập của khách hàng là một ví dụ, khởi điểm chỉ là một nhân tố loại trừ, nhưng về sau này chúng lại trở thành một thói quen của rất nhiều tổ chức tín dụng. Chúng ta đều biết hậu quả kéo theo từ thói quen đó là gì. Vì thế, trong tương lai chắc hẳn những nhà băng cận trọng nhất sẽ không để tình trạng thu thập thiếu thông tin như vậy tái diễn nữa.

Cơ hội luôn đi cùng với rủi ro. Một thực tế đã tồn tại từ lâu trong hệ thống tài chính là cơ hội và rủi ro thường được xem xét một cách tách rời. Nhưng bất kì khoản vay hay giao dịch nào cũng đều liên quan tới cả hai yếu tố đó. Thật vô lý khi xét chúng trên những phương diện độc lập mà không quan tâm tới yếu tố còn lại – chẳng hạn như trong mô hình “tổng các giá trị ở mức độ rủi ro”. Các tổ chức tín dụng, xếp hạng và cả những nhà đầu tư đều đã tự lừa mình khi cố chấp cho rằng họ có thể giành giật được lợi nhuận cao mà không gặp phải sự rủi ro lớn nào.  

Các giả định bề mặt. Mỗi mô hình định lượng đều được xây dựng dựa trên các giả định – giả định về bối cảnh áp dụng, về cơ sở dữ liệu, và về hành vi ứng xử dự đoán. Có thể lấy ví dụ về một vài giả định tiêu biểu như: “Mô hình bảo đảm tài sản thế chấp thực sự chỉ phù hợp với những thị trường nơi mà giá nhà ở đang tiếp tục leo thang”, hay “Mô hình định giá thẻ tín dụng giả định chi phí thanh toán tương ứng với khoản ngân hàng bỏ ra vào giai đoạn từ năm 2000 đến 2005”.

Chỉ khi nào hiểu rất rõ những giả định đằng sau một mô hình thì bạn mới biết rằng liệu mình có nên sử dụng nó hay không. Do đó, khi phát triển hay triển khai bất kì mô hình nào, người chịu trách nhiệm cần liệt kê đầy đủ các giả định được sử dụng, và không nên mạo hiểm ứng dụng mô hình đó mà không có các giả định đi kèm. Đương nhiên, kể cả khi nắm rất chắc về các giả định rồi, người ta vẫn có thể đưa ra các quyết định ngớ ngẩn, nhưng xác suất xảy ra là thấp hơn.

Tóm lại, hàm ý chung ẩn bên trong tất cả những đề xuất mà tôi nêu lên là phải làm sao ứng dụng tốt những quy tắc tiếp cận quy trình ra quyết định mang nhiều nét truyền thống này, mà vẫn đảm bảo không bóp nghẹt mầm đổi mới trong sản phẩm và cơ chế vận hành tài chính.

(Theo Tuyết Lan//Tom Davenport//TuanVN)

  • Mạng xã hội Facebook có trị giá lên tới 34 tỷ USD
  • Thắng thế trong khủng hoảng: Sáp nhập và mua lại khôn ngoan
  • Tính sáng tạo của CEO: Nội lực phát triển của DN
  • Fitch ratings hạ mức tính nhiệm: Chưa sâu sát, chưa xác đáng
  • CRA nói, ai nghe?
  • Giám đốc tài chính của Apple "đau đầu" vì nhiều tiền
  • Nhiều tổng công ty gánh nợ khó đòi
  • 6 CEO từ chức vẫn được nhận mức lương "khủng"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com