Đến năm 2008, đã có đủ cơ sở để bình chọn ra 30 thương hiệu được gắn mác THQG với tiêu chuẩn gói gọn trong 10 chữ “Chất lượng – đổi mới, sáng tạo – năng lực lãnh đạo”.
Đã có những số liệu chứng minh hiệu quả ban đầu của chương trình: các doanh nghiệp (DN) tham gia đạt mức tăng trưởng từ 15% trở lên, thậm chí có DN tăng trưởng ngoạn mục 121%. Không dừng ở hiệu quả kinh tế đơn thuần, một số sản phẩm đặc thù của VN như cà phê, khi chinh phục được thị trường quốc tế đã dẫn dắt người tiêu dùng thế giới từ chỗ yêu thích hương vị cà phê VN đến yêu thích thiên nhiên, đất nước, con người VN. Nắm được tâm lý này, Công ty Vinacafé Biên Hòa còn phối hợp tổ chức tour du lịch về với vùng nguyên liệu cà phê lớn nhất của VN để quảng bá cho giá trị cà phê Việt.
Đến đợt bình chọn thứ hai, chỉ có 2.000 trong tổng số 500.000 DN cả nước nộp hồ sơ tham gia. Cuối cùng, tính cả cũ cả mới chỉ có 43 DN đủ điều kiện gắn biểu trưng THQG. Con số khiêm tốn này có thể lý giải vì “quý hồ tinh bất quý hồ đa” nhưng mặt khác cũng cho thấy THQG đang lạc lõng. Ngay cả cơ quan cầm trịch là Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận đang lúng túng trong chiến lược quảng bá THQG ra bên ngoài. Có DN nói rất thật là sau khi được gắn biểu trưng THQG, không biết bước tiếp theo cần làm gì để phát huy giá trị!
Khó khăn về kinh phí đang được nhiều DN cho là nguyên nhân đầu tiên hạn chế khả năng xây dựng, quảng bá thương hiệu. Song đó không phải lý do cơ bản. Cần hơn cả là trí tuệ, là ý tưởng mới để quá trình xây dựng thương hiệu là sự sáng tạo không ngừng. Có như vậy, hàng triệu người lao động VN mới thoát khỏi cảnh gia công lương thấp và hàng made in VN không phải “núp bóng” khác khi ra thị trường thế giới.