Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Cuộc chiến” của những thương hiệu cà phê hòa tan

Khoảng 10 năm trước đây, thị trường cà phê hòa tan mới chỉ có sự độc diễn của Vinacafe cùng một số thương hiệu nước ngoài và hàng nhập khẩu nhưng thời gian gần đây mặt hàng này chính là một thị trường đầy màu mỡ mà nhiều doanh nghiệp trong nước muốn nhảy vào chia "miếng bánh" thị phần.

Là một thức uống tiện dụng, phù hợp với nhiều tầng lớp, lứa tuổi nên cà phê hòa tan đã trở nên thông dụng trong mỗi công sở, gia đình và các buổi tiệc tùng. Nhận thấy tiềm năng này, "miếng bánh" trên thị trường cà phê hòa tan mới đầu chỉ có sự cạnh tranh của Vinacafe, Nestle, rồi tiếp theo đó là Maccoffee, Trung Nguyên (sản phẩm G7), Vinamilk (sản phẩm Moment và Vinamilk Coffee)  cũng vào cuộc đua giành thị phần. Đó là chưa kể đến hàng chục loại cà phê nhập khẩu như cà phê Con Ó của Malaixia và nhiều thương hiệu nhỏ trong nước cũng góp thêm các sản phẩm cà phê hòa tan khác.

Cà phê hòa tan được chế biến theo hai phương pháp: sấy phun và đông lạnh. Các chất tan của hạt cà phê được cô đặc và sản phẩm có dạng các bóng hơi nhỏ li ti hoặc các hạt, mảnh nhỏ. Chất lượng cà phê hòa tan trước hết thể hiện ở tính hòa tan. Nếu cà phê hòa tan bị lắng cặn khi pha là chất lượng kém. Cà phê hòa tan có đặc điểm chung là hơi chua, chính vì thế các doanh nghiệp có thương hiệu lớn tại Việt Nam rất chú ý tới điều này. Hầu hết sản phẩm khi sử dụng cảm quan đều không có vị chua mà thay vào đó là vị đậm đà của cà phê nguyên chất. Có được chất lượng này thì cà phê hòa tan mới có chỗ đứng trên thị trường bởi nhiều người tiêu dùng luôn thích hương vị cà phê đậm chứ không phải “nước đường có vị cà phê” như một số sản phẩm khác.

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường cà phê hòa tan Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm trở lại đây, bình quân 7,9%/năm trong giai đoạn 2003-2008 và được dự báo sẽ tăng trưởng 10,5%/năm trong giai đoạn 2008-2013. Đây chính là sự lý giải nguyên nhân tại sao các doanh nghiệp trong nước lại đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc này trong thị trường sản phẩm cà phê nói chung. Việt Nam là cường quốc cà phê thứ 2 trên thế giới nhưng thực tế chưa có nhiều sản phẩm chế biến từ cà phê được giới thiệu trên thị trường.

Theo Hiệp hội cà phê thế giới, sản lượng tiêu thụ cà phê nội địa của Việt Nam chiếm khoảng 5%, còn rất thấp so với mức tiêu thụ 25,16% của các quốc gia sản xuất cà phê trên thế giới. Chính vì thế, các nhà sản xuất cà phê hòa tan trong nước đã không tiếc kinh phí đầu tư cũng như quảng bá sản phẩm của mình để chiếm lĩnh thị trường. Giới chuyên môn trong lĩnh vực này cho rằng, cục diện cạnh tranh trên thị trường cà phê hòa tan đang có nhiều thay đổi, vị trí độc tôn của Vinacafe đang bị Nestle, Trung Nguyên và Vinamilk “trấn áp”. Với nhà máy sản xuất cà phê hòa tan công suất 3.000 tấn/năm, Vinacafe trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về năng lực và công nghệ sản xuất cà phê hòa tan tại Việt Nam. Nescafe là thương hiệu nổi tiếng của thế giới hiện có một nhà máy sản xuất cà phê hòa tan tại Việt Nam với công suất 1.000 tấn/năm; Trung Nguyên và Vinamilk đã đầu tư hàng chục triệu USD xây dựng nhà máy để sản xuất cà phê hòa tan và đang tiếp tục mở rộng sản xuất trong lĩnh vực này.

Từ loại cà phê 3 trong 1 như ban đầu với thành phần chính là cà phê, đường, bột kem thì đến nay các doanh nghiệp đã đẩy mạnh nghiên cứu thị trường để đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. hơn Đó là loại cà phê nguyên chất 2 trong 1 chỉ gồm đường và cà phê đen chính hiệu; là cà phê 4 trong 1 với thành phần có thêm cả sâm; rồi các loại cà phê sữa, cà phê 3 trong 1… Chưa hết, đầu năm 2010, Trung Nguyên còn nghiên cứu và đưa ra thị trường loại cà phê hòa tan dành riêng cho phái đẹp với tên gọi Passiona. Sản phẩm được  sử dụng đường ăn kiêng và có hàm lượng cafein phù hợp “gu” thưởng thức của phụ nữ cũng như đảm bảo tốt cho sức khỏe. Không những thế, Passiona được bổ sung các dưỡng chất collagen, vitamin PP cùng các loại thảo mộc phương Đông quý hiếm tốt cho sức khỏe và làn da. Giá bán của các sản phẩm cà phê hòa tan dao động từ 26.000 đến 40.000 đồng/hộp tùy loại và số lượng gói nhỏ trong mỗi hộp.

Không dừng lại ở đó, nhiều doanh nghiệp còn “làm mới” cà phê bằng cách đóng lon. Sau sự xuất hiện của một thương hiệu cà phê lon đến từ Nhật Bản, ý tưởng đóng lon cà phê để mang lại sự tiện dụng cho khách hàng đã được nhà sản xuất trong nước triển khai ngay. Vinamilk đã đưa ra thị trường 2 sản phẩm cà phê lon đen nguyên chất và loại có vị sữa với giá bán 7.000 đồng/lon. Nestle cũng đã chính thức bán ra sản phẩm cà phê lon 3 trong 1  vào cuối năm 2009 cũng với giá bán 7.000 đồng/lon.

(Báo Công Thương)

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • Hongkong vẫn duy trì vị thế thiên đường đồ hiệu
  • 43 đơn vị đủ điều kiện thành thương hiệu quốc gia
  • Xây dựng thương hiệu tiêu VN
  • Thương hiệu của sự an toàn
  • Chuyện về một biểu tượng
  • 43 doanh nghiệp được chọn là thương hiệu quốc gia 2010
  • "Thương hiệu nào mạnh nhất?" và phản hồi
  • Phải có đường đi riêng, ấn tượng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com