Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm thương hiệu cho trái cây nội

Dù được đánh giá thơm ngon hơn trái cây nhập khẩu nhưng thiếu chăm chút cho thương hiệu nên trái cây trong nước đang phải vật lộn chống lại sự “tấn công” của trái cây ngoại.

Rõ ràng nhất là việc chuối của Philippines đang làm mưa làm gió tại các siêu thị trong nước bởi vẻ bề ngoài bắt mắt.

Lấn át hình thức

Khảo sát tại chợ đầu mối Tam Bình (TP.HCM) cho thấy phần lớn hình thức bên ngoài và cách thức bảo quản của trái cây nội thua xa trái cây ngoại nhập. Gần như toàn bộ trái cây Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Nhật... về chợ đều được bảo quản kỹ lưỡng, đóng trong các thùng giấy, có lớp giấy chống va đập trong quá trình vận chuyển.

Đa số hàng được bảo quản ở môi trường lạnh giữ độ tươi và đẹp mắt. Trái cây ngoại nhập, đặc biệt là hàng của Mỹ, Úc, còn có thông tin đầy đủ về số lượng trái mỗi thùng, xuất xứ, điều kiện bảo quản thích hợp, ngày đóng gói... Thậm chí trên mỗi trái còn được dán một nhãn riêng, cũng có tên riêng của loại trái cây đó và thông tin về nơi sản xuất.

Đối nghịch với hình ảnh trái cây ngoại nhập được đóng trong các thùng giấy rất đẹp mắt, tạo cảm giác “hàng cao cấp” là trái cây vận chuyển đến từ Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Nai... được nhét đầy ắp trong các sọt tre, phủ lên bề mặt vài lá chuối, giấy báo. Với cách bảo quản này, chủ sạp trái cây Mười Hai (chợ Tam Bình) cho rằng dù chất lượng có vượt trội, tiểu thương mua lẻ và cả người tiêu dùng vẫn có cảm giác đó là hàng bình dân.

Không những thế, do hàng hóa được đóng gói qua loa, khi vận chuyển xảy ra va đập, nhiều mặt hàng ở vựa rất đẹp mắt nhưng về đến chợ lại xuống mã hẳn. Điển hình là đu đủ, chuối, quýt... có tỉ lệ bị thâm vỏ, giập nát khá cao. Các tiểu thương kinh doanh trái cây tại chợ Tam Bình, Bình Điền cho hay gần như chưa bao giờ thấy trái cây nội được đóng trong thùng giấy, thùng xốp có ghi tên tuổi, xuất xứ như hàng ngoại.

“Về mặt hình thức, trái cây ngoại nhập đang lấn át trái cây nội” - bà Nguyễn Thị Thanh Hà, phó giám đốc chợ Tam Bình, nhận xét.

Chị Lê Thị Thu Bích, tiểu thương bán trái cây tại chợ Bến Thành, nhận xét trái cây nước ngoài có vẻ bề ngoài hơn đứt hàng trong nước, chính điều này đã thu hút khách hàng. “Trái cây ngoại đều, đẹp và còn được đóng trong các thùng và hộp có nhãn mác nên rất thu hút khách hàng. Nhiều người biết trái cây nước ngoài không ngon nhưng đẹp nên vẫn mua” - chị Bích cho biết.

Giúp người tiêu dùng hiểu hơn trái cây Việt

Tại hội thảo “Xu hướng tiêu dùng trái cây” trong khuôn khổ Hội chợ nông sản, sản phẩm làng nghề phía Nam ngày 8-7 ở Đồng Tháp mới đây, nhiều tiểu thương bán trái cây lâu năm đã khẳng định: “Trái cây VN thơm ngon hơn đứt trái cây ngoại nhập”. Nhưng vấn đề là làm sao quảng bá và giới thiệu được những ưu điểm đó của trái cây VN đến người tiêu dùng?

Một nghiên cứu mới đây tại chợ và các cửa hàng trái cây ở TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thực hiện cho thấy hầu hết sạp chợ và cửa hàng truyền thống không có các hình thức truyền thông tại điểm bán. Lý do chính được nhiều chủ cửa hàng đưa ra là không có nhu cầu quảng cáo và không cần thiết, ngoài ra có một số không tin tưởng vào chất lượng ổn định của hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Thanh Hồng - trưởng ban quản lý chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp, do đường sá không tốt, phương tiện vận chuyển không chuyên, không có nhà phân loại, sơ chế, đóng gói, bảo quản... cũng góp phần làm ảnh hưởng đến chất lượng trái cây nội.

Để giúp mọi người đã và đang mua, sử dụng nay có cơ hội tìm hiểu và ủng hộ nhiều hơn nông sản trong nước, sắp tới có một dự án hỗ trợ nông sản Việt Nam do BSA thực hiện, trong đó có chương trình truyền thông tại điểm bán. Mục tiêu của chương trình là ủng hộ và kích thích tiêu dùng hàng nông sản trong nước, kết nối nhu cầu kinh doanh giữa người bán - nông dân/người sản xuất, quảng cáo và quảng bá cho hàng nông sản trong nước, tạo dấu hiệu nhận diện và tăng niềm tin vào nông sản trong nước cho các cửa hàng.

Trong đó chiến dịch truyền thông này nhấn mạnh thông điệp: Nông sản Việt Nam - tươi (vì nơi sản xuất gần thị trường), ngon (khẩu vị phù hợp, quen thuộc) và gần gũi (rõ nguồn gốc, dễ tìm mua, gắn bó với người tiêu dùng, giá dễ mua).

(Tuổi trẻ)

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • Các chuyên gia bàn về xây dựng thương hiệu quốc gia
  • Mười một cách xây dựng thương hiệu cá nhân
  • “Nói được, làm được”
  • Góp vốn bằng giá trị thương hiệu
  • Harvard có đang mạo hiểm với thương hiệu của mình?
  • Cần trí tuệ hơn tiền
  • Thương hiệu quốc gia: Chưa đậm!
  • Thương hiệu bưởi Năm Roi không để mất chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com