Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Liên kết xây dựng thương hiệu biển

Nghề cá là một trong những ngành kinh tế biển then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam

Hiệu quả kinh tế thu được từ một đơn vị biển của Việt Nam mới chỉ bằng 1/130 mức bình quân của thế giới. Đó là một tỷ lệ khó tin, nhưng lại là thực tế đáng buồn. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã trao đổi với phóng viên về việc biến những tiềm năng to lớn của biển Việt Nam thành lợi ích thiết thực cho đất nước.

20 năm nữa biển Việt Nam sẽ không còn san hô?

- Trong một bài giảng của mình, ông cung cấp thông tin: trong khi cỗ máy ngư nghiệp, thương mại của Việt Nam “chạy” tối đa cũng chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu chừng 5 tỷ USD một năm thì ở Mỹ, riêng nghề cá giải trí đã đem lại hàng chục tỷ USD cho nền kinh tế…

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định dầu khí, nghề cá, hàng hải và du lịch là những ngành kinh tế biển then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Tỷ trọng đóng góp GDP từ kinh tế biển lớn và ngày càng tăng, phấn đấu đến năm 2020 đóng góp GDP từ khu vực này luôn cao hơn bình quân trong các khu vực nội địa và bằng khoảng 55% tổng GDP của nền kinh tế. Tuy nhiên, đúng là lợi ích kinh tế mà Việt Nam khai thác được từ biển hiện nay còn quá ít ỏi, chưa xứng tầm. Đại dương thực sự là một kho báu, nhưng muốn “mở cửa” đại dương phải có quyết tâm, có sức và biết cách. Hai yếu tố sau chúng ta còn thiếu.

- Ông có thể phân tích cụ thể hơn về những thách thức đang cản trở Việt Nam đạt được những mục tiêu đặt ra cho phát triển kinh tế biển?

Yếu tố quan trọng hàng đầu phải nhấn mạnh ở đây là tình hình sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, thiếu hoặc không tuân thủ quy hoạch biển đảo, làm nảy sinh không ít mâu thuẫn lợi ích, thậm chí trong một khu vực địa lý nhỏ (một vịnh biển, một vùng cửa sông, một khu bờ biển,…). Nhận thức về tài nguyên biển còn hạn chế, chú trọng nhiều vào các dạng tài nguyên vật chất, chưa chú trọng các dạng tài nguyên phi vật chất, phi vật thể, như: giá trị vị thế của các mảng không gian biển, ven biển và hải đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái; thậm chí các giá trị văn hóa biển. Cách tiếp cận “nóng” trong khai thác tài nguyên biển đang là hiện tượng phổ biến ở các lĩnh vực kinh tế biển: chú trọng đến sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên. Thông báo đầu năm 2010 cho thấy, mỗi năm người dân khai thác mất khoảng 50 tấn san hô, kể cả san hô sống phục vụ mục đích thương mại, và như vậy chỉ sau 20 năm biển nước ta không còn san hô!

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cũng góp phần tạo nên thương hiệu biển Việt Nam

Đồng thời, do nhiều tác động khác nữa từ biến đổi khí hậu và chất lượng môi trường nên năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80 kg/ha/vụ. 1 ha rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thủy sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước. Đã có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 80 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam…

Trong khi đó, hệ thống luật pháp, chính sách về biển, đảo còn thiếu và chưa đồng bộ. Biển chứa đựng yếu tố quốc tế và Việt Nam đã ký tham gia một số Công ước quốc tế về biển nhưng chưa được “nội luật hóa” và việc thực thi ở cấp quốc gia còn yếu.

Tài nguyên biển thuộc dạng tài nguyên chia sẻ (shared resources), chứa đựng “yếu tố không gian”, là tiền đề phát triển đa ngành (multi-use). Song, việc quản lý biển, đảo đến nay vẫn theo cách tiếp cận mở kiểu “điền tư, ngư chung” và chủ yếu quản lý theo ngành. Công tác kiểm tra, kiểm soát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển… chưa được triển khai để thực hiện chủ trương “kinh tế hóa” trong lĩnh vực tài nguyên biển. Nhận thức về môi trường và tài nguyên biển, về quản lý nhà nước về biển và hải đảo của xã hội, địa phương và người dân còn chưa đầy đủ… Cũng cần phải nói thêm rằng, khu vực Biển Đông đang có tranh chấp nên việc hợp tác và hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế ở khu vực này còn gặp không ít khó khăn.

Cần chung tay xây dựng thương hiệu biển

- Trở lại với nghề câu cá giải trí. Khai thác dịch vụ du lịch - giải trí là một cách khai thác biển khôn ngoan và bền vững, nhưng còn khá mới mẻ đối với ta. Làm sao để phát triển ngành kinh tế này?

Dĩ nhiên không thể chỉ đầu tư xổi mấy chiếc tàu hay cần câu thật “xịn” mà được. Trước đó cần có quá trình xây dựng hình ảnh của các vùng biển thông qua việc thành lập các khu di sản thiên nhiên và văn hóa biển, khu bảo tồn biển, các vịnh đẹp, đảo đẹp và hoang sơ... để gây ấn tượng mạnh mẽ, thu hút du khách.

- Phải chăng ý ông là cần tạo dựng thương hiệu cho biển Việt Nam? Đó cũng là một mục tiêu quan trọng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng tới thông qua việc tổ chức thường niên Diễn đàn xây dựng Thương hiệu biển Việt Nam?

Tháng 3 vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa chủ trì tổ chức Diễn đàn Thương hiệu biển lần thứ 2 tại Quảng Ngãi với chủ đề “Từ cảng nước sâu tới khu kinh tế biển”. Diễn đàn lần thứ nhất làm tại Quảng Ninh, bên bờ vịnh Hạ Long, có chủ đề là “Phát triển thương hiệu biển Việt Nam: Kết nối địa phương và quốc tế”, chủ yếu đề cập đến khai thác tiềm năng du lịch, nghỉ dưỡng biển. Chúng tôi muốn dần dần gợi mở những chuyên đề liên quan đến 4 lĩnh vực kinh tế biển then chốt: ngư nghiệp, hàng hải, khai khoáng và du lịch - nghỉ dưỡng.

Xây dựng “thương hiệu biển” không chỉ là vấn đề có ý nghĩa kinh tế mà còn thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa, trình độ phát triển… của một đất nước. Thương hiệu biển có thể biểu hiện và được xây dựng ở nhiều cấp độ: thương hiệu sản phẩm, ngành hàng, lĩnh vực kinh tế biển và vùng địa lý... Nhưng dù ở cấp độ nào, nếu không có sự hợp tác giữa các đối tượng hưởng lợi từ biển thì việc xây dựng và tiếp thị thương hiệu sẽ chỉ mang tính đơn lẻ và thiếu nhất quán, trong khi lợi ích đem lại từ biển là lợi ích chung. Đáng tiếc là các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển hiện chưa hỗ trợ được các địa phương và doanh nghiệp cùng hợp tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho mình. Vấn đề xây dựng thương hiệu biển chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp tự xoay sở, thậm chí ngay cả đối với các tập đoàn kinh tế lớn.

Lợi ích kinh tế mà Việt Nam khai thác được từ biển hiện nay còn quá ít ỏi, chưa xứng tầm.

Về phần mình, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam dự định xây dựng đề án về một loại “chứng chỉ xanh”, nghĩa là một dạng chứng chỉ  ISO cho những vùng biển đảm bảo các tiêu chí về quản lý, bảo vệ môi trường. Trong năm 2010, chúng tôi sẽ hoàn thiện đề án và nếu mọi việc suôn sẻ, đến năm 2011, sẽ có thể triển khai cấp “chứng chỉ xanh”.

Nếu xây dựng thành công, thương hiệu biển Việt Nam sẽ giúp thế giới hiểu thêm về biển, đảo Việt Nam, từ đó hình thành nên giá trị thương hiệu của một quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”.

- Có thể coi việc được cấp chứng chỉ này như sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về một vùng biển được quản lý tốt, xanh sạch và được khai thác hợp lý?

Mong muốn của chúng tôi là vậy, nhưng đề án này còn chưa hoàn thiện. Có thể coi đây là sự xác nhận đáng tin cậy của cơ quản lý rằng vùng biển đó đã được quản lý tốt, doanh nghiệp đó đã thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các yêu cầu khai thác hải sản có trách nhiệm... Đơn cử, Việt Nam đã ký cam kết thực hành nghề cá có trách nhiệm, nhưng việc triển khai chưa như mong muốn. Gần đây, việc EU cấm nhập hải sản đánh bắt không có nguồn gốc rõ ràng có thể là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp của ta.

Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng việc cấp “chứng chỉ xanh” là sự hỗ trợ thiết thực để các địa phương, các doanh nghiệp của chúng ta được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, tin tưởng và yêu mến hơn, nhờ đó tiềm năng biển được khai thác tốt hơn.

Tiềm năng lớn của biển Việt Nam

* Vùng biển và thềm lục địa Việt Nam có nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, trữ lượng được đánh giá khoảng 3 - 4 tỷ m3 dầu quy đổi. Trong lòng biển Việt Nam còn có các khoáng sản quan trọng và có trữ lượng lớn như than, sắt, titan, cát thuỷ tinh và các loại vật liệu xây dựng khác. Ngoài ra, biển nước ta có tiềm năng băng cháy - một loại hình tài nguyên mới của thế giới với trữ lượng rất lớn, phân bố trên phạm vi toàn cầu trong một lớp vỏ dầy khoảng 2.000m của Trái Đất. Băng cháy thực chất là một loại khí hydrate methane hình thành trong điều kiện áp suất cao và nhiệt độ rất thấp, nhìn bề ngoài như một thỏi cồn khô và có khả năng bay hơi trong điều kiện bình thường như băng phiến. Gần đây băng cháy thu hút sự quan tâm của nhân loại ở 3 khía cạnh: có thể là nguồn năng lượng thay thế lớn, có hiệu suất cao và sạch thay cho các dạng năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt; có thể là một yếu tố góp phần vào biến đổi khí hậu toàn cầu do "tự bốc hơi"; và có thể là một dạng tai biến địa chất (geohazard).

* Bờ biển có nhiều khu vực có thể xây dựng cảng nước sâu như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Nghi Sơn, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải...

* Dọc bờ biển có hơn 120 bãi biển có thể phát triển du lịch, trong đó có khoảng trên 20 bãi biển đạt quy mô và tiêu chuẩn quốc tế.

* Nguồn lợi hải sản của vùng biển Việt Nam được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển, còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2.000 loài khác nhau, trong đó trên 100 loài có giá trị kinh tế với tổng trữ lượng hải sản khoảng 3 - 4 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác 1,5 - 1,8 triệu tấn/năm. Đến nay, Viện Chiến lược phát triển đã xác định được 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bố ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi. Ven bờ biển có trên 37 vạn ha mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn - lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu… Theo đánh giá sơ bộ, tiềm năng diện tích để phát triển đồng muối vùng ven biển nước ta từ 50 - 60 ngàn ha.

(Theo Bình An // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • Standard Chartered “mượn” bóng đá làm thương hiệu
  • Lịch sử thương hiệu bột Bích Chi -Gia tài để lại cho con
  • Lịch sử thương hiệu bột Bích Chi - Đau đáu về “làng bột gạo Sa Đéc”
  • Lịch sử thương hiệu bột Bích Chi -Bột Bích Chi ra đời từ tình thương
  • Đánh giá vi phạm bản quyền ở VN: Thiếu chính xác?
  • Cung đường hàng hiệu: Có tiền chưa chắc được thuê
  • “Hồi sức” cho thương hiệu
  • Một thế kỉ đế chế BMW
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com