Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lịch sử thương hiệu bột Bích Chi -Bột Bích Chi ra đời từ tình thương

Cách đây 3 năm, ngày 28.4.2007, các con gái ông Trần Khiêm Khánh – người chế tạo ra bột gạo lứt mang tên Bích Chi – bắt đầu ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình với tất cả niềm vui và nỗi buồn, niềm tự hào và lòng biết ơn cha đã chắt chiu nuôi dạy một đàn con khôn lớn, thành đạt.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà trên đường Phan Bội Châu, phường 1, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, vào lúc 7 giờ tối. Ngôi nhà khá rộng nhưng im ắng vì chỉ có người giúp việc và ông Trần Khiêm Khánh (Tư Khánh) ở nhà. Ông Tư Khánh đang nằm ghế bố xem chương trình thời sự trên truyền hình, câu chuyện bắt đầu.

Con gái là khách hàng đầu tiên

Bích Chi là tên thật người con gái thứ hai của ông – Trần Thị Bích Chi – sinh năm 1966, cũng chính là năm ông khai sinh loại bột gạo lứt. Ông nói năm đó gia đình rất khó khăn, sữa thì mắc không đủ tiền mua cho con bú. Ông từng tham gia kháng chiến, nhớ hồi trong chiến khu, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng có đề nghị mỗi người mỗi tuần nên dùng một ngày gạo lứt để bổ sung dinh dưỡng. Ông cũng đọc được trong sách nói về giá trị của gạo lứt, nên quyết định thử nấu cháo gạo lứt, lấy nước cho con uống. Thấy Bích Chi uống cả tuần không bị tiêu chảy, mà còn khoẻ ra, ông Tư Khánh an tâm. Ông nghĩ phải chế một máy xay nhỏ làm bột cho con uống. Ông đưa loại bột này cho anh em trong nhà nuôi các cháu. Thấy bột tốt, anh em giới thiệu với bạn bè.

Tiếng lành đồn xa, mọi người đặt ông Tư Khánh làm bột bán cho họ. Với chiếc máy nhỏ xay bột cho con, vợ chồng ông tranh thủ làm thêm mỗi ngày 3 – 4kg chia cho mọi người. Số lượng người đặt cứ tăng. Ông Tư Khánh cũng mang bột lên Sài Gòn giới thiệu với bạn bè. Nhiều người đặt mua, lên tới cả trăm ký mỗi tuần. Ông vui mừng không chỉ vì bán được bột, có tiền xoay xở trong nhà, mà còn vui vì nhiều gia đình khó khăn cũng nuôi được con khoẻ, chống được bệnh còi xương suy dinh dưỡng khi thiếu sữa. Ông nghiên cứu sản xuất tiếp bột gạo lứt và đậu xanh, rồi bột năm loại đậu (xanh, đỏ, trắng, đen và đậu nành).

“Thấy bột của tôi làm ra được người tiêu dùng chấp nhận, anh em động viên lập nhà máy sản xuất”, ông Tư Khánh nói. Vợ chồng hội ý nhau, nghĩ có Bích Chi mới làm bột này nên lấy tên con đặt luôn cho nhà máy.

Những bước thăng trầm

– Nhà máy bột Bích Chi được thành lập năm 1966.

– Đến năm 1976, nhà máy trực thuộc công ty sữa cà phê miền Nam (tiền thân công ty sữa Việt Nam – Vinamilk ngày nay), sau đó được giao về tỉnh Đồng Tháp.

– Năm 2001, công ty bột Bích Chi được cổ phần hoá, đổi tên thành công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi. Đến nay, công ty có bốn nhóm sản phẩm: bột dinh dưỡng và bột lọc; bánh phồng tôm; sản phẩm chế biến từ bột gạo (phở, hủ tiếu, bánh tráng); sản phẩm ăn liền. Ngoài tiêu thụ trong nước, các sản phẩm đã được xuất sang các nước châu Á, Úc, Mỹ, Canada, EU và một số nước Arập…

– Doanh thu năm 2009 là 110 tỉ đồng, năm nay dự kiến 130 tỉ đồng. Công nhân hiện khoảng 450 người.

– Riêng mặt hàng bột, năm 2009 sản xuất các loại bột gạo, bột lọc khoảng 80 tấn/tháng, bột dinh dưỡng khoảng 2 tấn/tháng.

Coi trọng phân phối, quy chuẩn sản xuất

Ông Tư Khánh tự thấy mình có thể mày mò về kỹ thuật sản xuất làm sao cho bột ngon, đủ dinh dưỡng, nhưng nếu muốn phát triển sản xuất thì phải có người kinh doanh, tiếp thị giỏi. Ông chọn được ông Đỗ Như Công, một người bạn kháng chiến của anh ruột ông làm đối tác. Ông Công biết cách mua bán, cách quảng cáo, đặt tổng đại lý phân phối ở Sài Gòn, cứ một đợt ông Công quảng cáo là hàng làm không kịp giao, một thời gian ngắn sau khi nhà máy được thành lập, mỗi ngày sản xuất khoảng 500kg.

Ông Tư vừa kể chuyện vừa lấy mấy tấm hình cũ ra xem. Đó là tấm hình vợ ông, bà Đinh Ngọc Điệp – bồng bé Bích Chi, dưới tấm hình ghi “Hình ảnh cháu Trần Thị Bích Chi, cháu bé đầu tiên được nuôi thử nghiệm bằng bột gạo lứt thay sữa mẹ”. Ông giải thích: “Đợt hàng đầu tiên chính thức ra thị trường, tôi tính in hình hai mẹ con lên nhãn hàng. Hình đã chụp rồi nhưng chưa kịp in lên bao bì vì không có tiền. Ông Công hối mang hàng lên bán vì đã quảng cáo, người ta đặt hàng rồi, nên phải lo sản xuất gấp, còn bao bì thì in hình vẽ thường thôi. Nhờ có ông Công mà những năm 1970 – 1975, bột Bích Chi đã có mặt khắp mọi nơi, từ miền Trung dài đến Cà Mau”.

Bà Đinh Ngọc Điệp kể: “Hồi năm 1970, nhà máy bắt đầu đầu tư máy lớn để tăng công suất làm bột, vợ chồng bà đã nghĩ phải đặt tiêu chuẩn vệ sinh lên hàng đầu. Chúng tôi nghĩ bộ đồ đồng phục vừa đẹp vừa giúp công nhân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Công nhân đến nhà máy mới thay đồng phục vô làm. Vô phòng làm việc, đóng cửa kín lại, không được đi lung tung để giữ cho bột không bị nhiễm bụi”. Bà tiếc tiền công may, nên vừa phụ ông trông coi công nhân, vừa may đồ, có bao tay để công nhân mang làm, chú ý nhất là may nón sao cho trùm gọn tóc, không để tóc rụng vô bột. Công nhân lúc đầu không quen nên cứ lén mở nón, bà lúc nào cũng phải để mắt nhắc nhở họ. Bà khâm phục ông vì sản xuất gia đình nhưng ông cũng lập thành từng phòng ban hẳn hoi, mỗi người lo một bộ phận.

Hiến thương hiệu lẫn tài sản

Theo ghi chép của TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, năm 1975, khi đất nước thống nhất, có hai hướng mà nhà máy Bích Chi phải đi theo: một là hiến cho Nhà nước, hai là hợp tác với Nhà nước. Ông Tư Khánh lên Sài Gòn gặp ông Trần Bạch Đằng, vốn là người bạn vong niên cùng hoạt động trong thời kháng chiến, xin ý kiến và được ông Bạch Đằng xác nhận nhà máy Bích Chi là một cơ sở cách mạng thuộc ban tuyên huấn Xứ uỷ Nam bộ. Sau đó, ông Bạch Đằng còn có ý định giúp ông Tư Khánh xin thêm đất để mở rộng nhà máy. Tuy nhiên, một thời gian sau, có chủ trương cải tạo công thương nghiệp, ông Bạch Đằng cho thư ký về Đồng Tháp nói với ông Tư Khánh hãy giao nhà máy Bích Chi cho bộ Công nghiệp thực phẩm. Thế là từ năm 1976, nhà máy bột Bích Chi trở thành đơn vị quốc doanh.

Chúng tôi muốn phát triển lên nữa hình ảnh bột Bích Chi mẹ bồng con – một thương hiệu đã ăn sâu trong tâm trí của những bà mẹ.

(Ông Trang Sỹ Đức, phó tổng giám đốc công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi)

Ông Tư Khánh được giao nhiệm vụ làm giám đốc nhà máy. Ông thường cho nhân viên lương cao hơn mình, vì những việc này mà ông bị không ít lời gièm pha. Ông cứ nhắc đến kỹ sư Trần Phước Lộc. Từ một nhân viên bình thường ở nơi làm cũ, kỹ sư Lộc đã được tạo điều kiện sáng tạo, mạnh dạn làm vì thành công thì được thưởng, rủi thất bại đã có ông Tư Khánh gánh chịu. Ông tâm sự: “Mình phải dám chịu trách nhiệm thì người ta mới dám làm, người giỏi lại được tin tưởng thì họ không thể phụ lòng mình được”. Đối với ông, chức vụ chỉ là phương tiện để mình có thể chủ động quyết định những việc cần làm có lợi cho việc chung, chứ không phải để mưu cầu lợi ích cá nhân. Các con của ông đều nhìn nhận họ đã học được “thuật dùng người” của cha trong công tác quản lý nhân sự.


Nữ công nhân nhà máy Bích Chi chụp hình kỷ niệm ngày 7.1.1975. Ảnh phải: cha đẻ của thương hiệu bột Bích Chi, ông Trần Khiêm Khánh.

Ông Trần Khiêm Khánh làm việc đến năm 1987 thì nghỉ hưu. Năm 2001, nhà máy bột Bích Chi trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Đồng Tháp được cổ phần hoá. Cứ ngỡ ông Khánh có nhiều cổ phần, nhưng ông chỉ có niềm tự hào, còn toàn bộ nhà xưởng và cả năm mẫu đất hương hoả đã được ông hiến cho nhà nước từ dạo đó.

Trên cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp và trang web của công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi, thấy người ta viết rằng: “Tiền thân của công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi là nhà máy bột Bích Chi được thành lập năm 1966 với nhiệm vụ sản xuất bột gạo lứt, bột dinh dưỡng các loại, cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong nước”. “Để có được một Bích Chi của ngày hôm nay quả không hề đơn giản. Đó là thành quả từ sự cố gắng, nỗ lực của trên 500 cán bộ, công nhân viên năng động, sáng tạo, giàu kinh nghiệm và cầu tiến”.

Trên trang đó không thấy nhắc gì đến tên người sáng lập nhà máy bột Bích Chi. Ông Tư Khánh chẳng than phiền khi về hưu mà không còn nhà xưởng vì đó là sự tự nguyện, nhưng thỉnh thoảng buông tiếng thở dài khi nghĩ đến bột gạo lứt, bột năm loại đậu Bích Chi ngày càng mờ nhạt trên thị trường. Đã có lúc ông nghĩ mình về hưu rồi thì có thể sản xuất lại những sản phẩm ấy, nhưng lòng tự trọng không cho phép ông cạnh tranh trực tiếp với công ty Bích Chi.

(Theo Các Ngọc // SGTT Online)

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • Đánh giá vi phạm bản quyền ở VN: Thiếu chính xác?
  • Cung đường hàng hiệu: Có tiền chưa chắc được thuê
  • “Hồi sức” cho thương hiệu
  • Một thế kỉ đế chế BMW
  • Nâng tầm thương hiệu Việt
  • DIC - Bản lĩnh thương hiệu tuổi hai mươi
  • Người nuôi tôm đầu tiên có thương hiệu độc quyền
  • VietJet có được “mượn” thương hiệu AirAsia?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com