Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đánh giá vi phạm bản quyền ở VN: Thiếu chính xác?

Năm 2009, cơ quan chức năng đã nỗ lực thanh tra, phát hiện và xử phạt các vụ vi phạm bản quyền phần mềm.

Cuối tháng 4 vừa qua, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và hãng nghiên cứu thị trường IDC đã tọa đàm về tình hình vi phạm bản quyền tại Việt Nam năm 2009. Theo đó, các đơn vị này cho rằng tỷ lệ vi phạm ở Việt Nam vẫn giữ mức 85% (bằng với năm 2007 và 2008).

Thông tin này lập tức dấy lên luồng dư luận phản đối, cho rằng SBA và IDC đã bỏ qua sự cố gắng của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tôn trọng bản quyền phần mềm.

Ngoài ra, phân tích của các chuyên gia cho thấy, cách tính của BSA và IDC không có sở cứ thuyết phục trong phương pháp tính và cách thức thu thập số liệu…

Áp đặt và chưa đầy đủ

Tại buổi tọa đàm (ngày 7/5) về con số vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam là 85% mà BSA-IDC đưa ra, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam (VAIP) cho rằng, bản báo cáo trên có tính áp đặt cao.

Theo tìm hiểu của Hội tin học, các phần mềm được BSA và IDC điều tra chỉ tập trung ở: Hệ điều hành, văn phòng, virus, phần mềm thương mại…chính vì vậy so trên số lượng máy tính thì tỷ lệ phần mềm không được mua là cao.

Tuy nhiên, một lĩnh vực mà BSA và IDC không hề tính đến là tỷ lệ sử dụng phần mềm mã nguồn mở. Đây là điều mà các chuyên gia cho rằng không hợp lý, nhất là khi xu thế chuyển dịch phần mềm bản quyền sang phần mềm nguồn mở và các dịch vụ phần mềm trên mạng phát triển mạnh ở Việt Nam. Đơn cử như Ngân hàng SacomBank năm 2009 đã cài 4.000 máy với phần mềm mã nguồn mở.

Ngoài ra, BSA-IDC cũng không nhắc tới phần mềm đã có sẵn trong máy, hoặc được cho, tặng hay có sự lựa chọn của khách hàng dùng sản phẩm trả tiền hoặc không (như phần mềm diệt virus CMC, Bkav…) trong cách tính của mình. Về vấn đề này, ông Nguyễn Long cho rằng đó là một thiếu sót lớn.

Lấy dẫn chứng, ông Long đơn cử gói phần mềm và công cụ cho giáo dục như chương trình Student Partner & MSDN AA của Microsoft cung cấp miễn phí cho sinh viên, các phần mềm được tài trợ bởi quỹ Bill & Melinda Gates...

Còn ông Bùi Hữu Cư, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp IT Hà Nội thì cho hay, đối với hàng hóa nhập khẩu, ngoài số máy tính có kèm phần mềm của Microsoft thì có tới 70-80% máy tính còn lại được cung cấp sẵn phần mềm LINUX.

Đối với các máy tính lắp ráp thương hiệu Việt Nam cũng được các nhà lắp ráp liên hệ với nhà cung cấp phần mềm để mua với giá ưu đãi và cài đặt sẵn trong máy. 100% máy tính bàn và laptop được cung cấp phần mềm diệt virus có bản quyền.

“Rõ ràng, cách tính của BSA không đại diện cho tất cả phần mềm bản quyền ở Việt Nam” ông Cư bức xúc.

Gây sức ép thương mại?

Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù tình trạng dùng phần mềm “chùa” vẫn là phổ biến, nhưng đã có sự chuyển biến tích cực từ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong những năm qua.

Nhưng báo cáo của BSA và IDC dường như đã bỏ qua những nỗ lực của Việt Nam khi thời gian qua đã chi nhiều triệu USD để mua bản quyền phần mềm. Đến nay, nhiều cơ quan khối ngân hàng, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc… đã trang bị 100% phần mềm hệ điều hành có bản quyền cho máy trạm và máy chủ.

Ngoài ra, năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thay mặt Chính phủ, ký thỏa thuận mua bản quyền phần mềm văn phòng của Microsoft với thời hạn 3 năm cho các cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương…

Với những phân tích của mình, Hội tin học cho rằng, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm năm 2009 ở Việt Nam có xu hướng giảm mạnh, ước tính giảm tới 10% so với con số 85% của BSA đánh giá năm 2008.

Đồng tình, ông Cư cho rằng, sự chuyển biến về tôn trọng phần mềm trong những năm qua là rất đáng kể. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên nhắc nhở doanh nghiệp kinh doanh máy tính thực thi cam kết tôn trọng bản quyền. Năm 2009, đã thanh tra 27 vụ vi phạm bản quyền phần mềm, phạt 10 đơn vị vi phạm với số tiền 145 triệu đồng…

Ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông (thuộc Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam) cho rằng, BSA đã dùng công thức mập mờ để tính tỷ lệ vi phạm bản quyền. Do đó, không loại trừ đơn vị này dùng kết quả để gây ra sức ép thương mại (thành viên của BSA là các doanh nghiệp phần mềm thương mại lớn như Microsoft,  Adobe, AVG, Corel, Kaspersky...).

Được biết, mặc dù Hội Tin học đã gửi giấy mời tới đại diện của BSA tại Việt Nam tham gia buổi tọa đàm, song vị đại diện này đã không có mặt với lý do bận. Đây là điều rất đáng tiếc bởi rất nhiều chuyên gia có thắc mắc muốn phía BSA giải đáp để đông đảo công chúng được rõ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho hay, hiện nay ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu đánh giá về tôn trọng bản quyền phần mềm để đưa ra con số đối chiếu với BSA. Do đó, họ mong muốn các đơn vị liên quan sẽ có nghiên cứu độc lập, chính xác về vấn đề này để tạo đà phát triển cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam./.

Theo Hội tin học Việt Nam, công thức tính của BSA-IDC là:

Tỷ lệ vi phạm bản quyền (%) = Số phần mềm sử dụng trái phép/Tổng số phần mềm x 100%.

Trong đó:

- Số phần mềm sử dụng trái phép = Tổng số phần mềm – Số phần mềm được mua

- Tổng số phần mềm = Số lượng máy tính x Số phần mềm trung bình/máy tính.

- Số phần mềm được mua = Doanh thu ngành phần mềm/ Giá trung bình của một hệ thống chuẩn.

- Giá trị phần mềm không mua bản quyền = Giá trung bình của hệ thống chuẩn x Số phần mềm sử dụng trái phép.

 Trung Hiền (Vietnam+)

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • Cung đường hàng hiệu: Có tiền chưa chắc được thuê
  • “Hồi sức” cho thương hiệu
  • Một thế kỉ đế chế BMW
  • Nâng tầm thương hiệu Việt
  • DIC - Bản lĩnh thương hiệu tuổi hai mươi
  • Người nuôi tôm đầu tiên có thương hiệu độc quyền
  • VietJet có được “mượn” thương hiệu AirAsia?
  • Xây dựng thương hiệu bằng tầm nhìn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com