Bernhard Mast là bằng chứng sống về việc bạn không cần phải là một nhà đầu tư danh tiếng với số vốn hàng trăm triệu USD, hay thậm chí là một chuyên gia đầu tư, mới có thể thành công.
Dùng vàng làm đòn bẩy
Yếu tố Bernhard xem là mối đe dọa lớn nhất cho sự an toàn tài chính là sự mất giá của đồng tiền. Ông dẫn chứng rằng 1 USD ngày nay có giá trị chưa tới 5% so với 1 USD cách đây 100 năm. Trái lại, giá trị của một ounce =28,35gr vàng vẫn tương đối ổn định.
Đây là đề tài mà Bernhard nghiên cứu kỹ đến từng chi tiết. Thậm chí ông còn viết luận án tiến sĩ tại Đại học St. Gallen với đề tài liên quan đến các ngân hàng trung ương và quỹ dự trữ vàng của họ. Ông say mê lịch sử và lý thuyết tiền tệ. Và giờ đây, kiến thức của ông trong lĩnh vực này đã tạo nên nền tảng triết lý đầu tư của ông.
Vàng là một loại “tiền tệ” của người dân ở nhiều quốc gia |
Bernhard đã làm điều mà rất ít người làm được. Ông dành ra vài tháng liền để xây dựng một chiến lược đầu tư chi tiết và bỏ nhiều thời gian để thử nghiệm chiến lược đó. Ông xác định mục tiêu đầu tư quan trọng nhất của mình là bảo toàn giá trị - sức mua - của đồng vốn.
Ông tin rằng cách an toàn nhất để đạt được mục tiêu này là đầu tư vào kim loại quý, mà chủ yếu là vàng. Bernhard chia tài sản của mình thành bốn phần: bảo hiểm nhân thọ, bất động sản, vàng nén và một danh mục đầu tư gồm các cổ phần vàng và các khoản đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực kim loại quý.
Ông giữ cho những phần này tách biệt nhau, thậm chí sử dụng các ngân hàng khác nhau để thế chấp tài sản và lưu trữ vàng nén. Ba loại tài sản đầu tiên là nền tảng cho sự an toàn tài chính của ông. Mục tiêu của ông trong danh mục đầu tư mua bán là kiếm những khoản lợi nhuận mà ông có thể dùng để tăng mức sở hữu vàng.
Bernhard sở hữu vàng nhưng vì vàng không sinh lãi nên phần sở hữu của ông không tăng theo thời gian. Do đó, ông tìm cách sử dụng đòn bẩy tài chính của các cổ phiếu ở công ty khai thác mỏ vàng, thứ mà ông bảo là “thường tăng theo hệ số khoảng hai hoặc ba lần tương ứng với mức tăng của giá vàng”.
Ông đã phát triển một hệ thống đầu tư hoàn chỉnh với những tiêu chuẩn rõ ràng để chọn mua cổ phần của các công ty khai thác vàng.
Điều quan tâm trước tiên của ông là địa điểm. Ông từ chối đầu tư vào bất kỳ công ty nào hoạt động tại một số nước thuộc Liên Xô cũ trước đây hoặc những nơi như Zimbabwe, Mông Cổ và Indonesia.
Tại sao vậy?
Ông giải thích: “Đơn giản là tôi không tin những thị trường này. Quyền sở hữu tài sản ở những nước này không bảo đảm, chưa kể nạn tham nhũng hoành hành, trong khi chính sách đầu tư lại chưa hoàn thiện”. Bernhard có lý khi lo sợ rằng có thể một buổi sáng đẹp trời nào đó ông thức dậy và biết rằng tài sản trong một công ty mà ông sở hữu bị tịch thu, khiến cổ phần của ông trở nên vô giá trị.
Đối với ông, việc đầu tư vào bất kỳ quốc gia nào trong số này đều sẽ là một cuộc mạo hiểm quá lớn và nguy cơ tổn thất luôn rình rập.
Đừng hoảng sợ khi sai lầm
Tiếp theo, là các loại tiền tệ. Ví dụ, vào tháng 6/2004, ông không hề sở hữu cổ phần nào ở các công ty khai thác vàng tại Australia hoặc Nam Phi, nơi có những mỏ vàng lớn. Lý do là cả đồng đô la Australia lẫn đồng rand của Nam Phi đều tăng giá đột ngột so với đồng USD. Yếu tố thứ ba để Bernhard xem xét là ban quản trị công ty.
Cũng giống như Buffett, ông muốn chắc chắn rằng ban quản trị phải đối xử công bằng với các cổ đông. Ông muốn làm việc với các nhà quản lý biết nhận ra và phát triển tiền ký quỹ trong quá khứ. Ông cũng xem xét các dự án hiện tại của công ty để đánh giá triển vọng của họ.
Bernhard thu thập tất cả những thông tin này từ Internet. Ông nói: “Bạn không thể làm điều này chỉ cách đây 5 năm thôi. Nhưng giờ đây, đã có sẵn một lượng thông tin khổng lồ trên mạng để bạn tha hồ tham khảo”.
Dù phương pháp của ông thật khác thường, nhưng nó hiệu quả đối với ông. Và ông làm theo nó một cách có ý thức. Để đảm bảo không xa rời phương pháp của mình, ông lập một văn bản trong đó ghi rõ các hướng dẫn (mà ông gọi là “các quy tắc”) để có thể thường xuyên tham khảo.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng thỉnh thoảng ông cũng phạm sai lầm. Ông nói: “Nếu bạn sai lầm, bạn cố gắng đừng hoảng sợ. Nếu bạn hoảng sợ thì e rằng bạn sẽ trở thành kẻ thù tệ nhất của chính bạn đấy. Tôi chỉ tự nói với mình: Chà, tiếc quá!, rồi nhìn lại sai lầm đó một cách thản nhiên và thực hiện những hành động cần thiết để giải quyết hậu quả”.
Ông bảo rằng cứ sáu tháng ông lại rà soát danh sách của mình một lần, đồng thời đánh giá các hoạt động đầu tư để đảm bảo là ông vẫn đang theo sát các quy tắc của mình, và xem liệu ông có học hỏi hay phát hiện được điều gì có thể cải thiện các quy tắc đó không.
Thái độ nghiêm khắc và chuyên tâm như vậy là điều đáng quý trong bất cứ lĩnh vực nào. Và đó là điều đã khiến Bernhard, cũng như Buffett, Soros, Icahn và Templeton trở thành nhà đầu tư thành công.
(Theo SGGPO/vietnamnet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com