Lúc mới đặt chân lên đất Mỹ, họ không nói được tiếng Mỹ. Hằng tháng, họ cậy nhờ gia đình và bạn bè định cư ở Mỹ để trả tiền nhà, tiền điện nước... Rồi họ cũng tìm được việc làm và phất lên rất nhanh trong sự “thán phục” của đồng hương.
Họ trở thành chủ nhà hàng, một loạt bệnh viện tư và phòng thí nghiệm y khoa. Họ mua được một căn hộ trị giá 661.500 USD trong một khu dân cư sang trọng ở Altadena. “Giấc mơ Mỹ” đã trở thành hiện thực. Giấc mơ đó không được xây dựng trên nền tảng mồ hôi và nước mắt mà của một vụ lừa đảo bảo hiểm y tế lớn làm rúng động cộng đồng sắc tộc Nga - Ukraine ở Mỹ.
Người nghèo vô gia cư được Konstantin dùng để lừa Medicare. Ảnh: Worldpress
Lưu manh có học thức
Năm 2004, vợ chồng Grigoryan bị truy tố về tội cầm đầu một tổ chức tội phạm mua chuộc bác sĩ, bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế Medicare để bòn rút 20 triệu USD trong vòng 5 năm.
Bản cáo trạng dày hơn 200 trang cho thấy một gia đình có học thức di cư sang Mỹ để lừa đảo chính phủ của đất nước mà họ tự nguyện chấp nhận là quê hương, theo nhận xét cay đắng của một quan chức cao cấp Bộ Tư pháp Mỹ.
Trong văn bản xin đóng tiền tại ngoại hầu tra, bị cáo Mayya Grigoryan kể lại rằng bà là con gái duy nhất sinh ra ở thành phố Bershad, miền Tây Ukraine, trong một gia đình công nhân gốc Do Thái. Bà gặp Konstantin, một chàng trai Ukraine “thông minh, năng động” tại Học viện Công nghệ Thực phẩm ở Moscow, nơi bà theo học.
Cả hai tốt nghiệp cử nhân hóa học, cưới nhau năm 1973, có hai con. Konstantin sau đó phục vụ trong quân đội lên tới chức đại tá trong khi Mayya làm kỹ thuật viên phòng thí nghiệm của một nhà máy rượu vang.
Không hài lòng với đồng lương nhà nước, cả hai tìm cách di cư sang miền Tây Hollywood, nơi có cộng đồng người Nga khá đông, để thực hiện “giấc mơ Mỹ”.
Sau một thời gian ngắn làm ăn trong ngành xây dựng, Konstantin trở thành kỹ thuật viên phòng thí nghiệm y khoa. Y dành dụm tiền, vay vốn, hùn hạp với người thân trong gia đình mở bệnh viện tư và phòng thí nghiệm y khoa. Người thân đáng kể nhất là con rể Eduard Gershelis, nguyên kỹ thuật viên nha khoa, là anh vợ Aleksandr Treynker... Ngoài ra, y còn liên kết với một số bác sĩ có phòng khám và hơn một chục cơ sở y khoa khác theo phương thức ăn chia lợi tức.
Thiết lập xong mạng lưới y tế khá quy mô, Konstantin và đồng bọn bắt đầu đăng ký khám bảo hiểm y tế Medicare (chương trình chăm sóc sức khỏe người già và khuyết tật) và Medicaid (chương trình chăm sóc sức khỏe người nghèo) của liên bang và địa phương.
Để thu hút bệnh nhân, chúng thuê “cò” – phần lớn là người Philippines và Armenia – với giá 150 USD/lần gom bệnh nhân đối tượng Medicare, có khi ở khá xa, tận San Diego và mua lại thẻ bảo hiểm y tế Medicaid của những người vô gia cư.
Trên mỗi bệnh nhân, chúng thực hiện những xét nghiệm rẻ tiền hoặc không làm gì cả nhưng xuất giấy tờ và hóa đơn giả ghi những xét nghiệm đắt tiền để tính tiền lại với các trung tâm Medicare.
Công cuộc làm ăn của Konstantin kéo dài từ năm 2000 đến năm 2005. Số tiền kiếm được một cách mờ ám được vợ chồng Konstantin dùng để mua nhà và bất động sản. Ngoài ra, họ còn chuyển hàng triệu USD đến một số công ty ma ở Panama và ngân hàng Thụy Sĩ.
Báo chí phanh phui
FBI bắt đầu chú ý tới hoạt động của Konstantin và đồng bọn từ năm 2003 khi một tờ báo địa phương - tờ Mercury News - phát hiện có nhiều người Việt cao tuổi ở California bị lừa. Họ được “cò” thuê xe buýt chở miễn phí đến những cơ sở y tế của Konstantin để khám chữa bệnh sơ sài. Sau đó, họ được cho ăn trưa miễn phí. Đôi khi còn được bồi dưỡng chút ít gọi là tiền “tri ân”.
Tuy nhiên sau đó, các nạn nhận được giấy báo họ đã được Medicare chi trả hàng ngàn USD cho những xét nghiệm mà họ chưa bao giờ làm hoặc những thiết bị y tế đắt tiền như xe lăn điện cao cấp mà họ chưa bao giờ nhận được. Tên tuổi các bác sĩ chữa bệnh cho họ cũng lạ hoắc, họ chưa từng gặp. Tổng số tiền này lên đến 1 triệu USD.
Quá bức xúc, họ phản ánh vụ việc với tờ Mercury News. Sau khi bị báo chí phanh phui, ít nhất hai trong số các cơ sở y tế có liên quan với Konstantin tự đóng cửa. Sau này, khi đã bắt được vợ chồng Konstantin Grigoryan, FBI tìm thấy trong ổ cứng chiếc máy tính xách tay của Konstantin, các bài báo của Mercury News phanh phui tội ác của y đối với người Việt cao tuổi.
Trước đó, năm 2002, công việc làm ăn mờ ám của Konstantin cũng từng bị FBI nghi ngờ khi một số tên “cò” chở bệnh nhân từ San Diego đến khu vực có văn phòng bác sĩ làm việc cho Konstantin bị bắt.
Kiếm tiền để về quê hưởng già
Năm 2004, Konstantin Grigoryan, 56 tuổi; Mayya Grigoryan, 54 tuổi, đã bị bắt cùng với ba đồng phạm là Eduard Gershelis, 34 tuổi; Aleksandr Treynker, 48 tuổi và Haroutyun Guldetryan, 36 tuổi.
Tháng 5-2005, “đại tá” Konstantin bị kết án 4 năm và tám tháng tù giam. Vợ y, Mayya Grigoryan, lãnh 3 năm tù. Ba bị cáo còn lại lãnh từ 2 đến 4 năm tù giam.
Tòa án còn tuyên tịch thu 2,2 triệu USD của vợ chồng Konstantin gửi ngân hàng Thụy Sĩ và hơn 5,5 triệu USD tài sản của 5 bị cáo.
Jessica Marrone, đặc vụ của FBI, cho biết ý đồ của vợ chồng Konstantin là hốt một số tiền lớn rồi trở về Ukraine an hưởng tuổi già. Marrone còn cho biết thêm, một cộng sự thân thiết của Konstantin khai rằng vợ chồng nhà Grigoryan từng nói riêng với y rằng họ “ghét nước Mỹ”.