Khi Steve Jobs - CEO của Apple, thông báo rằng ông sẽ vắng mặt 6 tháng vì lý do sức khỏe, thế giới công nghệ xôn xao với câu hỏi: “Apple sẽ như thế nào nếu không có Steve Jobs?”. Người ta quan tâm tới tình trạng sức khỏe của Jobs; từ các cổ đông cho tới khách hàng đều không khỏi nghi ngại rằng, liệu Apple có thể tiếp tục thực hiện những cuộc cách mạng sản phẩm như đã làm với iMac, iPod và iPhone, nếu thiếu sự sáng tạo, tầm nhìn, và sự lãnh đạo của Steve Jobs (?).
Đó là câu chuyện của tương lai, nhưng chúng ta vẫn có thể thử lượng hóa được giá trị mà người đồng sáng lập Apple này đem lại cho công ty. Thực tế, Steve Jobs không chỉ có ý nghĩa lớn với Apple qua cuộc “tái ngộ” với hãng vào năm 1997, bản thân ông còn có ảnh hưởng đáng kể tới nhiều công ty khác, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Apple. Những gì Steve Jobs thể hiện trong suốt 12 năm qua thực sự là một cuộc trình diễn ngoạn mục, bởi dưới “triều đại kinh tế” Jobs, suy thoái là cụm từ rất xa lạ.
Một “trái táo to”
Không có công ty nào phụ thuộc vào một cá nhân được “sùng bái” như Apple với Steve Jobs. Jason Snell, Giám đốc xuất bản của tạp chí Macworld nhận định: “Apple lẽ ra đã sụp đổ từ giữa năm 1998 nếu Jobs không trở lại. Bởi vậy, người ta có thể cho rằng Jobs có công trong từng đồng đô la mà Apple kiếm được”. Dĩ nhiên, không thể không kể tới công lao của Giám đốc điều hành (COO) Tim Cook, Giám đốc thiết kế công nghiệp Jonathan Ive, và Giám đốc marketing sản phẩm toàn cầu Phil Schiller. Dù vậy, Portfolio vẫn cho rằng, Jobs cũng phải góp công vào một nửa thành công của Apple. Trong 12 năm qua, doanh số của Apple là 33 tỉ USD. Với đánh giá như vậy thì rõ ràng Jobs góp công 16,5 tỉ USD vào “Quả táo”.
Hệ sinh thái mở rộng
Hơn 4.000 sản phẩm phụ kiện cho iPod và iPhone đang có mặt trên thị trường, từ loa của hãng Bose cho tới bộ phận giữ giấy vệ sinh trong toilet bất ngờ chuyển hướng trở thành giá để máy iPod. Doanh số phụ kiện đã đạt mức 2 tỉ USD/năm, dù người ta nói rằng Apple đòi một khoản tính bằng 10% giá bán lẻ của hầu hết các phụ kiện, tiền phí bản quyền. Doanh số hàng năm của các ứng dụng cho iPhone (mà Apple đòi gần 30% giá bán đơn vị) vào khoảng 175 triệu USD/năm, góp phần giúp đưa tổng doanh số của công ty ngoài Apple đạt 1,9 tỉ USD. Thêm vào đó là khoản 5 tỉ USD/năm - số tiền mà mạng AT&T kiếm được từ vai trò là nhà phân phối độc quyền điện thoại iPhone. Vậy, tổng doanh số các công ty “ăn theo” Apple đạt được là 6,9 tỉ USD. Jobs đem lại 50% số đó.
Vậy Jobs góp công 3,5 tỉ USD vào hệ sinh thái mở rộng của “Quả táo”.
Các đối thủ cạnh tranh
Một lợi ích phụ trong sự đổi mới của Apple là nó đã thúc đẩy đối thủ cạnh tranh đuổi theo mình (Microsoft Zune. Còn ai nữa không?). Jobs nắm trong tay sức mạnh của công nghệ mp3 (với việc sản phẩm iPod chiếm phần lớn thị phần máy nghe nhạc mp3 ở Mỹ), nên ông xứng đáng có công trong một phần của 44 tỉ USD mà các đối thủ cạnh tranh kiếm được hàng năm. Năm ngoái, mạng Amazon thông báo đã thu về 39 triệu USD chỉ riêng từ cho download nhạc mp3. Bạn có cảm thấy bực mình khi download về một bản nhạc mp3 mà không có iTunes hoặc iPod? Điều tương tự diễn ra với 64 triệu USD doanh số ở thị trường điện thoại thông minh. Thiếu iPhone, có thể sẽ chẳng có điện thoại BlackBerry Storm hoặc phần mềm Google Android. Portfolio “trao tặng” Jobs 10% công lao trong 108 tỉ USD tổng doanh thu của các đối thủ cạnh tranh. Như vậy về phần này, Jobs góp công 10,8 tỉ USD vào “Quả táo” của các hàng xóm.
Dự đoán mới nhất về giá trị tài sản ròng của cá nhân Steve Jobs là 5,7 tỉ USD. Nhưng quả thực, bản thân Jobs là một tài sản lớn hơn nhiều với Apple cũng như các đối tác và cả đối thủ cạnh tranh. Làm một phép tính tổng cho 3 kết luận kể trên, “tổng giá trị hàng năm” của Steve Jobs đạt 30,8 tỉ USD.
(Theo Trung Nguyễn // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com