Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kirk Kerkorian trả giá cho đam mê

Để thành công trong đầu cơ, đã có mấy nhà đầu cơ không phải trả giá. Kể cả khi đã nổi danh trong thế giới đầu cơ, họ vẫn phải trả giá. Người này trả giá cho sai lầm, người kia trả giá cho đam mê. Kirk Keroian không phải trường hợp ngoại lệ.

 

Thế giới đầu cơ còn được gọi là “thế giới không có giới hạn”. Biệt hiệu đó không chỉ đơn thuần bao hàm một đặc thù trong tư duy của các nhà đầu cơ là chuyện gì cũng có thể xảy ra, mà trước hết hàm ý cái gì cũng có thể trở thành đối tượng đầu cơ. Điều quan trọng là phải biết nhận ra cơ hội và chấp nhận rủi ro.

Đối với Kerkorian, không phải thị trường chứng khoán New York mà thánh địa cờ bạc và ăn chơi Las Vegas mới là nơi giúp ông trở nên giàu có, thậm chí rất giàu có. Năm nay 92 tuổi, Kerkorian có trong tay khoảng 11,2 tỷ USD, được tạp chí Forbes của Mỹ xếp thứ 27 trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ trong năm 2008.

Bản lĩnh đầu cơ bẩm sinh

Áp lực phải kiếm tiền đến rất sớm với Kirk Kerkorian. Bố mẹ Kirk Kerkorian có một trang trại trồng nho ở California nhưng về sau bị mất trắng bởi luật lệ ở bang này thay đổi trong thập kỷ 20 của thế kỷ trước. Gia đình Kerkorian phải chuyển nơi ở tới 20 lần và rồi cuối cùng phải về khu ổ chuột ở Los Angeles để kiếm sống. Khát vọng làm giàu và đổi đời, giành lại địa vị xã hội đã mất cho gia đình được Kerkorian ấp ủ trong hoàn cảnh đó.

Kerkorian ý thức được rằng, muốn làm giàu từ hai bàn tay trắng thì trước hết phải kiếm được một khoản tiền kha khá để làm vốn. Quyết định quan trọng đầu tiên của Kirk Kerkorian là đi lính. Con tính của Kerkorian là, nếu sống sót qua chiến tranh thì có được khoản tiền không nhỏ làm vốn giắt lưng. Rủi ro và lợi nhuận của việc đi lính cũng chẳng khác gì trong một phi vụ đầu cơ.

Thành tích lớn nhất của Kirk Kerkorian trong thời gian phục vụ quân ngũ là vận chuyển 33 máy bay Mosquito từ Canada sang Anh để quân đội Anh sử dụng chống lại quân đội phát xít Đức. Ngày ấy, máy bay không chứa đủ nhiên liệu để vượt qua Đại Tây Dương. Phi công phải biết lợi dụng triệt để sức gió và tuyến bay ngắn nhất để tránh khỏi bị rơi xuống đại dương. Tỷ lệ thành công là 50%. Đã 33 lần Kerkorian chấp nhận rủi ro tính mạng và cả 33 lần đều thắng cuộc. Sau chiến tranh, Kerkorian có được 60.000 USD.

Trở lại Los Angeles, Kerkorian biết rằng, với số tiền kiếm được nói trên sẽ không làm nổi trò trống gì. Từ những năm 30, luật pháp Mỹ đã cho phép mở sòng bạc và Las Vegas nhanh chóng phát triển thành thánh địa cờ bạc không những của nước Mỹ mà còn của cả thế giới. Kerkorian nhận ra rằng, cờ bạc lôi cuốn, thậm chí quyến rũ con người không chỉ vì tham vọng trở nên giàu có trong chớp mắt, mà còn là thú tiêu khiển. Tâm lý đó chính là cái để Kerkorian đầu cơ vì Las Vegas ở bang Nevada, trong khi Los Angeles ở bang California, không phải ai muốn đến đó cũng có thể đến được, đặc biệt là bằng cách nhanh nhất. Kerkorian dùng số tiền có được mua loại máy bay Cessna, một loại máy bay nhỏ, chở được ít người nhưng lại rất linh hoạt trong cất và hạ cánh. Từ chiếc máy bay nhỏ đầu tiên này, Kerkorian phát triển thành một hãng hàng không làm ăn phát đạt.

Nhưng Kerkorian nhận ra rằng, nếu muốn giàu có ở Las Vegas thì phải trở thành chủ nhân của khách sạn và sòng bạc, chứ không phải người chơi bạc. Kerkorian rút ra, phải đầu cơ vào bất động sản. Trong khi thiên hạ đổ xô vào sòng bạc, sát phạt đỏ đen thì ông săn lùng những khu đất đẹp ở ngoại ô, đón thời cơ thành phố ăn chơi và cờ bạc này phát triển và mở rộng. Mua rẻ, bán đắt, chỉ vài năm sau Kerkorian kiếm được bạc tỷ từ đầu cơ bất động sản. Ông để dành riêng cho mình khu đất đẹp nhất ở Las Vegas, không phải để xây dinh thự riêng, mà để xây khách sạn International đẳng cấp quốc tế đầu tiên ở Las Vegas. Năm 1969, khách sạn 1.500 phòng này được khánh thành. Vua Rock & Roll Elvis Presley và minh tinh màn bạc Hollywood Barbara Streisand đã tới dự và biểu diễn tại buổi lễ khai mạc này. Từ đó, một hậu duệ của gia đình Kerkor di cư từ Armenia sang Mỹ đã trở thành người danh giá ở Mỹ, là ông chủ của cả khách sạn lẫn sòng bạc ở chính nơi khách sạn đắt giá nhất và sòng bạc được tôn thờ nhất của nước Mỹ.

Trả giá cho đam mê

Kerkorian rút ra cho mình hai kinh nghiệm đầu cơ thành công. Thứ nhất là, không được bỏ tất cả vốn liếng vào một phi vụ. Ở đây thể hiện rất rõ một điểm, Kerkorian luôn bị giằng xé giữa hai luồng tâm lý: liều lĩnh và chắc ăn, mà rồi cuối cùng thường thì lý trí vẫn luôn thắng tình cảm. Kinh nghiệm thứ hai là, phải sắt đá chứ không để mềm lòng trước mỗi quyết định đầu cơ. Bán hay mua là bài toán kinh tế thuần túy chứ không phải chuyện tình cảm, do vậy, có thể mua nhanh bán sớm, mua đi mua lại nhiều lần mà không ngần ngại, bởi mỗi thời mỗi khác, mỗi bối cảnh một khác. Điển hình nhất là chuyện Kerkorian ba lần mua rồi cũng ba lần bán đi hãng phim Metro Goldwyn Mayer.

Nhưng có hai đam mê khiến Kerkorian không cưỡng lại được và cũng làm ông mất nhiều tiền bạc nhất là phụ nữ và ô tô. Ba lần kết hôn và ly hôn là ba lần tốn kém và bê bối, ba lần phải dùng đến tòa án để phân xử chuyện của cải và chứng minh con cái. Những người vợ đã làm Kerkorian hạnh phúc và đau khổ, hao tài tốn của và cả tai tiếng. Rùm beng nhất là chuyện với người vợ thứ ba Lisa Bonder, một vận động viên tennis mà sắc đẹp tỷ lệ nghịch với thành tích thi đấu thể thao. Cô nàng này kém Kerkorian 50 tuổi. Hai người kết hôn năm 1999, khi Kerkorian đã 82 tuổi. Cuộc hôn nhân này kéo dài được đúng một tháng. Cô vợ trẻ đòi Kerkorian phải trả tiền nuôi đứa con chung 300.000 USD/tháng. Kerkorian cho kiểm định ADN và kết quả là đứa con không phải của ông. Kerkorian không bị mất tiền, nhưng lại trở thành trò cười cho thiên hạ.

Năm 1990, Kerkorian bỏ ra một khoản tiền lớn mua cổ phiếu của hãng ô tô Chrysler. Nhà đầu cơ này không chỉ yêu thích ô tô đến cuồng tín, mà còn có tham vọng trở thành ông chủ hãng chế tạo ô tô nổi tiếng này. Năm năm sau, Kerkorian mở cuộc tấn công giành quyền kiểm soát hãng này nhưng thất bại, và đương nhiên ông đã mất không ít tiền. Năm 2005, Kerkorian khi đó đã 88 tuổi, có ý định tương tự với hãng General Motors, nhưng rồi cũng không thành công. Năm nay, Kerkorian nuôi ý đồ tấn công vào thành lũy của hãng Ford. Xem ra, cả hai niềm đam mê nhất này của Kerkorian đều không mang lại thành công cho nhà đầu cơ trứ danh này. Cũng dễ hiểu, vì mấy ai đã may mắn tới mức muốn gì được nấy, chỉ thành mà không bại, chỉ vui mà không buồn. Thăng trầm âu cũng là lẽ thường ở đời. Kerkorian không phải không biết điều đó và cũng chẳng hối hận, vì ông cho rằng rất đáng để trả giá cho những đam mê đó.

Trong thế giới đầu cơ còn lưu truyền một câu cửa miệng của Kerkorian: “Hãy làm việc như thể sống mãi không chết và hãy chơi như thể ngày mai sẽ chết”.

 

(Theo Bắc Hà // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • CEO Ken Lewis: Người hùng hay kẻ ngớ ngẩn?
  • George Soros: Thiên tài hay tội nhân?
  • Vua đồ chơi Ty Warner
  • Từ cuốc xích lô đến... nhà máy ôtô cho VN
  • Del Vecchio, tỷ phú được mệnh danh “Vua kính Italia”
  • Năm bội thu của các tỷ phú công nghệ
  • Nhà sư doanh nhân và bí mật tài chính
  • Chuyện về “Henry Ford” của Trung Quốc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com