Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Liu Chuanzhi – Huyền thoại của Lenovo

Ông Liu Chuanzhi, chủ tịch hãng máy tính Lenovo.

Khi nền kinh tế Trung Quốc ngày càng có nhiều ảnh hưởng trên toàn cầu, các tập đoàn lớn của nước này bắt đầu mơ về một cuộc chinh phục thị trường quốc tế. Liu Chuanzhi và hãng máy tính Lenovo đã và đang đi đầu trong cuộc chinh phục này.

Lenovo đã trở thành tập đoàn đa quốc gia thực sự đầu tiên của Trung Quốc sau vụ mua lại bộ phận máy tính cá nhân của IBM với giá 1,75 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2005. Người đã mang lại diện mạo mới cho tập đoàn này chính là ông Liu Chuanzhi, Chủ tịch hãng.

Doanh nhân khôn ngoan

Khi thương vụ hoàn tất, ông Liu từ bỏ vị trí chủ tịch và để một nhóm nhà quản lý mới, bao gồm cả người Hoa và người Mỹ, lên nắm quyền. Thương vụ mua lại nói trên hóa ra lại là phần dễ dàng nhất của công việc. Về sau, Lenovo phải đối mặt với những vấn đề về văn hóa quản lý công ty từ vụ sáp nhập, khiến cái giá phải trả khá đắt. Thị phần của Lenovo bị chững lại vì công ty không thích ứng với những xu hướng mới trong lĩnh vực điện toán cá nhân.

Những vấn đề của Lenovo trở thành thách thức chung mà các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đối mặt. Do nhiều quan chức điều hành những công ty này không có đủ kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài, việc biến mong muốn chinh phục thị trường toàn cầu thành hiện thực là một nhiệm vụ không dễ dàng chút nào. James McGregor, nhà tư vấn cấp cao của công ty tư vấn APCO Worldwide ở Bắc Kinh, nhận định: “Việc vươn ra toàn cầu là một vấn đề rất lớn đối với các công ty Trung Quốc”.

Ông Liu, 66 tuổi, muốn chỉnh sửa tất cả vấn đề này. Sau bốn năm đứng bên lề, ông quay trở lại nắm quyền điều hành Lenovo vào năm ngoái, biến nó trở thành một công ty toàn cầu với cơ cấu quản lý mang tính đồng thuận cao theo kiểu Trung Quốc. Chưa hết, ông còn đặt mục tiêu thành lập một tập đoàn công nghiệp trong nước.

Kế hoạch của ông là truyền những kinh nghiệm mà ông tích lũy trong quá trình lập nghiệp cho một thế hệ giám đốc điều hành mới và cải thiện trình độ quản lý doanh nghiệp trong nước. Ông nói: “Trong ba thập kỷ qua, tôi đã có được những hiểu biết sâu sắc về Trung Quốc. Trong tương lai, tiềm năng của đất nước sẽ được thúc đẩy bởi các công ty và người dân. Những gì chúng tôi sẽ làm là giúp cải thiện trình độ quản lý ở cấp cao”.

Đối với lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, ông Liu từ lâu đã được biết đến như là một người khôn ngoan, một doanh nhân ăn nói nhỏ nhẹ nhưng không ngừng thành công trong việc biến Lenovo trở thành công ty thống trị thị trường máy tính cá nhân ở đây.

Kể từ khi được thành lập vào năm 1984, Lenovo đã là một trải nghiệm quản lý khó quên đối với ông Liu, người lèo lái công ty đi qua những thời kỳ không ngừng thay đổi của nền kinh tế Trung Quốc. Khi thị trường máy tính cá nhân Trung Quốc mở cửa cho công ty nước ngoài, ông Liu chấp nhận cạnh tranh mạnh mẽ với họ bằng cách tung ra một loạt máy tính giá rẻ chất lượng cao cho số đông người sử dụng.

Thương vụ bước ngoặt

Ông Liu Chuanzhi, tại một cuộc họp báo ở Hồng Kông vào tháng 5-2010.

Đến năm 2003, ông Liu và nhóm quản lý đi đến một kết luận quan trọng rằng Lenovo sẽ không có tương lai nếu chỉ phục vụ thị trường trong nước, cho dù thị trường này lớn cỡ nào. Vì thế, công ty phải mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài.

Chính tư duy này đã dẫn đến quyết định mua lại bộ phận máy tính cá nhân của IBM. Khi đó, ông Liu đã nhìn nhận một cách khôn ngoan rằng người Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng để tự quản lý một tập đoàn toàn cầu, nên đưa các nhà quản lý kỳ cựu của IBM vào ban lãnh đạo công ty.

Giám đốc điều hành đầu tiên của Lenovo sau vụ mua lại là một người của IBM. Đến cuối năm 2005, một người đến từ hãng Dell, ông William Amelio, lên thay. Cũng vào thời điểm này, ông Liu từ chức Chủ tịch Lenovo (dù ông vẫn còn là một giám đốc) vì cho rằng ông có thể vẫn chưa đủ sức quản lý một hoạt động kinh doanh lớn đến thế.

Không may là những xung đột về văn hóa đã xuất hiện ở những cấp quản lý cao nhất, cản trở nỗ lực chỉnh sửa những thiếu sót lớn của công ty. Thiếu sót lớn nhất đến từ thương vụ mua lại bộ phận máy tính cá nhân của IBM, vốn tập trung vào đối tượng khách hàng là doanh nghiệp lớn.

Để tiếp tục hướng đi này, Lenovo đã bỏ qua những phân khúc đang tăng trưởng nhanh hơn của thị trường máy tính cá nhân là doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng. Vào thời điểm mua lại bộ phận máy tính cá nhân của IBM, Lenovo trở thành nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn thứ ba thế giới nhưng sau đó rơi xuống vị trí thứ tư, chiếm 8,8% thị trường toàn cầu.

Đến cuối năm 2008, Liu bắt đầu đặc biệt lo lắng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tác động đến doanh số máy tính. Khi Lenovo thua lỗ 97 triệu đô-la trong quý 4-2008, ông bắt đầu cân nhắc nghiêm túc đến việc quay lại điều hành công ty. Ông mô tả: “Lenovo khi đó giống như một người đứng bên bờ vực. Lenovo là tất cả cuộc đời tôi. Khi nó bị đe dọa, tôi phải ra mặt bảo vệ nó”. Tháng 2-2009, ông chính thức trở lại vị trí chủ tịch công ty.

Việc chỉnh sửa Lenovo đòi hỏi một cuộc cải cách căn bản. Mối bận tâm lớn nhất của ông Liu là những thay đổi nhanh chóng về văn hóa công ty kể từ sau thương vụ với IBM đã gây tổn hại đến việc quản lý công ty một cách có hiệu quả. Ông tin rằng Lenovo phải quay trở lại cội nguồn của mình. Về bản chất, hệ thống của ông Liu được dựa trên một tiến trình ra quyết định tập thể, trong đó CEO phát triển và thực thi chiến lược cùng với một nhóm quan chức điều hành có sự gắn kết chặt chẽ với nhau.

Hướng đi của ông Liu dường như đã mang lại sức sống mới cho Lenovo, kéo theo đó là những kết quả kinh doanh khả quan. Công ty có lợi nhuận trở lại trong quý 2-2009, đồng thời đẩy mạnh sự thâm nhập vào những thị trường đang phát triển. Doanh số máy tính cá nhân của Lenovo trong quý 1-2010 tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái trong lúc thị trường tăng trưởng 24%.

Sức sống mới của Lenovo còn được thể hiện qua một loạt sáng kiến gần đây. Nhận thấy lĩnh vực máy tính cá nhân và điện thoại di động đang hội tụ ngày càng mạnh, vào tháng 11-2009 Lenovo đã mua lại một công ty sản xuất điện thoại di động mà họ bán đi gần hai năm trước.

Công ty cũng đưa ra một loạt sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về những thiết bị nhỏ gọn hơn, như chiếc máy tính xách tay ThinkPad Edge, mẫu smartbook Skylight, hay IdeaPad U1 Hybrid với màn hình có thể tháo rời ra và đóng vai trò như một chiếc máy tính bảng. Bryan Ma, nhà phân tích của công ty IDC, nhận định: “Dòng sản phẩm cho thấy ít ra Lenovo giờ không còn là một Lenovo bảo thủ và nặng nề của quá khứ nữa”.

(Theo kinhtesaigon // Time)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Bí quyết làm giàu của một tỷ phú Trung Quốc
  • Người đưa Lenovo vượt những ngày sóng gió
  • Alberto Vilar: Dậu đổ bìm leo
  • Tỷ phú Soros: 'Đức có thể phá hủy eurozone'
  • Tỷ phú Sheldon Adelson: Muốn đầu tư vào Việt Nam
  • Tỷ phú Mỹ hiến nửa tài sản để làm từ thiện
  • Bạn là nhà đầu tư hay doanh nhân?
  • Michael Jackson trở thành một biểu tượng thương hiệu như thế nào?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com