Từng là người phiên dịch của Chủ tịch Đặng Tiểu Bình và Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang; là bạn của người từng nhận giải Nobel Vật lý Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo; hiện là Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn máy tính Lenovo, Mã Tuyết Chinh là một trong những nữ doanh nhân thành công nhất Trung Quốc.
Đứng thứ chín trong bảng xếp hạng top 50 nữ doanh nhân thế giới năm 2005 của Forbes không phải là sự khẳng định duy nhất cho thành công của bà Mã. Kể từ năm 2001, đó là lần thứ ba bà xuất hiện trong bảng xếp hạng danh giá của Forbes. Chủ tịch Tập đoàn Lenovo Dương Nguyên Khánh nói về bà thế này: ’’Tôi tin tưởng bà Mã, tôi tin vào sức mạnh của bà ấy và bà ấy là một trong những lý do để Lenovo chính là Lenovo’’.
"Không có Lenovo, không có tôi"
Nói tới việc danh sách xếp hạng của Tạp chí Forbes, Mã Tuyết Chinh khẳng định bà không bao giờ quan tâm quá nhiều tới tiêu đề ’’người phụ nữ quyền lực’’. Bà tâm sự: ’’Khi Tạp chí Forbes xác định 50 nữ doanh nhân hàng đầu thế giới, họ nói dễ dàng đưa ra định nghĩa về ’’sức mạnh’’ nhưng khó đưa ra một định nghĩa chắc chắn về trọng lượng của ’’sức mạnh’’ ấy. Không có Lenovo, không có tôi. Không có tôi nhưng Lenovo vẫn vững vàng mạnh mẽ. Tôi chỉ may mắn vì tôi nắm giữ vị trí này trong Lenovo’’.
Hiện tại, bà Mã là Giám đốc điều hành, Phó Chủ tịch và CFO của Lenovo, là người chịu trách nhiệm tài chính và toàn bộ chiến lược đầu tư của công ty cũng như hoạt động kinh doanh của Lenovo ở Hong Kong. Trong những buổi phỏng vấn, bà Mã thường tránh những câu hỏi riêng tư và hướng cuộc trò chuyện về công ty, những thành tựu của Lenovo.
Mã Tuyết Chinh tốt nghiệp Đại học Thường thức Bắc Kinh năm 1976 và năm 1981 thì sang Anh theo học ngành Văn học Anh. Sau đó, bà công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc. Thời điểm đó, bà là người phiên dịch cho Chủ tịch Đặng Tiểu Bình và ông Hồ Diệu Bang.
Bà gia nhập Lenovo năm 1989, và một năm sau trở thành Trợ lý giám đốc của Lenovo Hong Kong vì khả năng tiếng Anh trôi chảy của mình. Kể từ năm 1997, Mã Tuyết Chinh là Giám đốc điều hành và Phó Chủ tịch công ty.
Năm 2000, bà Mã đã có hàng loạt sáng kiến thành công cho Lenovo, như đầu tư vào Công ty Công nghệ thông tin Yestock, hợp tác với nhà cung cấp viễn thông ở Hong Kong PCCW và lập kế hoạch cho một liên minh với AOL Time Warner (công ty mẹ của nhà xuất bản tạp chí Forbes).
Tên của bà gắn liền với sự thành công của Lenovo khi hãng này chuyển mình từ một doanh nghiệp nhà nước quy mô nhỏ thành một trong những tập đoàn tư nhân danh tiếng nhất của Trung Quốc.
Con đường lãnh đạo
Mặc dù Mã Tuyết Chinh là một trong những nhà quản lý chuyên nghiệp thành công nhất Trung Quốc nhưng bà vẫn có riêng triết lý của mình về công việc. "Tôi làm việc không phải vì tiền như một số nhà quản lý khác, hay coi doanh nghiệp như là cả cuộc sống của mình như một số doanh nhân khác’’.
Trên thực tế, mặc dù bà Mã chưa từng học ngành tài chính, nhưng bà không cảm thấy thua kém so với bất kể CFO chuyên nghiệp nào. Một số người nói đó là vì khả năng nhớ siêu phàm của bà, bà có thể nhớ hầu hết mọi dữ liệu tài chính của Lenovo. Bà tạo ra ấn tượng mạnh với bất kể nơi đâu bà tới và ông chủ của bà, nguyên Chủ tịch Lenovo Liễu Truyền Chí từng nói đùa rằng, ông làm việc cho Mã Tuyết Chinh.
Nói về công việc của mình, bà Mã tự xem bản thân là cây cầu nối giữa Lenovo và thị trường vốn, giữa Lenovo và cộng đồng quốc tế. Nhưng thực tế, bà làm nhiều hơn thế. Mã Tuyết Chinh chịu trách nhiệm tất cả từ tài chính đến chiến lược đầu tư, liên minh với AOL và xây dựng chuẩn mực tài chính quốc tế của Lenovo.
Năm 2004, khi Lenovo mua bộ phận máy tính cá nhân của IBM với giá 1,25 tỉ USD và có tên trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, bà Mã nói: "IBM mang lại cho chúng tôi một thương hiệu nổi tiếng thế giới và những công nghệ hàng đầu thế giới’’.
Ngày nay, Tập đoàn Lenovo, thành lập năm 1984, đã trở thành Tập đoàn thông tin toàn diện quy mô lớn với 19.000 nhân viên. Sau vụ mua bán với IBM, Lenovo trở thành tập đoàn sản xuất máy tính lớn thứ 3 trên thế giới.
Rất nhiều ý vẫn hoài nghi về vai trò quốc tế của Lenovo. Và Mã Tuyết Chinh khẳng định, Lenovo đưa ra mục tiêu tiến vào thị trường quốc tế trong vòng ba năm.
Bà Mã cho rằng, một công ty quốc tế nên có hai đặc điểm chính: Một là các sản phẩm của công ty được bán ở thị trường quốc tế, hai là ban quản lý và các khái niệm quản lý của công ty nên theo chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, 95% sản phẩm của Lenovo được bán ra ở thị trường trong nước, và chỉ có 5% tiêu thụ trên thị trường quốc tế. Bà Mã nhận định, Lenovo cần tiêu chuẩn hóa hệ thống quản lý để tận dụng tiềm năng to lớn của hãng.
Mã Tuyết Chinh đã tuyên bố Lenovo cố gắng giảm khoảng 200 triệu USD chi phí hoạt động trước tháng 3/2006. Bà Mã cho biết: "Chúng tôi đang hướng sự chú ý nhiều hơn vào thị trường mới và thị trường doanh nghiệp vừa và nhỏ vì ở những thị trường này, tỉ lệ lợi nhuận cao không đồng nghĩa với sản phẩm giá cao, công nghệ cao’’.
Tóc ngắn, mang cặp kính mỏng và vận bộ trang phục thanh nhã, Mã Tuyết Chinh đã thể hiện bản thân là một người duyên dáng, xuất chúng nhưng không phô trương, quý phái mà không tự cao. Nhiều người nói, nét đẹp của phụ nữ sẽ mai một khi thành công của họ tăng lên, nhưng Mã Tuyết Chinh là một ngoại lệ.
(Theo Kỳ Thư (Theo Phụ nữ Trung Quốc)// VietNamNet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com