Tỷ phú John Arnold - Ảnh: AP. |
John Arnold đã kiếm được hàng tỷ USD trên sàn giao dịch năng lượng trong năm 2008 nhờ việc luôn tuân thủ quy tắc chơi của riêng mình.
Khi những người khác hoảng loạn, Arnold vẫn rất kiên nhẫn và chờ đợi cho đến thời điểm chín muồi, và phần thưởng cho sự kiên nhẫn là những khoản lợi nhuận cực lớn.
“Hoảng loạn” là từ được mọi người liên tục nhắc đến trước và sau ngày 15/9/2008 - ngày xảy ra vụ sụp đổ của Lehman Brothers. Một năm sau đó, những người đã từng đấu tranh để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính lại cùng nhau ngồi lại để suy ngẫm về những điều đã xảy ra trong một năm trước đó.
“Đầu cơ không phải là xấu”
Luôn đắn đo từng câu chữ trong giao tiếp, John Arnold ngồi tại một chiếc bàn hội nghị trong tòa nhà chính phủ ở Washington D.C vào tháng 8/2009. Arnold vặn vẹo bàn tay và xoay xoay chiếc nhẫn cưới trong lúc chờ được phát biểu. Anh đổ đầy, và lại đổ đầy cốc nước của mình. Sau đó, anh lại hơi run run trước khi lấy lại được bình tĩnh và trình bày một cách lịch sự về những quy tắc cần thiết trong đầu tư. Đây là một hình ảnh công chúng hiếm gặp đối với ông trùm ngành khí đốt ở tuổi 35.
Cũng là lần Arnold phải ra điều trần trong một buổi chất vấn tại Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) về việc liệu có hay không bàn tay của các tay đầu cơ trong việc đẩy giá cả hàng hóa, đặc biệt giá năng lượng, ngoài tầm kiểm soát trong thời gian vừa qua.
Giá cả hàng hóa đã có những biến động đặc biệt trong những năm gần đây - phi thẳng lên trời và sau đó đâm sầm xuống - và các nhà làm luật pháp của chính phủ liên bang đang cân nhắc những thay đổi quy luật để kiểm soát các nhà đầu cơ, những người được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng giá cả xoay vòng đến chóng mặt.
Arnold bảo với mọi người rằng anh ấy chính là một nhà đầu cơ và đấy không phải là điều xấu, nhưng có thể gọi anh ấy bằng tên gọi gì cũng được, không ai có thể kiếm được lợi nhiều hơn Arnold trên sàn giao dịch khí đốt trong những năm gần đây.
Quỹ đầu cơ Centaurus Energy của Arnold, hiện đang quản lý hơn 5 tỷ USD giá trị tài sản, chưa bao giờ kiếm được lợi nhuận ít hơn 50% trong 7 năm kinh doanh vừa qua. Sự giàu có của Arnold phần lớn có được từ quỹ này, nhờ đó, anh trở thành tỷ phú tự lập trẻ thứ hai ở Mỹ, sau Mark Zuckerberg của Facebook.
Arnold có trí tuệ của một nhà kinh tế, kinh nghiệm của một doanh nhân đã nhiều năm lăn lộn trên thương trường của ngành năng lượng, và hơn hết, anh có một lòng dạ sắt đá của một tay cờ bạc không biết đến chiến bại. Có lẽ, đáng chú ý nhất, chính là năng lực đột phá của Arnold trong việc kiếm được lợi nhuận từ những tình cảnh thảm họa nhất.
Arnold bắt đầu sự nghiệp đầu cơ trên thị trường năng lượng từ năm 20 tuổi tại quỹ Enron và rời khỏi nơi này không chỉ với danh tiếng lừng lẫy mà còn cả một số tiền thưởng cực lớn. Từ số vốn đầu tiên này, John Arnold đã thành lập quỹ của riêng mình.
Một vài năm sau, Arnold kiếm được 1 tỷ USD với việc đặt cược rằng giá khí đốt sẽ sụt giảm trong khi thiên tài đầu cơ tại quỹ Amaranth lại hành động theo hướng ngược lại. Gần đây, khi bong bóng hàng hóa bùng nổ năm 2008, cùng với các giám đốc quỹ khác nhìn thấy sự lụi tàn từ trước và nhờ đó, một lần nữa Arnold giúp số vốn của ông được nhân lên gấp đôi.
“Cậu ấy giống như một phù thủy trong trò chơi tú-lơ-khơ, có thể nhìn thấy được lá bài của những người khác”, bình luận của một môi giới từng biết Arnold từ những ngày ở Enron.
Arnold nói rằng, tôi đang cố gắng mua nhiều thứ bất cứ khi nào chúng được giao dịch dưới mức giá hợp lý theo phân tích của chúng tôi, và bán hàng khi nhìn nhận rằng đường cong kỳ hạn đang ở mức cao hơn ngưỡng giá hợp lý. Trong những ngày đầu làm việc tại Enron, Arnold đã làm nên tên tuổi nhờ việc mua các hợp đồng khí đốt ở một vùng này và bán cho vùng khác để lấy chênh lệch khá lớn vì khí đốt không dễ vận chuyển giữa 2 khu vực này.
Ban đầu, Arnold chỉ tham gia các hợp đồng mua bán khí đốt vật chất. Nhưng sau đó, Đạo luật Hiện đại hóa Hàng hóa Tương lai (Commodity Futures Modernization Act), được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2000, đã cho phép các hợp đồng khí đốt được trao đổi với số lượng lớn, tạo ra cơn sốt trong giao dịch khí đốt qua bảng điện tử. Kinh nghiệm giao dịch buổi đầu của Arnold, vốn cho phép anh nhìn thấu nhu cầu của khách hàng trên khắp đất nước, đã cho anh một lợi thế khi việc giao dịch hàng hóa ảo được Quốc hội Mỹ bật đèn xanh.
Kết hợp sự hiểu biết ấy với các bước đi táo bạo, Arnold đã giúp Centaurus kiếm lợi từ giao dịch khổng lồ. “Arnold chỉ thực hiện 1-2 vụ giao dịch mỗi năm. Nhưng mỗi lần đánh cược, anh ta đánh rất lớn và số tiền kiếm được sau mỗi lần là cả một gia tài”, một người thân cận với quỹ Centaurus tiết lộ. Đó là một chiến lược cực lớn nhưng cũng là một chiến lược mạo hiểm.
Arnold có thể đánh cược lớn theo ý mình mà không vấp phải sự cản trở nào là vì Centaurus đã “đóng cửa” đối với các nhà đầu tư mới kể từ năm 2005. Arnold đã trả lại tiền cho hầu hết nhà đầu tư và hiện chỉ sử dụng vốn của anh và nhân viên để tham gia trên thị trường.
Tìm phúc trong họa
Các tay “thợ săn” cũng đã quá quen với phong cách của Arnold cũng thừa nhận anh có phong thái điềm tĩnh và tính kỷ luật cao. Chính điều này đã giúp anh không bị lệch hướng khỏi mục tiêu khi hầu như cả thị trường đều đi theo hướng ngược lại so với dự đoán của anh.
Điều này có thể thấy rõ qua thảm họa của Amaranth, quỹ đầu cơ năng lượng 9 tỉ USD tại Greenwich, bang Connecticut. Theo báo cáo của Thượng Nghị viện Mỹ năm 2006, Amaranth đánh cược rằng giá khí đốt sẽ tăng cao vào mùa đông.
Nhưng khi mùa đông dần trôi qua, các nhà khí tượng học bắt đầu dự đoán rằng, mùa đông sẽ không quá khắc nghiệt như đã dự đoán ban đầu và giá khí đốt bắt đầu đi xuống. Trader “thiên tài” Brian Hunter của Amaranth đã phải chi tới 3 tỉ USD vào thời điểm đó do thua lỗ trong các hợp đồng swap.
Trước đó, Arnold đã thực hiện các hợp đồng khí đốt mà sẽ mang lại lợi nhuận lớn nếu giá giảm hơn nữa và anh đã đúng. Trong khi những trader khác hoảng loạn, Arnold vẫn bình tĩnh và kiên nhẫn, chờ đến thời điểm chín muồi và sau đó chớp cơ hội thu lời. Centaurus đã tạo ra tỉ suất lợi nhuận 200% vào mùa thu năm đó, trong khi Amaranth bị buộc phải thanh lý tài sản để trả nợ.
Centaurus đã kiếm được gần 1 tỉ USD vào mùa thu năm đó, đẩy tỉ suất lợi nhuận cả năm 2006 của Quỹ lên tới 317%, trong khi một quỹ đầu cơ khí đốt kỳ cựu khác là MotherRock cũng thua trong canh bạc này. Thắng lợi của Centarus gắn liền với khả năng tính toán và tài năng kinh doanh của Arnold.
Giao dịch hàng hóa không phải là một ngành chuyên môn mà nhiều học sinh từng nghĩ đến. Nhưng từ những ngày còn học đại học, Arnold đã thể hiện năng khiếu về các con số và những bài tính phức tạp, đó là những yếu tố cần thiết để trở thành một môi giới hàng hóa tài năng.
Những giáo sư tại đại học Vanderbilt đều nhớ đến Arnold với tài năng thiên bẩm về tư duy kinh tế. Ngay khi theo học tại Đại học Vanderbilt (Mỹ), Arnold đã hứng thú với các con số và phép tính phức tạp. Các giáo sư tại đây không thể quên cậu sinh viên có bộ óc nhạy bén về kinh tế học. Arnold không chỉ nắm bắt rất nhanh các khái niệm kinh tế mà còn có thể tính nhẩm nhanh các bài toán phức tạp.
“Chúng tôi không hề ngạc nhiên khi cậu ấy (Arnold) bắt đầu kiếm được tiền tỉ”, Giáo sư Stephen Buckles, tại Vanderbilt cho biết. Sau khi tốt nghiệp, Arnold về làm việc tại Tập đoàn Năng lượng Enron (Mỹ). Tại đây, dưới sự dẫn dắt của các trader lão luyện, Arnold đã thực sự thăng hoa, trở thành một ngôi sao vào cuối những năm 1990. Khi làm tại bộ phận giao dịch khí đốt của Enron, Arnold đã thu về cho Enron 750 triệu USD lợi nhuận năm 2001. Và năm đó, anh đã được thưởng 8 triệu USD, mức thưởng cao nhất dành cho một nhân viên.
Sau khi vụ bê bối kế toán nhấn chìm cả Tập đoàn, Ngân hàng UBS đã thâu tóm dàn trader của Enron và có nhã ý tặng Arnold 8 triệu USD tiền thưởng để anh ở lại. Nhưng anh vẫn quyết định ra đi và thành lập quỹ Centaurus khi mới 28 tuổi. Nhờ sự hứng thú của nhà đầu tư đối với các quỹ đầu cơ và hàng hóa tương lai, cùng với tiếng tăm của Arnold, Centaurus bắt đầu đi vào quỹ đạo và từng bước trở thành một trong những quỹ đầu cơ năng lượng có máu mặt trên thị trường.
Có 2 loại hàng hóa tương lai trong lĩnh vực khí đốt: hàng hóa vật chất (nhà đầu tư ký hợp đồng mua hoặc bán khí đốt được giao vào một ngày nhất định trong tương lai) và hàng hóa ảo (không có một thùng khí đốt nào trao tay). Hình thức sau được gọi là “swap” (hợp đồng hoán đổi), một cách hoán đổi rủi ro trước biến động giá năng lượng.
Nếu một nhà sản xuất khí đốt như Chesapeake Energy (Mỹ) lo ngại giá sẽ giảm xuống dưới một mức nào đó, Hãng có thể thực hiện giao dịch với một quỹ đầu cơ như Centaurus. Theo đó, Centaurus sẽ phải trả một khoản tiền đã thỏa thuận nếu giá giảm. Nhưng nếu giá tăng thì Chesapeake sẽ phải trả phần tiền đó.
Một trong những vụ swap nổi bật của Arnold là vào năm 2005. Vài tháng trước khi vào mùa bão, Centaurus đã ký hợp đồng swap với Tập đoàn Dầu khí BP (Anh). BP lo ngại, giá có thể sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, các nhà khí tượng học của Centaurus lại dự đoán sẽ có một mùa mưa bão rất khắc nghiệt, có thể sẽ đẩy giá khí đốt lên cao.
Theo hợp đồng giữa BP và Centaurus, Centaurus đồng ý trả cho BP một khoản tiền nếu giá giảm mạnh và ngược lại nếu giá tăng. Khi các cơn bão Rita và Katrina tàn phá vùng duyên hải Gulf Coast của Mỹ, giá khí đốt đã tăng vọt và Centaurus bỏ túi 3 triệu USD.
Hiện nay, Arnold phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của mình. Nguyên tắc kiếm tiền của Arnold là dựa vào khả năng đặt cược vào những canh bạc khổng lồ. Nhưng CFTC cho biết sẽ áp đặt hạn mức giao dịch đối với các trader lớn nhất trong ngành. Điều này, theo giới quan sát, có thể sẽ là cú “hồi mã thương” đối với trader siêu hạng này.
Tại buổi điều trần vừa qua, Arnold đã nói: “Nếu quy định mới có hiệu lực, sẽ có tác động tiêu cực lên thị trường”. Xét với tính cách của Arnold, đây được xem là một câu phát ngôn trước công chúng khá bạo dạn của anh.
Tuy nhiên, Arnold không hề phản đối những quy định mới mà chỉ đang thích ứng với chúng bằng cách đầu tư vào các kho dự trữ khí đốt lớn, nhằm trở thành một nhà trung gian chủ chốt trong ngành năng lượng. Lượng cung dư thừa, cùng với sức cầu yếu đã khiến giá khí đốt rớt xuống mức đáy. Và Arnold đã nhanh tay mua vào và đặt cược rằng giá khí đốt sẽ tăng cao khi nhu cầu phục hồi trở lại.
Ngay từ năm 2006, Arnold đã thành lập NGS Energy, sở hữu rất nhiều kho dự trữ khí đốt có quy mô cỡ một con tàu chiến. “Đây là sự đặt cược vào nhu cầu năng lượng trong tương lai của thị trường”, Laura Luce, cựu đồng nghiệp của Arnold tại Enron, đang điều hành NGS Energy, cho biết.
Dĩ nhiên, Luce là người phát ngôn trước công chúng, còn Arnold thì khó có thể bị coi là một tay đầu cơ. Vẫn như kiểu làm cũ, Arnold tiếp tục đứng sau hậu trường và nghĩ cách kiếm lời từ cuộc khủng hoảng năng lượng sắp tới của thế giới.
(Theo Mai Khanh // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com