Từ một nhà nghiên cứu khoa học, trở thành một thầy giáo, một doanh nhân để rồi lại đào tạo nên những nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, TS Trần Hành – Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng không chỉ được biết đến với vai trò là một người thầy mà còn là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực kinh doanh tri thức.
Sau 11 năm thành lập, cái tên Đại học Lạc Hồng đã trở thành một thương hiệu uy tín về chất lượng đào tạo, là bệ phóng của rất nhiều lớp sinh viên thành đạt.
Bình dân và mộc mạc, từ tốn và khiêm nhường là phong cách của Tiến sĩ Trần Hành. Đối diện với ông, nhiều người ngạc nhiên vì sự bình dị của một Nhà giáo ưu tú, một nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng và một doanh nhân thành đạt. Cũng chỉ quần tây, áo sơmi, dép xăng đan, ông có thể hòa lẫn vào các giảng viên và rất gần gũi với sinh viên. Đối với hơn 300 CBGV trường Lạc Hồng, ông là một người thấy lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo làm thầy và là một “ông chủ” rất quan tâm đến đời sống của nhân viên. Đối với hơn 13 ngàn sinh viên Lạc Hồng, ông là một người thầy nghiêm khắc nhưng cũng thật đáng kính và thương học trò. Đối với xã hội, ông là một nhà giáo, một doanh nhân có cách làm sáng tạo, thiết thực trong phương pháp đào tạo sinh viên, tổ chức hoạt động của trường từ đó đã cung ứng cho xã hội một nguồn nhân lực chất lượng cao. Suốt nhiều năm qua, tỷ lệ sinh viên ra trường của Đại học Lạc Hồng có việc làm đạt 98%. Đó là một con số mà nhiều địa chỉ đào tạo nhân lực đang mơ ước nhưng để đạt được cần có một hướng đi đúng và cần rất nhiều nỗ lực, sáng tạo.
Hướng về giá trị thực
11 năm trước, ngay khi bắt tay vào thành lập trường, thầy Hành cùng một số bạn bè tâm huyết với đề án thành lập Trường ĐH Dân lập Lạc Hồng đã tâm niệm một điều: “Nếu chỉ mở trường đào tạo để cấp bằng cho sinh viên thì sự sống còn của nhà trường sẽ bị đe dọa. Điều cần phải làm bằng được chính là tạo được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Vì thế, chất lượng đào tạo được đặt lên vị trí số 1 trong suốt quá trình phát triển của trường”. Suốt nhiều năm qua, những suy nghĩ đó đã được hiện thực hóa sinh động bằng việc tiên phong đổi mới chương trình đào tạo, lấy sinh viên làm trung tâm trong phương pháp giảng dạy, thực hiện tiêu chí 4 thật: “dạy thật, học thật, thi thật và làm thật”. Ông là một người tôn thờ gía trị thực. Vì thế tay nghề, năng lực của sinh viên sau khi ra trường có đáp ứng được nhu cầu công việc tại các DN hay không là một điều ông luôn trăn trở và không ngừng nỗ lực vì điều đó.
Một trong những yếu tố mang lại sự thành công nổi trội của ĐH Lạc Hồng trong những năm qua chính là việc nhà trường gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn của xã hội và DN. Đến từng DN để tìm hiểu nhu cầu của DN, đối thoại với DN để tìm hiểu tiêu chuẩn tuyển dụng của DN, đưa trường học đến gần khu chế xuất, liên kết đào tạo với DN, tổ chức các diễn đàn về cơ hội thực tập và cơ hội nghề nghiệp để SV và DN gặp nhau… là những hoạt động thường xuyên diễn ra tại trường ĐH này.
Ông cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với DN trong và ngoài nước về vấn đề đào tạo và sử dụng nhân lực. Kết quả là hiện có hơn 80 DN trong nước và DN FDI luôn mở rộng cửa đón SV Lạc Hồng đến thực tập. Nhiều sinh viên khi được đưa về thực tập tại các DN đã chứng tỏ được năng lực vượt trội của mình và được “đặt chỗ” trước sau khi ra trường. Nhiều DN đã tìm đến tận trường để “đặt hàng” ngay từ khi sinh viên chưa tốt nghiệp. Câu chuyện SV Lạc Hồng được hưởng lương ngay trong thời gian thực tập đã trở thành một hiện tượng trong những năm qua.
Ngay từ năm thứ 3, tất cả sinh viên đều được Lạc Hồng giới thiệu đến thực tập tại các nhà máy và điều đáng kể là sinh viên của ông được các DN trả lương như một công nhân thực thụ với mức thu nhập cao nhất là 500 USD/tháng. Nhiều DN như Fujitsu, Vedan, Pouchen, Tân Bửu Long… đã dành kinh phí để cấp học bổng hàng năm cho SV nghèo học giỏi của trường, một số DN khác thì hỗ trợ máy móc, thiết bị để thầy trò Lạc Hồng giảng dạy, thực tập.
Trong 11 năm qua, nhiều lớp sinh viên tốt nghiệp của trường ĐH Lạc Hồng đã trưởng thành và khẳng định được bản lĩnh của một cử nhân được đào tạo bài bản, khoa học. Nhiều người hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng tại các DN của địa phương và các khu vực lân cận. |
Có thể nói, sinh viên có cơ hội thể hiện bản lĩnh và Lạc Hồng khẳng định được uy tín đối với các DN trong và ngoài nước trước hết là nhờ vào sự năng động của thầy hiệu trưởng. Ông đã dành nhiều tâm huyết của một người thầy, một doanh nhân để thực hiện cam kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếng lành đồn xa, ĐH Dân lập Lạc Hồng đã được không ít Cty, xí nghiệp ký kết hợp đồng đào tạo và liên kết đào tạo nhân lực. Nhiều hợp đồng liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài cũng đã được ký kết. Nhiều lượt sinh viên Lạc Hồng đã được gửi đi đào tạo giai đoạn II ở Mỹ, Anh, Malaysia, Singapore, Đài Loan và nhận bằng tốt nghiệp do trường bạn cấp… Sau tất cả những dòng chảy sự kiện đó, chất lượng sinh viên đã được nâng cao lên rất nhiều, uy tín của Trường Lạc Hồng cứ ngày một lan tỏa và niềm tin của xã hội vào một mô hình đào tạo hiện đại, thiết thực đã ngày một nhân lên.
Đánh thức khả năng tiềm ẩn
Tất cả những ai đã từng đến dự một buổi báo cáo nghiên cứu khoa học của các sinh viên Lạc Hồng đều không giấu được sự ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến sự sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học của sinh viên. Sự hoài nghi về chất lượng sinh viên của một trường dân lập bị đánh đổ nhanh chóng bởi những thành quả trong nghiên cứu khoa học của các sinh viên còn nhiều hơn cả sự mong đợi của các thầy cô trong trường. Người vui nhất là Tiến sĩ Trần Hành. Mang niềm hạnh phúc của một người trồng cây đã đến ngày thu hoạch, ông chia sẻ: “Chúng tôi coi quá trình đào tạo quan trọng hơn đầu vào. Mỗi con người đều có một tiềm năng. Một khi tiềm năng ấy được phát hiện, chú ý và khích lệ thì con người sẽ phát triển rất tốt. Và nghiên cứu khoa học là một cách để mỗi SV và cả giáo viên của trường bộc lộ và phát huy tiềm năng ấy”. Vậy là ngay từ những năm đầu thành lập, nghiên cứu khoa học được coi là một phương pháp nâng cao chất lượng đào tạo của trường Lạc Hồng. Chính ông là người đi đầu trong việc khởi xướng và thổi tinh thần say mê nghiên cứu khoa học vào khát vọng lập thân, lập nghiệp của từng giảng viên, SV. Chính ông cũng là chủ nhiệm của rất nhiều đề tài khoa học lớn, trong đó robot lau kiếng nhà cao tầng là một trong những đề tài gây tiếng vang, tạo hiệu ứng rất tốt đối với thầy và trò trong trường.
Đội Robocon Đại học Lạc Hồng dự thi Robocon 2008 |
Việc ông quyết định đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu khoa học của trường đã thực sự có hiệu quả. Từ năm 2003 – 2008, Trường tổ chức được 10 hội nghị NCKH của SV với hơn 500 đề tài và 5 hội nghị NCKH của giáo viên với hơn 120 đề tài. Điều đáng nói hơn là tính ứng dụng của các đề tài rất cao. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên được UBND tỉnh Đồng Nai cấp kinh phí, nhiều công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên và giáo viên của trường được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Trường Lạc Hồng cũng đã chuyển giao nhiều sản phẩm công nghệ cho các đơn vị, DN với tổng giá trị hợp đồng ký kết là gần 14 tỷ đồng.
Tiến sĩ Trần Hành đã đưa ĐH Lạc Hồng đến với niềm tự hào của một mái trường giàu truyền thống và thành quả trong công tác nghiên cứu khoa học, đưa Lạc Hồng vượt lên định kiến về chất lượng đào tạo của một trường dân lập và giúp sinh viên của một trường dân lập vươn cao, tỏa sáng và khẳng định tài năng. Cái tên ĐH Lạc Hồng đã nhiều lần được vinh danh trong những cuộc thi trí tuệ: Robocon, Sinh viên khởi nghiệp hay Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh… Sự đột phá của thầy trò Lạc Hồng đã thực sự lột xác cho cái tên ĐH dân lập và có lẽ, giấc mơ đưa Lạc Hồng đứng vào topten các trường ĐH hàng đầu trong cả nước của Tiến sĩ Trần Hành sẽ không cần đợi đến 10 năm nữa mới trở thành hiện thực.
Thương miền đất Quảng
Ngày xưa, đất Quảng có một cậu học trò nghèo nhưng hiếu học, lớn lên bằng giấc mơ trở thành nhà khoa học. Ngày nay, một nhà khoa học thành đạt vẫn hay về quê Quảng để nâng đỡ những học trò nghèo và góp phần đưa quê hương giàu mạnh. Đó là hai phần của câu chuyện về cuộc đời Tiến sĩ Trần Hành. Mỗi lần trở về là mỗi lần ông thắp lên những niềm hi vọng. Khi thì ông mang về quê những suất học bổng, có lần ông lại mang về tặng quê hương hệ thống thiết bị và các phần mềm công nghệ thông tin. Lần trở về gần đây nhất ông đã trao học bổng cấp THPT cho học sinh ở Quảng Trị và nhận đỡ đầu cho 35 học sinh có hoàn cảnh khó khăn học đến hết bậc đại học. Đồng thời tìm hiểu giúp tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài thư viện điện tử được trao cho Trường chuyên Lê Quý Đôn và Sở KHCN Quảng Trị, ông đã lắp đặt cho Sở KHCN một văn phòng điện tử và sắp tới là giúp Sở GD - ĐT ứng dụng các phần mềm quản lý một cách đồng bộ... Ông cũng thăm lại Trường THPT Gio Linh, nơi ông từng học để tìm cách giúp đỡ học trò nơi đây, đồng thời gấp gáp thực hiện thật nhiều chương trình từ thiện với nhiều tỷ đồng để chắp cánh cho học sinh nghèo Quảng Trị như sợ rằng các em sẽ thiệt thòi hơn nếu phải đợi thêm một ngày…
Ông đã tâm sự : “Về Quảng Trị, tôi muốn tìm mọi cách để giúp các em có điều kiện vươn lên trong học tập, công tác. Sau này, ghi nhớ tình cảm của những người đi trước đã giúp đỡ mình, bản thân họ cũng sẽ suy nghĩ nối tiếp những công việc giúp đỡ, tiếp sức, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh nhà”. Và lần nào ông cũng mang đến học trò đất Quảng một lời nhắn nhủ mà chính ông cũng luôn gìn giữ bên mình: “Để thành công, không chỉ có ý chí, quyết tâm là đủ mà cần cả sự kiên trì, khiêm tốn. Khiêm tốn để học hỏi, để đoàn kết, sáng tạo và không bao giờ tự mãn với chính mình”.
(Theo báo điện tử Diễn đoàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com