Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Mundell: Kinh tế Mỹ sẽ chuyển biến trước tiên

GS Robert A. Mundell, chủ nhân giải Nobel kinh tế 1999, nhận định kinh tế Mỹ sẽ ra khỏi cảnh suy thoái vào nửa đầu năm 2009 và cho dù khủng hoảng kinh tế nổ ra tại Mỹ, áp lực mất giá đồng USD rất lớn, song tín dụng quốc gia của Mỹ vẫn rất mạnh, khó đồng tiền nào có thể thách thức địa vị của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu.
 
Những nhận định trên được ông đưa ra tại diễn đàn cấp cao các doanh nhân tại TP Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, mới đây. Nội dung bài nói chuyện của ông tập trung vào mấy nội dung như sau:
 
Kinh tế Mỹ sẽ có chuyển biến trước tiên
 
GS Mundell cho rằng kinh tế Mỹ sẽ ra khỏi cảnh suy thoái vào nửa đầu năm 2009. Đến quý III hoặc IV, kinh tế EU sẽ bắt đầu phục hồi. Riêng Nhật Bản, do trong suốt 15 năm qua, kinh tế tăng trưởng đều chậm nên trong cuộc khủng hoảng tài chính lần này, sự suy thoái của kinh tế Nhật Bản không rõ ràng lắm; cũng vì biên độ suy thoái không lớn nên tốc độ phục hồi kinh tế Nhật Bản sẽ không nhanh.
 
GS Robert Mundell trước đây từng tham gia thiết kế thành công đồng Euro và được vinh dự gọi là “Cha đẻ đồng Euro”, thế nhưng hiện nay dưới sức ép đồng USD liên tục sụt giá, ông lại lớn tiếng kêu gọi xây dựng lại hệ thống tiền tệ quốc tế lấy đồng USD làm trung tâm.
 
Mundell cho rằng sự ổn định hối suất toàn cầu là tiền đề phục hồi trật tự của thị trường tài chính toàn cầu, cho dù khủng hoảng kinh tế nổ ra tại Mỹ, áp lực mất giá đồng USD rất lớn song tín dụng quốc gia của Mỹ vẫn rất lớn mạnh, bất kể đồng Euro của EU, đồng Yên Nhật Bản hay đồng Nhân Dân Tệ (tiếng Anh là CNY) của Trung Quốc đều khó có thể thách thức địa vị của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu.
 
Mundell cho rằng việc tái thiết hệ thống tiền tệ quốc tế có thể tiến hành theo hai bước: trước hết là liên kết đồng CNY với đồng USD, sau đó liên kết đồng Euro với đồng USD. Mundell còn hy vọng đồng CNY và đồng Yên Nhật lập liên minh với nhau. Thậm chí ông đề xuất phương án xây dựng liên minh tiền tệ đa phương quốc tế.
 
Tất cả các phương án đó đều có mục đích cuối cùng là xây dựng một hệ thống tiền tệ quốc tế lấy đồng USD làm trung tâm, tương tự hệ thống Tỷ giá hối đoái Bretton Woods do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thành lập năm 1944.
 
Có chuyên gia cho rằng hiện nay nền kinh tế Mỹ đã không còn đủ sức duy trì được địa vị trước đây của đồng USD, nhưng Mundell nói nước Mỹ giờ đây vẫn có nền kinh tế lớn nhất thế giới; kinh tế Trung Quốc tuy 20 năm nay giữ tốc độ tăng trưởng trên 10% song ước tính phải tới năm 2040 thì GDP Trung Quốc mới gần bằng GDP Mỹ.
 
Phát phiếu mua hàng cho toàn dân để kích cầu
 
Đầu năm nay, giới đầu tư nước ngoài với đại diện là ngân hàng đầu tư Goldman Sachs từng bàn luận nhiều về triển vọng GDP Trung Quốc năm 2009 rõ ràng sẽ tăng trưởng chậm lại, chỉ còn 6%. Riêng GS Mundell cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2009 sẽ không giảm nhiều như vậy, nhưng đúng là Trung Quốc sẽ có khoảng hai năm tăng trưởng chậm.
 
Ngoài ra thị trường nhà đất Trung Quốc sẽ cần thời gian điều chỉnh khoảng 1,5 năm; hiện nay giá nhà đất Trung Quốc quá cao, nhu cầu nhà đất nhất là nhà đất thương mại đang sụt giảm mạnh, lợi nhuận ngành này tụt dốc nhanh chóng kéo theo tốc độ thi công các công trình mới chậm lại. Tình trạng ảm đạm của ngành bất động sản kéo dài ít nhất tới nửa cuối năm 2010.
 
GS Mundell có cách đánh giá về kế hoạch kích thích kinh tế 4.000 tỷ CNY của chính phủ Trung Quốc như sau: “Nếu Trung Quốc chỉ tập trung nền kinh tế vào các dự án công cộng như bệnh viện, chăm sóc sức khỏe, xây dựng cơ bản, thì biện pháp kích thích kinh tế đó sẽ không thể giúp Trung Quốc tránh khỏi suy thoái kinh tế. Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa.”
 
GS Robert Mundell đề xuất: Để kích thích nhu cầu trong nước nhằm kéo theo tăng trưởng kinh tế, chính phủ Trung Quốc có thể phát cho dân chúng phiếu mua hàng tổng trị giá 1000 tỷ CNY.
 
“So với GDP một năm của Trung Quốc thì 1000 tỷ CNY rất nhỏ, do đó có tác dụng kích thích không lớn.” GDP Trung Quốc hiện nay là 28.000 tỷ CNY, nghĩa là của 1.000 tỷ CNY chỉ có 3,5%.
 
Bởi vậy GS Mundell kiến nghị phiếu mua hàng chỉ nên có giá trị hữu hiệu trong ba tháng, như thế so với GDP một quý thì tỷ lệ nhu cầu hữu hiệu sẽ tăng lên 14,28%. Giả thiết sự kích thích tiêu dùng của 1.000 tỷ CNY này chưa đạt được hiệu quả mong đợi thì có thể thực thi thêm một quý nữa.
 
GS Mundell cho rằng các nước Âu - Mỹ đang e ngại cách phát phiếu mua hàng sẽ làm cho niềm tin tiêu dùng của dân chúng dao động. Nếu Trung Quốc có thể thực thi thành công việc này thì họ sẽ trở thành tấm gương cho các nước khác nhìn vào.
 
Giảm mạnh thuế doanh nghiệp
 
Trong tình hình khủng hoảng tài chính, các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc năm 2009 sẽ “ngủ đông”, “bơi đông” hay “đi săn mùa đông” đây? GS Mundell nói, trong tương lai, Trung Quốc sẽ không có nỗi lo lạm phát, mà nguy cơ thiểu phát sẽ hiện rõ hơn. Ông không tán thành việc trong năm nay chính phủ Trung Quốc tăng thêm 500 tỷ USD tài sản ngoại tệ (chủ yếu là công trái chính phủ Mỹ), mà cho rằng nên dùng số tiền đó cho nền kinh tế thực thể trong nước.
 
Mundell cũng có ý kiến bất đồng với chính sách mới về thuế công ty của Trung Quốc đề ra năm ngoái sau khi cải cách chế độ thuế. Ông nói biện pháp thực hiện thuế suất bình đẳng đối với tất cả các doanh nghiệp là đúng, nhưng việc thống nhất thuế suất công ty bằng 25% đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài thì vẫn là cao, sẽ làm suy yếu sức cạnh tranh quốc tế của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
 
Nếu muốn kích thích tăng trưởng xuất khẩu thì biện pháp đúng đắn là hạ thấp mức thuế suất thống nhất. Ông nhắc lại tấm gương nước Đức áp dụng chính sách giảm thuế khi nền kinh tế suy thoái hồi thế kỷ XX - thời gian ấy Đức dẫn đầu châu Âu hạ thuế suất công ty từ 38,7% xuống còn 15%, qua đó nhanh chóng vực nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.
 
GS Mundell cho rằng Trung Quốc và Mỹ nên cố gắng nhanh chóng hạ thuế suất thuế công ty từ mức 35% xuống còn 15%. Ông còn nói, Trung Quốc có thu nhập tài chính dồi dào, khi cần thiết còn có thể áp dụng các biện pháp cấp tiến hơn. “Người ta thường xuyên tranh luận về việc thu thuế công ty. Phải chăng nhất thiết phải thu thuế công ty? Tôi nghi ngờ tính hợp lý của loại thuế này,” Robert Mundell nói.
 

(Theo nhân dân)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • “Nữ hoàng” game điện thoại di động
  • Học cách thành đạt từ hai người phụ nữ thành đạt
  • Sukanto Tanoto, người giàu nhất Indonesia
  • Chuyện làm giàu của những tỷ phú "chân đất"
  • Mẹo kinh doanh của ông chủ KFC
  • Người thầy doanh nhân
  • Khalaf Al Habtoor, tỷ phú hàng đầu của UAE
  • Thành công trong bán lẻ là ứng xử trong bán hàng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com