Sardinien là một hòn đảo tuyệt đẹp, song là một vùng kinh tế rất kém phát triển của Italia. Thế nhưng một trong hai người giàu nhất nước Italia hiện nay lại là một người con của xứ đảo này.
Đó là Renato Soru, ông chủ của tập đoàn Internet Tiscali nổi tiếng với trụ sở chính đặt tại Caglliari, thủ phủ của Sardinien. Chỉ trong vòng chưa đến 5 năm kể từ khi thành lập, Renato Soru đã đưa tập đoàn Tiscali trở thành tập đoàn lớn thứ hai ở châu Âu trong lĩnh vực kinh doanh viễn thông và Internet. Doanh số và lợi nhuận của Tiscali tăng vùn vụt qua các năm. Và tiền cũng vào túi của ông chủ Renato Soru nhiều hơn, đưa ông vào danh sách những tỉ phú lớn nhất của châu Âu.
Với hơn 2,5 triệu khách hàng dài hạn, tập đoàn Tiscali của Renato Soru chiếm lĩnh thị phần nhiều nhất ở Italia trong lĩnh vưc viễn thông và Internet. Trên thị trường, Tiscali được biết đến với thương hiệu chính là TiscaliNet. Không chỉ kinh doanh tại quê nhà, Tiscali đang có quyết tâm trở thành một nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu tại châu Âu. Tập đoàn Tiscali đã có mặt tại 15 nước châu Âu và có trên 8 triệu khách hàng. Sau 5 năm thành lập, doanh thu của Tiscali đã vượt qua ngưỡng 1 tỉ Euro trước sự bất ngờ của không ít người.
Với kết quả kinh doanh rất cao và tốc độ tăng trưởng đến chóng mặt, Tiscali là một hiện tượng có một không hai làm sôi động thị trường giao dịch chứng khoán tại Milano. Đã lâu rồi chưa có một cổ phiếu nào lại có sức hấp dẫn và thu hút mạnh như cổ phiếu của Tiscalie. Các nhà đầu tư nhỏ cũng như lớn đua nhau mua cổ phiếu Tiscali của Renato Soru.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tập đoàn Tiscali đã đứng đầu các công ty và tập đoàn tại Italia về mặt thu hút vốn từ trên thị trường chứng khoán. Với tổng số vốn huy động được là trên 15 tỉ Euro, Tiscali đã vượt qua cả tập đoàn công nghiệp FIAT của dòng họ Agnelli danh tiếng với hơn 100 năm truyền thống.
Nhanh nhạy đón bắt thời cơ
Renato Soru năm nay 47 tuổi. Cách đây hơn 20 năm, khi còn là sinh viên kinh tế tại Học viện Bocconi nổi tiếng ở thành phố Milano, Renato Soru đã sớm nhảy vào thương trường. Khi đó Renato Soru mở một siêu thị bán lẻ ngay tại Sardinien. Vừa đi học, Renato Soru vừa quản lý kinh doanh. Chẳng mấy chốc, chàng sinh viên ham kinh doanh đã là ông chủ của cả vài siêu thị mini như vậy. Vì thế ông đã là người khá sành sỏi về kinh doanh khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân kinh tế.
Ham làm giàu nhưng Renato Soru cũng lại rất ham tìm hiểu các hoạt động kinh doanh đầu tư lớn. Vì vậy, ông chuyển sang làm môi giới chứng khoán cho tập đoàn ngân hàng tài chính CBI Merchant. Sau 5 năm, năm 1995, Renato Soru quyết định tham gia đầu tư vào một công ty công nghệ tin học tại Séc. Đó là Công ty Czech Online, sau này trở thành số 1 của Séc trong lĩnh vực Internet. Renato Soru có dịp tìm hiểu kỹ về công nghệ, thị trường và tiềm năng của Internet từ đó.
Tiscali được Renato Soru thành lập năm 1997 với một số tiền vốn ban đầu rất ít ỏi, như Renato Soru vẫn tự hào kể lại. Vào thời điểm đó, Internet đã bắt đầu bùng nổ ở thị trường Mỹ, rồi sau đó là châu Âu. Đa phần các tập đoàn tin học và viễn thông lớn ở châu Âu lúc này đều còn là các công ty Nhà nước, hoặc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Renato Soru lúc đó là một thương gia chưa đến 40 tuổi. Ông đã mạnh dạn dự báo rằng Internet sẽ phát triển nhanh đến mức mà các tập đoàn viễn thông lớn của nhà nước sẽ không xoay xở kịp và nhất là sẽ không thể kinh doanh hiệu quả.
Ông đã có những quan sát và nhận xét rất chính xác rằng dịch vụ Internet lúc đó chỉ nằm trong một bộ phận của các doanh nghiệp nhà nước nên rất khó bùng phát nhanh để theo kịp thị trường. Vì vậy, Renato Soru đã quyết tâm thành lập công ty viễn thông Tiscali chuyên về dịch vụ Internet ngay tại quê nhà trên đảo Sardinien.
Ngay từ đầu, Soru đã có những đầu tư thích đáng vào công nghệ Internet ADSL. Ông cũng không hề tiết kiệm tiền để quảng cáo thật mạnh trong giai đoạn đầu khi mới bắt đầu cung cấp dịch vụ ADSL. Sự nhanh nhạy này đã được đền đáp xứng đáng khi trung bình cứ mỗi tuần, Tiscali có thêm 8.000 khách hàng mới.
Tổng cộng, chỉ trong 6 tháng đầu tiên từ khi có ADSL, Tiscale đã có tổng cộng tới 470.000 khách hàng ký hợp đồng thuê bao sử dụng Internet.
Người anh hùng của xứ Sardinien
Tiscali là tên của một làng nhỏ ở Sardinien. Tại làng này có một cái hang rất nổi tiếng, là nơi ẩn náu và căn cứ của các chiến quân thời xưa. Theo lời Renato Soru, cái tên Tiscali đối với mỗi người dân Sardinien là biểu tượng của sự quyết tâm kháng cự đến cùng, là biểu tượng của sự tối thượng. Chính vì vậy ông đã chọn địa danh này để đặt tên cho công ty của mình. Tiscali sinh sau đẻ muộn nhất so với các tập đoàn viễn thông và dịch vụ Internet nhưng Renato Soru quyết tâm cạnh tranh và đang giành chiến thắng với tập đoàn của mình.
Renato Soru là một con người gắn bó với nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Ngay việc đặt trụ sở chính một công ty công nghệ cao như Tiscali tại vùng lạc hậu bậc nhất tại phía Nam Italia là một sự kiện không bình thường và gây nhiều sự quan tâm chú ý. Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, mà ngay chính các nhà đầu tư Italia cũng rất ngại xâm nhập tại vùng phía nam này. Ở đây không chỉ là vùng kém phát triển mà còn bị coi là khu vực phức tạp, không hẳn an toàn cho các nhà đầu tư với nhiều vấn đề xã hội và cả những “lệ làng”. Chính vì vậy mà Renato Soru vô cùng tự hào về tập đoàn Tiscali của mình đã ra đời và lớn mạnh từ đây.
Ông thường nhấn mạnh rằng Tiscali đã hình thành và được như ngày nay hoàn toàn không có sự hỗ trợ của bất cứ đảng phái, Nhà nước, tổ chức hay một dòng họ giàu có và nhiều thế lực nào cả. Tất cả đều do tự ông xây dựng nên. Từ chưa đến 10 người lúc thành lập, đến nay Tiscali đã có gần 4.000 nhân viên làm tại Italia và các chi nhánh ở châu Âu. Trong đó có 800 người dân Sardinien đã có việc làm tại Tiscali. Renato Soru khẳng định, tất cả những người này đều được tuyển chọn khắt khe chứ không thông qua bất cứ quan hệ cá nhân hay tác động nào.
“Đây là điều rất bình thường tại một công ty hay tập đoàn ở miền Bắc, nhưng lại không bình thường chút nào tại vùng cực Nam nước Italia này”. Renato Soru nói vậy để khẳng định sự bài bản, chuyên nghiệp và bền vững của tập đoàn Tiscali.
Táo bạo với chiến lược bành trướng
Rất nhiều người nói rằng Renato Soru là một con người cẩn trọng. Ông không phải là người huênh hoang như nhiều người thành đạt nhanh chóng. Renato Soru là người được công chúng ưa thích, đương nhiên đặc biệt nhất là người dân Sardinien. Ông tương đối kiệm lời và khi nói, kể cả trước rất đông người ông nói rất nhỏ. Ông chủ nhỏ bé, trán cao người miền Nam Italia này không muốn thể hiện mình. Hình thức bên ngoài là vậy nhưng trong kinh doanh thì Renato Soru lại rất quyết đoán với những phi vụ bất ngờ.
Khi vừa mới khẳng định trên thị trường Italia, Renato Soru đã cho Tiscali cùng một thời điểm thâm nhập một lúc 4 thị trường lớn là Thuỵ Sĩ, Pháp, Séc và Bỉ. Quả là quá liều lĩnh khi Tiscali lúc đó mới chỉ vừa biết đến ở Italia, còn hoàn toàn vô danh tại châu Âu.
Không thông tin ầm ĩ nhưng Renato Soru ngấm ngầm đặt mục tiêu phải là số 1 trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ Internet. Renato Soru đã làm được điều đó tại Italia. Còn tại châu Âu, Tiscali đã nhanh chóng vượt qua Freenet của Pháp để vươn lên vị trí số 2. Một loạt các công ty nhỏ hơn đã bị Tiscali mua lại nhờ những quyết định táo bạo của ông chủ Renato Soru.
Để thâm nhập và chiếm được thị phần nhanh tại các nước châu Âu, Tiscali đã dùng con bài “gặm dần”, thông qua việc mua các công ty bản xứ. Lần lượt một loạt công ty Internet nhỏ hơn đã bị Tiscali nuốt chửng như “Liberty Surf” của Pháp, Nikoma của Đức. Các thị trường Hà Lan, Tây Ban Nha đã và đang là mục tiêu tiếp theo của tập đoàn Tiscali đầy tham vọng.
Mặc dù là tập đoàn ra đời khá muộn so với nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng với bản lĩnh và quyết tâm hiếm có cùng những thành công mỹ mãn ban đầu đạt được đã càng thúc đẩy thêm tham vọng của ông. Tự mình, Renato Soru cứ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh liên tục, mà toàn điều chỉnh tăng lên khá đáng kể. Ông chủ của Tiscali muốn tập đoàn của mình phải là đứng đầu châu Âu để rồi còn tiếp tục thách thức với các đại gia của Mỹ.
Để thực hiện chiến lược bành trướng ra toàn châu Âu, Renato Soru đã cần đến 150 triệu EURO để đầu tư cho hệ thống cáp quang toàn châu Âu với tổng số chiều dài cáp là trên 30.000 km. Tiscali đã có cả một hệ thống máy chủ độc lập hoàn toàn và có chất lượng cao. Không kém gì các đại gia Google hay Yahoo, Tiscali cũng đã phát triển được một công cụ tìm kiếm có tên gọi Janas hoạt động được với tốc độ rất nhanh.
Phải đi trước người khác
Kinh doanh trong lĩnh vực Internet có đặc tính đổi mới từng ngày nên Renato Soru luôn ý thức được phải thường xuyên theo dõi thị trường, theo dõi sự phát triển công nghệ. Renato Soru cho rằng bí quyết thành công trong lĩnh vực Internet là phải dám đầu tư để luôn đi trước người khác.
Tham vọng lớn đã buộc Renato Soru phải có những tính toán chiến lược. Khi thị trường Italia chưa phải là đã khai thác hết, Renato Soru đã tính đến các thị trường khác. Để thành công, Renato Soru tự nhận là phải có nhiều ý tưởng và có các mục tiêu thật cụ thể. Chẳng hạn mỗi lần xâm nhập thị trường mới là Renato Soru phải tìm cách để mua một công ty ở đó. Mỗi lần đầu tư như vậy ông lại cần rất nhiều vốn. Vậy Renato Soru có ở đâu nhiều tiền mặt vậy?
Renato Soru đã rất khôn khéo trong việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán. Nhìn lại người ta mới thấy, nhà chiến lược gia Renato Soru đã tính toán rất kỹ về phương diện tài chính. Cứ mỗi một lần chuẩn bị đầu tư ra thị trường mới là lần Tiscali phát hành thêm cổ phiếu. Và chính những nhà đầu tư mua cổ phiếu mới phát hành đã tạo vốn cho ông để tiếp tục thực hiện kế hoạch bành trướng kinh doanh của mình. Thành công nhiều và rất nhanh nhưng không phải Renato Soru không có những thất bại.
Đến giờ nhìn lại, Renato Soru vẫn cho rằng mình đã quá chậm khi nhảy vào thị trường Đức nên việc bành trướng của Tiscali tại đây khó khăn hơn nhiều so với các thị trường nước khác. Renato Soru cũng chưa thật hài lòng với các hoạt động quảng cáo marketing của mình. Ông cho rằng những biện pháp marketing đã làm chưa đủ mạnh, chưa thật hiệu quả như mong muốn.
Từ trước đến nay, Renato Soru vừa là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm luôn Tổng giám đốc điều hành của Tiscali. Chuyển sang một giai đoạn mới, nhà tỉ phú muốn Tiscali phải chuyên nghiệp hơn, phải hiệu quả hơn trong kinh doanh. Vì vậy, Renato Soru quyết định thôi không nắm quyền điều hành hàng ngày mà chỉ nắm chức Chủ tịch hội đồng quản trị mà thôi. Từ tháng 5 năm 2004, Renato Soru đã tìm được một nhà quản lý cừ khôi bậc nhất châu Âu là Ruud Huisman, người Hà Lan, để làm Tổng giám đốc của Tiscali. Mới 47 tuổi, Renato Soru không cho phép mình nghỉ ngơi mà tiếp tục làm việc.
Renato Soru rất gắn bó với quê hương và ông được người dân quê ông rất yêu mến và tôn vinh như là một anh hùng. Vì vậy, gần đây nhất, Renato Soru đã ứng cử Thống đốc bang với tư cách là ứng cử viên tự do. Soru đã giành thắng lợi tuyệt đối, một kết quả bất ngờ với nhiều chính khách nhưng lại không bất ngờ với người dân xứ Sardinien.
Thị trường chứng khoán tại Milano đã lập tức phản ứng rất tích cực trước chiến thắng của Soru, người đàn ông giàu nhất và người chủ lao động lớn nhất của hòn đảo phía Nam nước Italia này.
(Theo TBKTVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com