Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các đường cong kinh tế học: Đường cong Phillips

Đường cong Phillips biểu thị quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát (đường cong Phillips phiên bản lạm phát) hoặc giữa tỷ lệ thất nghiệp và tốc độ tăng trưởng GDP (đường cong Phillips phiên bản GDP). Đường này được đặt theo tên Alban William Phillips, người mà vào năm 1958 đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm dựa trên dữ liệu của nước Anh từ năm 1861 đến năm 1957 và phát hiện ra tương quan âm giữa tỷ lệ thất nghiệp và tốc độ tăng tiền lương danh nghĩa[1].

Lý luận của trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp


Đường cong Phillips dốc xuống phía phải

Kinh tế Mỹ thập niên 1960 có hiện tượng tỷ lệ lạm phát khá cao mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP cũng cao. Để giải thích hiện tượng đó, các nhà kinh tế của trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp đã sử dụng kết quả nghiên cứu của Phillips và dựng nên đường cong Phillips dốc xuống phía phải trên một đồ thị hai chiều với trục hoành là các mức tỷ lệ thất nghiệp và trục tung là các mức tỷ lệ lạm phát. Trên đường này là các kết hợp giữa tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Dọc theo đường cong Phillips, hễ tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thì tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên; và ngược lại.

Từ đó, trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp lý luận rằng để giảm tỷ lệ thất nghiệp chính phủ đã sử dụng chính sách quản lý tổng cầu, song do tỷ lệ thất nghiệp có quan hệ ngược chiều bền vững với tỷ lệ lạm phát, nên tăng trưởng kinh tế cao đương nhiên gây ra lạm phát. Lạm phát là cái giá phải trả để giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Lý luận của chủ nghĩa tiền tệ


Đường cong Philips ngắn hạn và Đường cong Phillips dài hạn

Chủ nghĩa tiền tệ đã bác bỏ lý luận nói trên của trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp. Họ cho rằng đường cong Phillips như trên chỉ là đường cong Phillips ngắn hạn. Friedman đã đưa ra khái niệm tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, theo đó khi thị trường lao động ở trạng thái cân bằng vẫn có thất nghiệp. Đây là dạng thất nghiệp tự nguyện. Vì thế, ở trạng thái cân bằng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn là một số dương. Và khi nền kinh tế cân bằng, thì lạm phát không xảy ra. Đường cong Phillips ngắn hạn dốc xuống phía phải và cắt trục hoành ở giá trị của tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên. Hễ chính phủ áp dụng các biện pháp nhằm đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức này, thì giá cả sẽ tăng lên (lạm phát), và có sự dịch chuyển lên phía trái dọc theo đường cong Phillips ngắn hạn.

Sau khi lạm phát tăng tốc, cá nhân với hành vi kinh tế điển hình (hành vi duy lý) sẽ dự tính lạm phát tiếp tục tăng tốc. Trong khi tiền công danh nghĩa không đổi, lạm phát tăng nghĩa là tiền công thực tế trả cho họ giảm đi. Họ sẽ giảm cung cấp lao động, thậm chí tự nguyện thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên đến mức tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, trong khi tỷ lệ lạm phát vẫn giữ ở mức cao.

Nếu nhà nước vẫn cố gắng giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức tự nhiên, cơ chế như trên lại xảy ra. Hậu quả là, trong dài hạn, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức tự nhiên mà tỷ lệ lạm phát lại bị nâng lên liên tục. Chính sách của nhà nước như vậy là chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, còn về dài hạn là thất bại.

Tập hợp các điểm tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên và các mức tỷ lệ lạm phát liên tục bị đẩy lên cao tạo thành một đường thẳng đứng. Đường này được gọi là đường Phillips dài hạn.

(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

  • Kinh tế học vi mô
  • Kinh tế học vĩ mô
  • Kinh tế học công cộng
  • Kinh tế học quốc tế
  • Kinh tế học môi trường
  • Các đường cong kinh tế học: Đường cong J (kinh tế)
  • Các đường cong kinh tế học: Đường đẳng lượng
  • Các đường cong kinh tế học: Đường cong Lorenz
  • Các đường cong kinh tế học: Đường cong Laffer
  • Các đường cong kinh tế học: Đường LM
  • Các đường cong kinh tế học: Đường IS
  • Các đường cong kinh tế học: Sơ đồ DD-AA
  • Kinh tế học
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com