Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

AsusTeK và bài học đổi mới vượt bậc nhờ công nghệ thay thế

Hãy khởi đầu với các con số, nhưng hãy kết thúc bằng con người” hay “Cứ bắt đầu bằng việc quản lý, nhưng hãy khép lại bằng việc lãnh đạo”. Đó chính là phương châm của Jonney Shih, CEO và là người đồng sáng lập nên Asus. Nhờ vào tài lãnh đạo của vị CEO tài ba này, Asus đã có những bước phát triển thần kỳ vượt bậc.

Asus - miễn nhiễm với khủng hoảng kinh tế

ASUSTeK Computer Incorporated (Asus) là một công ty máy tính và điện tử của Đài Loan. Được sáng lập năm 1989 có trụ sở tại Đài Bắc, Đài Loan bởi Jonney Shih và bốn người bạn kỹ sư TH Tung, Ted Hsu, Wayne Hsieh, và MT Liao. Hiện nay Asus đang lớn mạnh và trở thành nhà sản xuất dòng máy xách tay lớn thứ 5 toàn cầu. Năm 2006, tổng thu nhập của Asus là 23 tỷ USD.

Trong khi suy thoái kinh tế đang len lỏi khắp các ngõ ngách trên thế giới, thì việc làm ăn của tập đoàn AsusTeK Computer (Đài Loan) lại dường như vẫn sóng yên biển lặng. Hãng này là tiên phong trong việc phát triển những chiếc máy tính cầm tay giá rẻ, một trong số ít những thiết bị điện tử chứng minh là có thể miễn dịch với sự xuống dốc của kinh tế.

Asus vừa mới cho ra đời những chiếc máy tính đầu tiên có mùi thơm như xức nước hoa. Vào mùa lễ hội năm nay, Asus đã thuyết phục thành công hãng bán lẻ thời trang Macy’s cho phép họ được trưng bày các sản phẩm điện tử của mình – đây cũng là lần trưng bày đầu tiên tại một cửa hàng lớn.

Và tất cả những đầu tiên này thực sự mới chỉ đang là bước khởi đầu cho Asus, đúng như tầm nhìn xa của ngài chủ tịch tập đoàn – Jonney Shih.

Shih – người sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Asus – đang nổi lên như một thiên tài công nghệ với những ý tưởng táo bạo tưởng chừng như hão huyền, và ông còn là một trong những nhà điều hành đứng vững nhất trong ngành công nghiệp thường xuyên biến động như ngành sản xuất các thiết bị di động.
 

Tuần vừa rồi, Shih đã có chuyến viếng thăm tới Boston để tham dự một buổi nói chuyện về những thành tựu Asus đã đạt được, cũng như triển vọng phát triển trong những năm tới, với sự tham gia của đông đảo các giáo sư và sinh viên Trường Kinh doanh Havard. Trong buổi nói chuyện này, mọi người cùng nhau tranh luận xoay quanh hai ấn phẩm nghiên cứu về công ty vừa mới xuất bản.

Sự chú ý đặc biệt của công chúng đã tạo thêm sức quyến rũ và làm cho hình ảnh một vị chủ tịch 57 tuổi, người đã đồng ý tham gia một cuộc phỏng vấn hết sức hiếm hoi với Forbes.com, càng trở nên thú vị.
 

Asus - sự phát triển thần kỳ

Shih bị chặn lại bởi biết bao người vốn quá quen thuộc với sản phẩm nổi tiếng của Asus – dòng máy tính cầm tay mini Eee PC, nhưng hiếm người nào trong số họ biết tới lịch sử phát triển 19 năm của Asus. “Họ không hề nhận ra rằng Asus là một tập đoàn kiếm được 23 tỉ đô la doanh thu mỗi năm” – Shih cười.

Nếu nhìn qua, mọi người có thể để ý thấy đó là một người đàn ông khá dẻo dai, ẩn sau dáng hình nhỏ bé là một trí tuệ thông thái và một tinh thần tràn đầy nhiệt huyết. Ông tiếp: “Dường như họ đều cho rằng Asus chỉ là một công ty nhỏ bé.”
 

Thương hiệu đang dần được khẳng định
Ảnh: cache.daylife.com

Nhưng Asus có thể là bất kì điều gì – trừ việc là một công ty nhỏ bé, đăc biệt khi đó là thành quả từ những tham vọng của Shih. Được sáng lập năm 1989 bởi Shih cùng bốn người bạn đồng nghiệp, hiện nay Asus đang lớn mạnh và trở thành nhà sản xuất dòng máy xách tay lớn thứ 5 toàn cầu, trong khi ở những tháng đầu năm họ mới chỉ đứng ở vị trí thứ 7 (theo nghiên cứu của tập đoàn khảo sát và phân tích dữ liệu IDC – International Data Corporation, một chi nhánh của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG – Iternational Data Group).
 

Tham vọng của Shih là đưa Asus có chỗ đứng trong top 3 các hãng sản xuất lớn nhất thế giới trước năm 2010, cũng đồng nghĩa với việc con số máy tính bán ra phải lên tới trên 20 triệu chiếc. Tuy nhiên, mục tiêu của ông không dừng lại ở đó, ông muốn đưa Asus vươn xa hơn nữa, tới năm 2013 sẽ được toàn thế giới công nhận như một trong 10 doanh nghiệp lớn, có danh tiếng, và được trọng vọng nhất.


Bài học từ những công ty dẫn đầu

Shih nhìn nhận Apple (mã cổ phiếu AAPL, niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán điện tử Hoa Kỳ NASDAQ - National Association of Securities Dealers Automated Quotation) và Toyota (mã cổ phiếu TM, niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán New York NYSE, Newyork Stock Exchange) như hai hình mẫu đáng noi gương trong bước phát triển tiếp theo này của Asus.
 

Ông đã học hỏi được nhiều từ các nguyên tắc hoạt động của hai tập đoàn lão làng này để áp dụng vào việc điều hành Asus, với những đổi thay mang tính chất như bàn đạp, tạo đà phát triển cho Asus. Cũng giống như Toyota, Asus đang thực hiện các chu trình sản xuất và kinh doanh sản phẩm tuân thủ hệ phương pháp quản lý Six Sigma [1]. Shih còn cho biết quan điểm của mình “Chúng tôi cũng như Toyota, luôn tin tưởng và đề cao sự hiểu biết, khôn ngoan của con người. Nếu bạn chỉ quan tâm tới những thứ mang tính kĩ thuật cứng nhắc, thì công ty của bạn sẽ chưa thể vươn tới tầm cỡ lớn được.”
 

Theo quan điểm của Willy Shih (một người không có mối quan hệ đặc biệt nào với ngài Jonney Shih của chúng ta), Giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard, người đã góp phần giúp trường hoàn thành việc soạn thảo các tình huống thảo luận về Asus, thì Asus có được sự lớn mạnh như ngày hôm nay phần lớn là nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của Shih.

“Jonney là một thiên tài, người biết kết hợp sự hiểu biết sâu sắc về ngành sản xuất máy tính với sự nhạy bén về những cơ hội tiềm ẩn dành cho công ty” - Giáo sư Will đánh giá - “Ông ấy cũng là người đã tạo ra một sắc điệu riêng biệt, sắc điệu ấy ngày càng thấm sâu vào văn hóa doanh nghiệp của Asus và hiện hữu trong mỗi bước tiến của tập đoàn.”

Là một kỹ sư đào tạo nhưng Jonney Shih thực sự đam mê với tư duy quản lý. Hâm mộ Jim Collins và Clayton Christense, ông thường nói như thế này: “Hãy khởi đầu với các con số, nhưng hãy kết thúc bằng con người” hay “Cứ bắt đầu bằng việc quản lý, nhưng hãy khép lại bằng việc lãnh đạo”.
 

Asus luôn tuân thủ hệ thống
quản lý Six Sigma
Ảnh: www.sixsigmainstitute.com

Cách đây một vài năm, Shih lập ra danh sách năm đức tính cần có bao gồm: Khiêm tốn – Chính trực – Cần cù – Nhanh nhẹn – và Quả cảm; những đức tính mà ông kì vọng mỗi nhân viên làm việc tại Asus có thể nhìn vào đó và noi gương. Ông tỏ ra rất chính xác và tỉ mỉ trong việc định hướng tầm nhìn tương lai cho tập đoàn – đó là sự kết hợp giữa phương pháp quản lý “Lean Six Sigma”[2], kỹ thuật vững vàng, đồng thời không quên chú ý tới phương diện mỹ học.
 

Sau Toyota, phải kể tới bậc đàn anh Apple, chiến lược kinh doanh của hãng này đã trở thành một tấm gương giúp Asus vững bước tới thành công như ngày nay. Không ngần ngại phải đối mặt với việc danh tiếng công ty có thể bị lung lay khi hoạt động với tư cách như một nhà sản xuất theo đơn đặt hàng giản đơn (contract manufacturer)[3], và cũng là để tự tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh như Acer, Asus đã noi gương Apple về lòng hăng say theo đuổi chất lượng sản phẩm hơn là số lượng, cũng như liên tục đổi mới, cải tiến công nghệ.
 

“Các doanh nghiệp của Đài Loan rất năng nổ, xông xáo về việc đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả sản xuất” - ngài Shih nói - “Chúng tôi xông xáo trong khía cạnh đó, nhưng vẫn không hề quên việc phải thường xuyên quan tâm tới các yếu tố khác - con người, tài năng – và công nghệ.”
 

Hướng tới mục tiêu chung là phát triển việc kinh doanh các mặt hàng danh tiếng mang nhãn hiệu Asus, vào tháng giêng vừa rồi, tập đoàn đã thực hiện chiến lược chia nhỏ Asus thành ba phần riêng biệt. Trong đó, hai công ty Pegatron và Unihan sẽ tập trung chủ yếu vào việc xây dựng sản phẩm cho các hãng khác như Dell, Hewlett Packard hay Sony. “Đó thực sự là một bước đột phá mang nhiều triển vọng” - Shih lạc quan phát biểu - “Trước đó, mọi thứ khá lộn xộn. Còn giờ đây, các công ty nhỏ của chúng tôi đều có thể độc lập tập trung vào việc cải tiến công nghệ thay vì số lượng.”

Hướng tới tương lai

Tương lai, một dự án về thiết bị di động thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng vẫn đang được giữ bí mật, và dự kiến sẽ được công bố trong Đại hội Truyền thông Toàn cầu GSMA (GSMA Mobile World Congress) được tổ chức thường niên vào tháng hai.

Shih gọi sản phẩm mới đó là “Eee Phone” – chiếc điện thoại di động tiếp nối dòng sản phẩm Eee đã rất thành công, ngoài ra ông còn tiết lộ thêm chút ít là nó sẽ có một mà hình cảm ứng đa điểm (multi-touch screen), và tích hợp các chức năng định vị, kết nối Internet, video, và hướng dẫn bằng giọng nói. Giới truyền thông Đài Loan vẫn suy đoán rằng điện thoại này sẽ hoạt động dựa trên nền tảng di động Android (Android mobile flatform) của Google. Tuy nhiên, Shih từ chối việc khẳng định suy đoán đó.
 

Hiện nay, các đại gia từ Dell cho tới Samsung đều tìm cách chen chân vào thị trường máy tính cầm tay do Eee PC mở đường, vì thế Shih không còn cách nào khác phải dựa vào đổi mới, cải tiến công nghệ liên tục để giữ vững vị thế dẫn đầu của Asus trước các đối thủ cạnh tranh.

Ông đã bắt đầu triển khai chiến lược tập hợp nhân viên làm ở nhiều bộ phận khác nhau, từ thiết kế tới nghiên cứu chất liệu, để tạo thành các nhóm làm việc như một hình thức của một “phòng thí nghiệm phong cách Da Vinci” (da Vinci lab).

Kết quả thu được đôi khi làm nhiều người cảm thấy khá bất ngờ, nếu không muốn nói là thấy đôi chút điên rồ, chẳng hạn như những chiếc máy tính xách tay có mùi nước hoa mà Asus vừa tung ra vào tháng tám vừa rồi. Những chiếc máy tương lai của Asus có lẽ sẽ có cả những lời chỉ dẫn bằng giọng nói, màn hình cảm ứng, các ứng dụng “điện toán đám mây” hay điện toán máy chủ ảo (cloud computing applications[4]), kết hợp thêm với dịch vụ định vị - ngài Shih cho biết.
 

Không chỉ có vậy, Shih còn tỏ ra hết sức say mê với việc phát triển các giải pháp công nghệ di động kết nối mạng an toàn “always on”. Lấy WiMax (Worldwide Interoperability for Microwave Access) làm thí dụ, công nghệ băng thông rộng không dây tốc độc cao này mới đây đã được Sprint triển khai thử nghiệm tại thành phố Baltimore.

Asus rất tán thành và ủng hộ công nghệ không dây mới này, coi đó như một sự lựa chọn vừa rẻ mà lại lại nhanh hơn so với các công nghệ đang có trên thị trường. Shih cho biết quan điểm của mình: Cuối cùng, tất cả các máy tính cầm tay thế hệ mới của Asus sẽ tích hợp mạng công nghệ truy cập wifi, WiMax, và có lẽ cả công nghệ truyền thông băng thông rộng thế hệ thứ ba - 3G (Third-generation technology) nữa.
 

Việc đưa ra sự lựa chọn này không chỉ lôi cuốn các khách hàng mà còn hấp dẫn cả các nhà cung cấp, những người có thể cung cấp máy tính với giá trợ cấp và bán các dịch vụ kèm theo của họ - ông lưu ý thêm.


Tập trung vào những dòng sản phẩm tích hợp - sự lựa chọn khôn ngoan? 

 Không chỉ giới hạn ở các sản phẩm máy tính, Shih đang cân nhắc việc cho phép các thiết bị gia dụng kết nối không dây với dòng sản phẩm Eee. Ông đưa ra gợi ý về việc một chiếc giường có thể tỏa ra mùi thơm và chơi nhạc hay một chiếc máy tính hoặc màn hình tivi có thể được tích hợp với một chiếc gương.
 

Mặc dù nhiều tham vọng, nhưng sự ảm đạm hiện thời của nền kinh tế chưa phải là thời cơ tốt để triển khai các kế hoạch này - Shih nói. Việc đóng cửa các cửa hàng điện, như Circuit City, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh số bán hàng. Đó cũng chính là lý do tại sao công ty mới chỉ đặt bút ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm máy tính cầm tay của hãng tại một số cửa hàng phân phối của Macy’s trong suốt mùa lễ hội.
 

Cạnh tranh về giá cả cũng là một vấn đề khiến Shih đôi chút lo lắng, tuy nhiên, ông chỉ ra rằng Eee PC, với mức giá hiện thời chỉ 269USD/ chiếc, sẽ vẫn bán chạy trong bối cảnh nền kinh tế xuống dốc. Asus không có kế hoạch giảm giá hơn nữa, mặc dù theo ông thì một chiếc Eee PC với giá 200 USD “là hoàn toàn có thể vào một ngày nào đó”.

Có lẽ, thách thức lớn nhất mà công ty phải đối mặt chính là làm sao để đẩy mạnh sự hiểu biết thương hiệu từ phía người tiêu dùng, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ - một thị trường mà Shih gọi là “thành lũy cuối cùng” phải tấn công.

“Đó là thị trường cứng rắn nhất nhưng cũng quan trọng nhất,” - Shih cho biết thêm. Luôn nhớ tới vai trò của mình trong việc thúc đẩy Asus, khi tới tham dự tất cả các buổi họp, Shih đều mang theo chiếc máy tính cầm tay Eee PC mới nhất, phiên bản S101 thời trang và sành điệu.
 

Tham vọng của vị chủ tịch tập đoàn Asus tỏ ra hoàn toàn trái ngược với một vài khởi đầu khiêm tốn của họ. “Mười chín năm về trước, chúng tôi chỉ là năm kĩ sư cùng ở trong một quán café, và đều có chung một mơ ước muốn là xây dựng một công ty nhỏ nhưng đẹp” - ông nói - “Chúng tôi quá say mê với cấu trúc máy điện toán, chúng tôi chưa hề mơ tới một điều gì như thế này, là làm cho nó trở nên lớn mạnh như ngày hôm nay.”

(Tuyết Lan dịch - Bài viết của Elizabeth Woyke trên tạp chí HBS In the New -)

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Six Sigma không phải là một hệ thống quản lý chất lượng, như ISO-9001, hay là một hệ thống chứng nhận chất lượng, mà là một hệ phương pháp cải tiến quy trình dựa trên thống kê nhằm giảm thiểu tỷ lệ sai sót hay khuyết tật đến mức 3,4 lỗi trên mỗi triệu khả năng gây lỗi bằng cách xác định và loại trừ các nguồn tạo nên dao động (bất ổn) trong các quy trình kinh doanh. Trong việc định nghĩa khuyết tật, Six Sigma tập trung vào việc thiết lập sự thông hiểu tường tận các yêu cầu của khách hàng và vì thế có tính định hướng khách hàng rất cao. Nó dựa trên tiến trình mang tên DMAIC: Define (Xác Định), Measure (Đo Lường), Analyze (Phân Tích), Improve (Cải Tiến) và Control (Kiểm Soát).

[2] Lean Six Sigma là một chương trình kết hợp giữa Lean với Six Sigma; trong đó Lean (hay Lean Manufaturing - Hệ thống Sản xuất Tiết kiệm) là một hệ thống các công cụ giúp giảm thiểu thời gian từ lúc nhận đơn hàng đến quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm bằng cách loại trừ các hoạt động dư thừa (non-value added) và lãng phí trong luồng sản xuất.

[3]Contract manufacturer là một công ty chuyên sản xuất các bộ linh kiện hoặc sản phẩm cho một công ty khác dưới nhãn hiệu của chính nó.

[4] Thuật ngữ "cloud computing" ra đời giữa năm 2007 đơn giản có thể hiểu là: các nguồn điện toán khổng lồ như phần mềm, dịch vụ... sẽ nằm tại các máy chủ ảo (đám mây) trên Internet thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng (trên mặt đất) để mọi người kết nối và sử dụng mỗi khi họ cần. Nhiều doanh nghiệp hiện không có máy chủ riêng, PC chỉ cài một số phần mềm cơ bản còn tất cả đều phụ thuộc vào cloud. Ví dụ, họ đăng ký dịch vụ hosting cho website công ty, thuê công cụ quản lý doanh thu từ Salesforce.com, lấy dữ liệu khảo sát thị trường từ tổ chức Survey Monkey… Với các dịch vụ sẵn có trên Internet, doanh nghiệp không phải mua và duy trì hàng trăm, thậm chí hàng nghìn máy tính cũng như phần mềm. Họ chỉ cần tập trung sản xuất bởi đã có người khác lo cơ sở hạ tầng và công nghệ thay họ.


 

(Tinkinhte.com//Theo Tuanvietnam)

  • Bí mật trong logo của các thương hiệu nổi tiếng
  • Bên trong Google
  • Cuộc cách mạng “H&M”
  • 10 hãng hàng không an toàn nhất thế giới
  • Ông chủ Trung Nguyên tiếp tục chê bai Starbucks
  • Các thương hiệu máy tính Mỹ có thể "biến mất" trong 20 năm tới
  • Levi’s - không chỉ là quần Jean
  • 5 thành tích "khủng" của Toyota trong năm 2009
  • Apple, Amazon, Google thành công từ những nguyên tắc đơn giản
  • IBM và giải pháp công nghệ cứu nguy nền kinh tế
  • 100 năm HBS: Xứng tầm vị thế dẫn đầu
  • ADIDAS - giày của đỉnh cao
  • Montblanc – Bút của yếu nhân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com