Tháng 3 vừa qua, nàng búp bê Barbie xinh đẹp - niềm mơ ước của biết bao nhiêu bé gái (trong đó có nhiều bé nay đã lên chức “bà”) kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50. Hiện có mặt tại 150 nước, nàng vẫn đang nắm trọn trái tim lũ trẻ và tạo ra một loạt lĩnh vực công nghiệp vệ tinh sản xuất, kinh doanh quần áo, giày dép theo phong cách Barbie với tổng doanh thu được ước tính từ 1,9 - 3 tỷ USD/năm.
Bất chấp những nhận xét châm biếm của ai đó về “sắc đẹp hời hợt” của Barbie với ngực to, eo nhỏ xíu, hông hẹp; thương hiệu này đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa Mỹ, cùng với những Coca Cola và Mc Donald’s.
Ít ai biết rằng, nàng Barbie thực ra không thuần Mỹ. Tinh ý nhận ra rằng bọn trẻ đặc biệt thích búp bê Lilly, vốn chỉ được bày trang trí trong các bar và tiệm thuốc lá ở Đức, Ruth Handler, một người Mỹ gốc Ba Lan, nhà sáng lập Công ty Mattel, đã mua bản quyền Lilly, đem nàng về Mỹ “sửa sang nhan sắc” và đặt tên mới là Barbie - theo tên cô con gái của bà. Nàng Barbie đầu tiên trình làng với bộ áo tắm sọc trắng đen, tóc cột đuôi gà đã thu hút được sự chú ý đặc biệt tại Hội chợ đồ chơi quốc tế tại Mỹ năm 1959.
Từ đó đến nay, hơn 70 nhà thiết kế thời trang hàng đầu thế giới được Mattel mời thiết kế trang phục cho Barbie.
Tại Siêu thị thời trang Barbie ở Argentina, các em gái không chỉ thích thú với các loại trang phục mà còn nằng nặc đòi các bậc phụ huynh cho làm đầu và trang điểm theo phong cách Barbie nữa. Còn tại Thượng Hải, Ngôi nhà Barbie khai trương hồi tháng 2 năm nay được đầu tư tới 43 triệu USD, bao gồm cả... viện bảo tàng và spa.
Nàng Barbie trở thành tỷ phú thực sự, bởi nàng không còn chỉ là một búp bê đồ chơi. Barbie được xây dựng thành một nhân vật, có gia phả, có nghề nghiệp, có bạn trai. Lần lượt, tất cả các thành viên gia đình, bạn bè của Barbie được tung ra thị trường từ cô em gái Skipper (1964), hai đứa em sinh đôi Tutti và Todd (1966)... rồi anh bồ đẹp trai Ken (năm 2004 đã được thay thế bởi Blaine, một tay lướt ván ở Sydney, Australia)..., khiến câu chuyện về Barbie luôn có sức cuốn hút mới mẻ, không bao giờ nhàm chán.
Ngoại hình Barbie cũng có sự thay đổi và một thay đổi rất thú vị là vào năm 1980, lần đầu tiên nàng trở thành cô gái da màu. Nàng có thể mang nét đặc trưng Ý, Pháp, Nhật, Hàn, thậm chí là thổ dân da đỏ. Barbie đã từng làm... hơn 100 nghề, từ phi hành gia rồi tiếp viên hàng không và thậm chí... điều hành vài hãng hàng không thương mại, tùy theo xu thế của thời đại.
Nàng có sở thích riêng: lái xe mui trần màu hồng và nuôi thú cưng. Bầy thú của nàng gồm chó, mèo, sư tử con, gấu trúc, ngựa vằn... mỗi loại đều là một công cụ sinh lời của Mattel. Chưa nói đến sản xuất, kinh doanh trực tiếp, chỉ riêng bản quyền thương hiệu Barbie (được bán cho khoảng 800 công ty kinh doanh các loại quần áo, vật dụng gia đình...) cũng đã đem về cho Công ty Mattel mỗi năm hàng tỷ đô la Mỹ.
Ruth Handler đã thành công rực rỡ suốt nhiều thập niên trên thị trường đồ chơi trẻ em. Sự nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, trí tưởng tượng phong phú của bà (sau này được hỗ trợ bởi cỗ máy sản xuất-tiếp thị khổng lồ và cực kỳ chuyên nghiệp với hàng trăm chuyên gia, trong đó có khoảng 50 nhà thiết kế thời trang, 12 nhà tạo mẫu tóc) đã đa dạng hóa một dòng sản phẩm, giúp bà thỏa mãn giấc mơ bất tận của bọn trẻ và... thu về tiền tỷ./.
Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
|