Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Văn hóa giữ bí mật tại Apple

Các nhân viên làm việc ở vị trí nhạy cảm của Apple thường phải trải qua quy trình kiểm tra gắt gao nhất trước khi vào tới phòng làm việc của mình. Họ cũng không được tham gia blog, hoặc chia sẻ thông tin trên diễn đàn.

Mọi thứ đều được phủ một bóng đen bí mật và Apple sử dụng chính sách đó để tạo nên sự thành công cho riêng mình.

Luật im lặng

ở Apple có một thứ luật bất thành văn, Luật im lặng. Ai đó, dù vô tình hay hữu ý, hoặc chỉ dính chút xíu sai sót, hoặc chỉ với vai trò liên quan tới cái gọi là tiết lộ bí mật kinh doanh của Apple đều bị sa thải.

Các thông tin về sản phẩm, về người lãnh đạo Apple (ở đây là Steve Jobs) được xem là chủ đề cấm kị, mà mỗi nhân viên Apple đều sợ hãi khi được hỏi tới. Không những họ buộc phải tuân thủ luật của Apple, mà còn lo bị sa thải hoặc bị kiện nếu thông tin đó lọt ra ngoài.

Không những thông tin về các sản phẩm sắp ra mắt được bảo vệ nghiêm ngặt, mà ngay cả chủ đề có vẻ không mấy liên quan như sức khỏe của lãnh đạo cao cấp, cũng bị kiểm soát chặt chẽ.

Hồi đầu năm 2009, Jobs đã phải đi chữa bệnh chừng 6 tháng, và kể từ đó cho tới khi vị CEO này quay trở lại làm việc, không ai trong Apple hay bên ngoài biết về tình trạng sức khỏe thực sự của ông.

Đại diện Apple luôn nói rằng, Jobs vẫn khỏe, trong khi báo chí thì nói rằng ông phải phẫu thuật và có nhiều vấn đề về sức khỏe. Còn nhân viên của Apple luôn tái mặt mỗi khi được hỏi về chủ đề này, bởi đơn giản đó là vấn đề quá nhạy cảm đối với họ.

Như đã nói ở trên, ai đó dù chỉ dính dáng, hoặc dính dáng chút ít tới việc lọt thông tin nội bộ ra ngoài cũng bị Apple trừng phạt. Ví dụ như Edward Eigerman, một kỹ sư hệ thống đã từng có 4 năm làm việc cho Apple, đã bị sa thải hồi năm 2005 bởi đồng nghiệp của anh dính vào một vụ tiết lộ bản thảo phần mềm mới dành cho khách hàng.

Điều đáng nói là Edward Eigerman không hề liên quan tới vụ việc này, nhưng anh vẫn bị đuổi việc bởi đơn giản anh là bạn của thủ phạm.

Nỗi lo sợ còn lan tỏa trong những người có cơ hội kiểm thử sản phẩm của Apple. Hồi tháng 7/2009, một công nhân người Trung Quốc đã nhảy lầu tự tử vì đánh mất chiếc iPhone 4G.

Bí mật thái quá

Có lẽ quy trình được bảo vệ nghiêm ngặt nhất tại Apple chính là kiểm thử sản phẩm mới. Mọi thứ đều được bảo vệ ở mức tuyệt đối, thậm chí về mức độ an toàn còn hơn cả các cơ quan tình báo.

Các nhân viên tham gia kiểm thử phải trải qua nhiều cửa an ninh, bị khám người, và làm việc dưới camera giám sát trong căn phòng của mình. Họ chỉ được kiểm thử một phần chi tiết của sản phẩm, chứ không phải tất cả, để đảm bảo rằng không ai biết “mặt mũi” sản phẩm sắp ra mắt.

Tất cả những chi tiết thiết bị đều được đặt trong túi đen không thể nhìn thấy, còn khi bắt buộc phải đưa ra ngoài túi để kiểm tra, nhân viên kiểm thử sẽ nhấn một chiếc nút báo động, cảnh báo không ai được phép nhìn vào chi tiết đó.

Đó cũng là lý do tại sao hầu hết những nhân viên của Apple đều rất háo hức mỗi khi hãng giới thiệu sản phẩm mới ra công chúng, bởi đơn thuần họ cũng như các khách hàng bên ngoài, chưa hề nhìn thấy mặt mũi sản phẩm đó ra sao cho dù được tiếp xúc trước đó.

Đưa thông tin giả

Ở Apple còn một thứ văn hóa doanh nghiệp mà ít ai có thể nghĩ tới, đó là cung cấp thông tin giả cho nhân viên nhằm tạo ra sự hoang tưởng đối với những sản phẩm sắp ra mắt của hãng. Công việc này thường do một vị phó chủ tịch phụ trách kinh doanh đảm nhận.

Theo định kỳ hàng tháng, Apple sẽ tổ chức các cuộc họp bí mật trong đó công bố thông tin về các sản phẩm sắp ra mắt. Hầu như tất cả những thông tin này đều là giả. Apple sẽ theo dõi những thông tin đó có được tiết lộ ra ngoài hay không, và chúng được dư luận đón nhận thế nào.

Chính vì thứ văn hóa kỳ quặc này mà không ít lần người ngoài phải khổ sở với Apple. Còn nhớ năm 2004, Apple đã khởi kiện một loạt blog với cáo buộc rằng họ đã vi phạm bí mật thương mại tiết lộ các sản phẩm mới của hãng.

Tuy nhiên, sau đó Tòa án bang California đã tuyên cho các blog kia thắng kiện và buộc Apple phải trả tới 700.000 USD tiền án phí. Ngoài ra, Apple cũng nhiều lần khởi kiện blogger Think Secret – chuyên đăng tin về các sản phẩm mới của Apple.

Nhiều người cho rằng chính những yếu tố bí mật trên đã làm nên sự hấp dẫn của các sản phẩm Apple. Giới phê bình lại gọi đó là sự thiếu minh bạch, và cho rằng nó có thể ảnh hưởng xấu tới tên tuổi của hãng này, nhất là trong thời buổi làm ăn hiện nay khi sự minh bạch ngày càng trở nên quan trọng.

(Theo Gia Nguyễn // Tienphong Online)

  • Miễn dịch cho các tổ chức (Phần I)
  • Miễn dịch cho các tổ chức: (Phần II)
  • Chia sẻ kinh nghiệm trong giai đoạn mới
  • Ứng xử với những nền văn hóa khác nhau
  • Home Depot - Một kế hoạch thay đổi văn hóa công ty
  • 10 Lý do để tạo dựng một văn hóa công ty tốt hơn
  • Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp
  • “Mỏ neo” của doanh nghiệp
  • Quảng cáo và văn hóa doanh nghiệp
  • Đôi điều về “văn hóa doanh nghiệp”
  • Văn hóa đổi mới của P&G
  • Cần quan tâm đến văn hóa, văn minh doanh nghiệp
  • Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong toàn cầu hóa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com