Doanh nghiệp doanh nhân & văn hóa
Ngày nay, ở nước ta, mặc dầu đã có Nghị quyết Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp bổ sung, sửa đổi năm 2001, Nghị quyết 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Trung ương lần thứ V (khóa IX), Luật Doanh nghiệp đã có hiệu lực từ 01/01/2000, khởi nghiệp doanh nghiệp tư nhân vẫn đòi hỏi sự dũng cảm, dấn thân và chịu đựng.
Dũng cảm vì, ngoài bất trắc vốn có của bất kỳ nền kinh tế thị trường nào, ngoài sự cạnh tranh gay gắt trên thương trường, doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, trở ngại, hiểm nguy từ rất nhiều phía trong kinh doanh như: gom vốn, tìm mặt bằng kinh doanh, vượt qua mê hồn trận văn bản pháp quy vừa mù mờ vừa rối rắm, thiếu ăn khớp với nhau. Dấn thân và chịu đựng mặc dầu đã có nghị quyết và luật pháp phải vượt lên bao thành kiến, cách làm tư lợi và tắc trách của không ít viên chức ở một số cơ quan nhà nước có quyền “sinh, sát" đối với doanh nghiệp. Mặc dầu tạo ra việc làm, đem lại thu nhập chính đáng cho người lao động, nộp thuế, tham gia các hoạt động từ thiện và bảo trợ xã hội, doanh nhân vẫn bị coi là "kẻ ích kỷ”, “chỉ làm giàu cho cá nhân mình" một cách vô căn cứ. Thành kiến phổ biến đến mức phim ảnh trên truyền hình hay tác phẩm văn học nếu có vai "Giám đốc doanh nghiệp tư nhân" thì đó phải là một kẻ lưu manh, làm ăn liều lĩnh và lừa đảo, đồi bại về đạo đức, sống buông thả, táng tận lương tâm, vi phạm pháp luật. Nếu như trên tivi, báo, đài nói đến tăng, giảm giá thì thường quy cho là tại “bọn tư thương ép giá” hoặc "tư thương đầu cơ" mặc dầu không bao giờ chứng minh được hành vi đầu cơ đó như thế nào, cụ thể ai đầu cơ thế nào. Và cho đến nay cũng chưa có quy định hướng dẫn về khen thưởng doanh nghiệp tư nhân được thưởng huân chương về đóng góp của mình cho xã hội. Sự nhẫn nhục chịu đựng, kiên trì! bền gan kinh doanh phải được coi là một đức tính quan trọng của doanh nhân ngày nay. Nếu nói đến văn hóa thì đó cũng là một giá trị văn hóa của sự chịu đựng và thích nghi.
Kinh tế thị trường, cạnh tranh có luật pháp, thể chế, quy định phù hợp. Kinh doanh trong một nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa ngày nay đòi hỏi phải chiếm lĩnh khoa học công nghệ, am hiểu văn hóa, thường xuyên học hỏi, sáng tạo và tự đổi mới mình. Kinh doanh ở Trung Quốc đòi hỏi phải am hiểu văn hóa Trung Quốc, thị hiếu, khẩu vị của người Trung Quốc ở mỗi vùng trong khi kinh doanh ở nước theo đạo Hồi phải am hiểu kinh Koran và phong tục, tập quán của từng nước. Thật là vô căn cứ và võ đoán khi đồng nghĩa kinh tế thị trường với bóc lột, áp bức, dối trá, lừa đảo và vô văn hóa, vô đạo đức.
Doanh nghiệp là một loại tế bào của xã hội, doanh nghiệp không chỉ là một đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp là một cơ sở văn hóa và mỗi doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh của mình. Văn hóa của doanh nghiệp không tách rời với văn hóa của xã hội là hệ thống lớn bao gồm doanh nghiệp. Văn hóa của doanh nghiệp trước hết là tuân thủ pháp luật, là bảo đảm có lãi, không những nuôi được người lao động mà còn phát triển. Trên thế giới, từ Microsoft đến Honda, Sony đã sáng tạo ra bao nhiêu giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần phát triển văn hóa của loài người.
Một doanh nghiệp độc quyền, rất sang trọng về vật chất nhưng chính họ lại rất thiếu văn hóa và nhẫn tâm vì họ đã áp đặt phi lý gánh nặng chi phí kinh doanh lên bao nhiêu người dân. Thử hỏi quy định bắt người tiêu dùng dùng điện thoại di động gọi có 1 giây nhưng phải trả tiền cho 60 giây là có văn hóa hay vô văn hóa. Phải chăng đó là văn hóa tước đoạt hàng ngày, hàng giờ tiền bạc của người tiêu dùng lại được áp đặt bằng quyền lực hành chính?
Từ Biti's đến Thái Tuấn, gạch Đồng Tâm... mỗi doanh nghiệp đều xây dựng văn hóa và nềnnếp kinh doanh của riêng mình. Trong kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nhân có quan hệ kinh tế, xã hội với rất nhiều người trong xã hội, trong mỗi quan hệ đó đều thể hiện văn hóa kinh doanh. Trong quan hệ tín dụng với ngân hàng, từ việc cung cấp trung thực các thông tin về thực trạng tài chính của doanh nghiệp, bảo đảm đúng các cam kết với chủ nợ dẫu việc kinh doanh của mình có khó khăn. Với các đối tác kinh doanh, chữ tín là văn hóa, là phẩm chất của doanh nhân, là kỷ luật và bản lĩnh kinh doanh. Với khách hàng, bảo đảm chất lượng, không lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để lừa họ (mà trong khoa học kinh tế được xác định là sự bất đối xứng thông tin giữa người bán hàng và người mua hàng), để bán hàng kém phẩm chất, hàng rởm là văn hóa, là có lòng tự trọng và tôn trọng các giá trị tinh thần. Trong kinh tế thị trường, khách hàng được coi là tài sản của doanh nghiệp, khách hàng càng được trân trọng trong những doanh ngh
iệp làm ăn chân chính, có uy tín. Có thể kể đến người bán hàng, tiệm ăn rất chiều khách, lấy công làm lãi, chăm sóc rất chu đáo khách hàng. Phải coi người doanh nhân biết xuất khẩu lá chuối tươi, rau muống xào tỏi đông lạnh ở Nhà Bè, xơ dừa ở Bến Tre, rơm sạch ở Ninh Bình, tượng đá ở Đà Năng... là những người có văn hóa. Họ đã đem lại những cái coi là không có giá trị những giá trị sử dụng và thẩm mỹ mà trước đó chưa hề được phát hiện.
Điều này lại càng đúng đối với những nghề dịch vụ mà khách hàng không có khả năng kiểm nghiệm chất lượng của dịch vụ như thiết kế xây dựng, dịch vụ khám, chữa bệnh, giải phẫu thẩm mỹ hay dịch vụ tư vấn luật pháp, kiểm toán... Xã hội cần đề cao những doanh nhân trung thực, nêu cao trách nhiệm và các giá trị tinh thần trong kinh doanh. Muốn vậy, doanh nghiệp và doanh nhân không chỉ coi trọng lợi nhuận là giá trị duy nhất mà còn rất coi trọng sự đóng góp cho xã hội từ đóng thuế đến tạo ra việc làm hay cả niềm vui của khách hàng thỏa mãn với sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp. Sản phẩm ở đây hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là sản phẩm vật chất (may mặc, xe máy hay đồ chơi trẻ em), tinh thần như tư vấn, sức khoẻ, sự hài lòng của khách hàng mà bao gồm cả con người đối với các cơ sở đào tạo. Không thể nào coi là có văn hóa nếu như các trường sản xuất ra những “người rởm", bằng cấp thật nhưng kiến thức, nhân cách, tinh thần làm việc, tinh thần trách nhiệm đều rất kém cỏi. Văn hóa ở đây vượt lên trên sự hào nhoáng của xe cộ, hội sở, quần áo hay các nữ thư ký mặc sành điệu. Văn hóa ở đây nằm trong sản phẩm kinh doanh, mỗi hành vi kinh doanh, mỗi hợp đồng, mỗi cam kết của doanh nhân.
Trong nội bộ doanh nghiệp, hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả các Trường học, Viện nghiên cứu, văn hóa thấm sâu trong từng mối quan hệ trong doanh nghiệp giữa giám đốc với công nhân, giữa doanh nghiệp với khách hàng... Vừa qua chúng ta đã phải chứng kiến những hành vi rất vô văn hóa của chuyên gia đánh công nhân, đối xử tàn tệ với người lao động ở một vài doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. May mắn thay những việc đó chưa phát hiện ở doanh nghiệp tư nhân trong nước, nếu không sự lên án và thành kiến chưa biết đến mức nào.
Đương nhiên, trong doanh nghiệp tư nhân còn không ít hành vi vô văn hóa và phản văn hóa, làm ăn chụp giật. Song, số ít đó không phải là đặc quyền cố hữu của doanh nghiệp tư nhân mà như các vụ án về bà Trương Thị Thanh Hương ở lương thực An Giang hay Mai Văn Huy ở Đồng Tháp và các vụ bê bối về hầm, về cầu, về đường... khác cho thấy thì trong doanh nghiệp nhà nước cũng không phải là không có. Vơ đũa cả nắm, thành kiến còn tệ hại hơn sự ngu dốt vì nó bất chấp sự thật và dẫn đến những thái độ sai lầm.
Và để cho kinh doanh có văn hóa, doanh nghiệp có văn hóa thì công sở, cơ quan nhà nước các cấp cũng phải có văn hóa, viên chức phải hành xử đúng pháp luật, có trách nhiệm và có văn hóa. Không thể đòi hỏi doanh nghiệp trong sạch nếu bộ máy tham nhũng, doanh nghiệp phải có văn hóa trong khi viên chức nhà nước ứng xử tư lợi và thiếu văn hóa. Muốn có văn hóa doanh nghiệp thì trước hết các công sở phải có văn hóa trong đối xử với công dân và doanh nghiệp. Viên chức Nhà nước tự ý lạm dụng quyền hạn, hành động vượt quá quy định pháp luật, bắt chẹt, làm khó cho doanh nghiệp không thể coi là có văn hóa.
Vì vậy toàn xã hội và mỗi một doanh nghiệp hãy cùng phấn đấu để doanh nghiệp và công sở đều hoạt động đúng pháp luật và đúng văn hóa. Hãy tôn vinh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có năng lực cạnh tranh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và cho tiến bộ xã hội. Và phải lên án những hành vi vô văn hóa hay phản văn hóa khi chúng xuất hiện ở bất cứ đâu để cho cái tốt, cái thiện được phát triển. Vì đất Việt chúng ta từ ngàn xưa đã là đất văn hiến. Chấn hưng nền văn hiến đó, đạt được thịnh vượng và phồn vinh trong thế kỷ thứ XXI này, đó phải là sự nghiệp của tất cả chúng ta.
(Theo Lê Đăng Doanh - Tạp chí Văn hóa doanh nhân)
Bài thuộc chuyên đề: Văn hóa kinh doanh - Văn hóa doanh nghiệp
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com