Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Văn hóa kinh doanh: 11. Khái niệm và bản chất của văn hóa - Phần 1

Khái niệm và bản chất của văn hóa
 

1. Khái niệm văn hóa

Muốn nghiên cứu vai trò của văn hóa đối với phát triển, trước tiên phải có một khái niệm chính xác và nhất quán về văn hóa cũng như cấu trúc của nó. Trên thực tế, cũng đã có rất nhiều người cố gắng định nghĩa văn hóa. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có được một sự nhất trí và cũng chưa có định nghĩa nào thoả mãn được cả về định tính và định lượng. Điều đó, theo tôi, có những nguyên nhân sau đây:

Trước hết, trong số những người nghiên cứu văn hóa, hoặc, như người ta thường gọi, những nhà văn hóa, ngoài những định kiến và những hạn chế có tính chất lịch sử, rất nhiều người bị mắc những bệnh nghề nghiệp. Họ thường qui văn hóa vào những lĩnh vực hạn hẹp cụ thể, thường bói văn hóa, cũng như bói cuộc sống nói chung, theo kiểu thầy bói xem voi, bằng cách xem xét những bộ phận cá biệt của nó chứ chưa có một cách tiếp cận tổng thể.

Thứ hai, văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, rất phong phú và phức tạp, do đó khái niệm văn hóa cũng đa nghĩa. Khi đề cập đến nó mỗi người có một cách hiểu riêng tùy thuộc vào góc độ tiếp cận của họ là điều dễ hiểu.

Thứ ba, giống như tất cả các ngành khoa học xã hội khác, ngành văn hóa học có lịch sử phát sinh và phát triển lâu dài trong lịch sử loài người. Trong quá trình lịch sử đó nội dung của khái niệm văn hóa cũng thay đổi theo.

Tôi cho rằng văn hóa, nói một cách giản dị, là những gì còn lại sau những chu trình lịch sử khác nhau, qua đó người ta có thể phân biệt được các dân tộc với nhau. Thông qua mỗi một chu kỳ của sự phát triển, dân tộc đó tương tác với mình và với những dân tộc khác, cái còn lại được gọi là bản sắc, hay còn gọi là văn hóa.

Ở đây, tôi gần gũi với cựu Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor khi ông đưa ra một định nghĩa: "Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát và sông động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khử cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành một hệ thông các giá trị, truyền thống thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng địinh bản sắc riêng của mình".

Văn hóa là một hiện tượng khách quan, là tổng hoà của tất cả các khía cạnh của đời sống. Ngay cả những khía cạnh nhỏ nhặt nhất của cuộc sống cũng mang những dấu hiệu văn hóa. Rất nhiều thứ mới thoạt nhìn thì giống nhau, nhưng nếu xem xét kỹ thì lại có những điểm riêng biệt. Trong thực tế, không có sự giống nhau tuyệt đối.

Gần đây, có ý kiến cho rằng trên thế giới đang diễn ra hiện tượng xâm lược về văn hóa như là sự tiếp tục của những cuộc xâm lược bằng súng đạn và kinh tế. Tôi không đồng ý như vậy. Bởi văn hóa là hoà bình, văn hóa là không xâm lược. Cảm giác bị xâm lược, nếu có, chẳng qua là cái cảm giác và sĩ diện của kẻ yếu. Chúng ta đang sống trong một thế giới duy nhất và cũng có thể nói là thống nhất. Chúng ta phải bắt đầu từ mô hình kinh tế mà Alvin Tofler từng mô tả bằng hình ảnh "con tàu vũ trụ”. Trái đất là một kho chứa hữu hạn các nguồn năng lượng sống và toàn cầu hóa là một quá trình để tiết kiệm nguồn năng lượng ấy bằng cách đảm bảo không sản xuất thừa, không sử đụng nguyên liệu một cách bừa bãi trên phạm vi toàn cầu. Nhưng cùng với quá trình hội nhập về mặt kinh tế còn có một quá trình khác luôn luôn tồn tại bên cạnh, và thậm chí đã đi trước, đó là sự hội nhập về mặt văn hóa. Sự hội nhập về mặt văn hóa chính là quá trình con người đi tìm ngôn ngữ chung cho một cuộc sống chung. Quan niệm về sự xâm lược văn hóa là
quan niệm của những cộng đồng người chỉ có kinh nghiệm hình thành trong quan hệ phát triển lưỡng cực, những kinh nghiệm chiến tranh, nhất là chiến tranh lạnh. Văn hóa không phải là ý thức của tôi, của anh hay của bất kỳ ai, mà thuộc về con người một cách tự nhiên. Con người khi sống chung với nhau sẽ gây ảnh hưởng lẫn nhau. Đến phương Tây ta sẽ nhìn thấy rằng trong ngôi nhà nào của người Mỹ, người Anh, người Pháp...cũng có một vài vật dụng gì đó, một vài thứ souvenirs gì đó từ phương Đông. Đôi khi trong xã hội phương Tây người ta có xu hướng xem sự hiện hữu của một vài kỷ vật, một vài đồ trang trí từ phương Đông như là dấu hiệu của tầng lớp thượng lưu hoặc văn minh. Đó là sự đan xen lẫn nhau của cuộc sống, đấy là sự chung sống hoà bình của quá khứ, và đấy cũng chính là cơ sở văn hóa của sự chung sống hoà bình trong tương lai.

2. Văn hóa và văn minh

Hai khái niệm rất hay bị đồng nhất này tuy rất gần gũi nhưng thực ra không phải là một và chỉ có thể coi như đồng nghĩa trong một vài trường hợp cụ thể, chẳng hạn khi người ta đối lập văn minh với bạo tàn.

Thông thường, văn minh được dùng để chỉ trình độ phát triển về vật chất và tinh thần của nhân loại đến một thời kỳ lịch sử nào đó. Một số nhà nghiên cứu, chẳng hạn Alvin Tomer, sử dụng chúng để phân chia lịch sử thành văn minh tiền nông nghiệp, văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp. Có quan điểm lại cho rằng văn minh là một khái niệm rộng hơn văn hóa, rằng văn minh là sự tổng hoà của văn hóa và xã hội, là sự thể hiện được những hình thức thực tiễn cụ thể của văn hóa trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống như lao động sản xuất, lối sống, hành vi ứng xử...

Trong thực tế, chúng ta thấy có những tộc người chưa có văn minh vẫn có văn hóa của mình. Đôi khi trên sách báo, chúng ta gặp những nhận xét, đánh giá độ cao thấp của các nền văn minh, trong khi đó lại có những người cho rằng các nền văn hóa thực ra là như nhau, rằng việc chúng ta đánh giá cái này cao hơn, cái kia mạnh hơn là do cách nhìn của chúng ta, còn các nền văn minh, những nền văn hóa ở Aztec chẳng hạn, từ cách đây mấy nghìn năm cũng không kém gì nền văn minh ở phương Tây hiện nay...

Tôi nghĩ rằng, tất cả những nhà nghiên cứu về văn hóa đang lấy cái mẫu của thời xưa, khi chỉ cần sự ngăn cách về địa lý là đủ để ngăn cách các cộng đồng người. Nhân loại hiện đại, bằng các phương tiện của mình, không còn bị giam hãm bởi các khái niệm khu trú như vậy. Nếu như các nhà nghiên cứu văn hóa của thế kỷ XXII mà vẫn lấy hình mẫu của thế kỷ XX để noi theo thì chắc chắn cũng vẫn đi đến những kết luận khác với những kết luận của những nhà nghiên cứu văn hóa của thế kỷ XX.

Chúng ta phải phân biệt nghiên cứu về văn hóa như một quá trình vận động, như một yếu tố xã hội, với nghiên cứu lịch sử văn hóa, nghĩa là xem xét nó như một phiên bản tĩnh. Chúng ta cũng không nên phê phán những người lấy sự phát hiện và phân biệt những khía cạnh khác nhau của các nền văn minh làm mục đích nghiên cứu. Bởi vì họ nghiên cứu lịch sử văn hóa chứ không phải nghiên cứu văn hóa. Văn hóa đang và sẽ còn bớt đần sự cát cứ, còn nghiên cứu lịch sử văn hóa thì không bao giờ có sự cát cứ như vậy. Nói như vậy không có nghĩa là không có sự khác nhau về ảnh hưởng. Một cộng đồng lớn sẽ có khả năng tạo ra một vùng ảnh hưởng lớn hơn, đa dạng hơn, bởi càng đông thì tính đa dạng càng lớn. Tính đa dạng về mặt tính cách của con người sẽ tạo ra tính đa dạng về mặt đời sống văn hóa. Sự lan toả của một cộng đồng lớn sẽ mạnh hơn.

Tuy vậy, khi nghiên cứu văn hóa không nên đặt mục tiêu là xác định nó lớn hay bé, mà nên xem nó có độc đáo hay không, có lạ lẫm hay không, có những sáng tạo gì, có đóng góp gì và đặc biệt là nó có đóng góp gì cho văn hóa chung của nhân loại. Tôi nghĩ rằng nghiên cứu như thế mới giúp ta tìm ra được giá trị thật của văn hóa.

(Theo Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group - Sách Văn hóa và Con người)

Bài thuộc chuyên đề: Văn hóa kinh doanh - Văn hóa doanh nghiệp

  • Miễn dịch cho các tổ chức (Phần I)
  • Miễn dịch cho các tổ chức: (Phần II)
  • Chia sẻ kinh nghiệm trong giai đoạn mới
  • Ứng xử với những nền văn hóa khác nhau
  • Home Depot - Một kế hoạch thay đổi văn hóa công ty
  • Văn hóa kinh doanh: 12. Khái niệm và bản chất của văn hóa - Phần 2
  • Văn hóa kinh doanh: 13. Xây dựng nền văn hóa kinh doanh - Phần 1
  • Văn hóa kinh doanh: 14. Xây dựng môi trường làm việc lý tưởng
  • Văn hóa kinh doanh: 15. Xây dựng nền văn hóa kinh doanh - Phần 2
  • Văn hóa kinh doanh: 16. Thay đổi văn hóa công ty - Phần 1
  • Văn hóa kinh doanh: 17. Thay đổi văn hóa công ty - Phần 2
  • Văn hóa kinh doanh: 18. Giữ chân người tài bằng văn hoá - Phần 1
  • Văn hóa kinh doanh: 19. Giữ chân người tài bằng văn hoá - Phần 2
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com