Xây dựng nền văn hóa kinh doanh
Nhà thơ Chế Lan Viên có viết “Quá khứ không chỉ ở sau lưng, quá khứ còn ở trước mặt”. Một câu thơ không nổi tiếng lắm nhưng thật là thông thái: Chúng ta cần và phải nhìn lại tiến trình của lịch sử dân tộc nếu muốn tìm ra con đường phát triển đất nước cho tương lai. Lịch sử thật hào hùng, nhưng chúng ta không thể dừng lại mà phải từ lịch sử hào hùng đó đi lên, phải giành lấy một tương lai tươi sáng. Bác Hồ dã dạy rằng nếu đất nước độc lập mà nhân dân vẫn không đạt cơm no áo ấm dù độc lập cũng là vô nghĩa.
Vậy chúng ta còn thiếu những gì? Tại sao với rừng vàng biển bạc,có nhân dân cần cù, lại được lãnh đạo bởi một Đảng vững mạnh, giàu kinh nghiệm và ý chí, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu có qúa nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan mà chúng tôi không định và cũng không thể đề cập hết tại đây. Nhưng có một lý do rất quan trọng, và ngày càng trở nên quan trọng hơn từ khi chúng ta tiến hành mở cửa, dồi mới và xây dựng một nền kinh tế thị trường - chúng tôi muốn nói đến một thực trạng là chúng ta chưa có một cộng đồng doanh nhân chuyên nghiệp cũng như một nền văn hóa kinh doanh.
Sự non kém của cộng đồng kinh doanh nhiều khi bị coi là hậu quả của những sai lầm trong chính sách kinh tế xã hội, nhưng theo chúng tôi không hoàn toàn đúng như vậy. Đúng là những sai lầm thời kinh tế tập trung bao cấp có nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhưng còn có nhiều yếu tố mà chúng ta cần phải phân tích một cách khách quan và khoa học.
Thực ra, trong xã hội Việt Nam, doanh nhân chưa bao giờ được tôn trọng tương xứng với vai trò của họ đối với sự phát triển đất nước. Do ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo, người ta xếp doanh nhân vào địa vị thấp kém. Lối xếp hạng Sĩ - Nông - Công - Thương từ lâu vẫn tồn tại trong ý thức và tâm lý cộng đồng người Việt. Vì thế cha mẹ thường chỉ thích cho co đi học, thi cử đỗ đạt làm qua chứ không muốn cho con trở thành doanh nhân. Vai trò và thực lực của tầng lớp doanh nhân trong lịch sử dân tộc hết sức mờ nhạt, chúng ta không có những doanh nhân xuất sắc để phát triển kỹ nghệ và thúc đẩy thương nghiệp. Người Việt Nam bằng lòng với những con quyền nan quanh quẩn trên sông hồ mà quyên đi cái bao la của đại dương. Trong suốt tiến trình phát triển, so với các nước phát triển, thậm chí nhiều nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, dân tộc ta chưa bao giờ có được một tầng lớp doanh nhân theo đúng tên gọi.
Thời kỳ thuộc Pháp, một số nhà doanh nhân dân tộc xuất hiện nhưng vấp phải sự cạnh tranh dữ dội của tư bản chính quốc nên phần lớn không đứng vững và phát triển. Những sai lầm của chúng ta trong thời kỳ kinh tế tập trung vừa qua đã đẩy tầng lớp này đến tình trạng gần như bị triệt tiêu. Khi đó, nhà doanh nghiệp gần như đồng nghĩa với kẻ xấu - những kẻ ăn bám hoặc trục lợi bất chính.
Chính sách đổi mới đã đặt dấu chấm hết cho những quan điểm ấu trĩ mang nặng định kiến đó. Người ta không còn coi giàu có là một “tội lỗi”, không còn coi tầng lớp doanh nhân như những kẻ xấu xa nữa. Nhưng một trang mới đã mở ra chưa? Theo chúng tôi thì chưa. Giàu có không còn là tội lỗi nhưng doanh nhân – những người đóng vai trò quyết định trong việc tạo nên sự giàu có ấy, vẫn chưa được tôn vinh. Tình trạng này, theo chúng tôi cần xem xét từ hai phía: phía xã hội và phía các doanh nhân.
Từ phái xã hội, ở đaya chúng tôi muốn nói đến xã hội theo nghĩa rộng nhất, chúng ta phải nhận rằng quá trình đổi mới tư duy đã không theo kịp những đòi hỏi của cuộc sống. Cho mãi đến gần đây, việc thành lập doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn. Doanh nhân không những gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình hoạt động mà còn trở thành đối tượng bị phân biệt đối xử. Doanh nhân thậm chí vẫn bị coi là tầng lớp bóc lột, mặc dù với trí tuệ và kinh nghiệm quản lý của mình, họ đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra công ăn việc làm, cũng có nghĩa là tạo nên thu nhập cho người lao động và góp phần ổn định xã hội và phát triển đất nước. Cuộc tranh luận khá lâu và vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ trong nội bộ Đảng CSVN về việc Đảng viên kinh doanh cũng thể hiện phần nào cách nhìn như vậy.
Từ phía các các doanh nhân, mặc dù đã có được bước phát triển vượt bậc vẫn chưa thoát khỏi tình trạng kinh doanh manh mún, không chuyên nghiệp, không có chiến lược dài hạn. Một số thậm chí kinh doanh theo lối chụp giật, phi pháp và không thực hiện đúng những nghĩa vụ của mình với Nhà nước và xã hội. Chính đó là một trong những lý do khiến cho hình ảnh của nhiều doanh nhân bị bóp méo. Ngoài ra cũng phải nói rằng, về mặt tâm lý, chính các nhà doanh nhân cũng nhiều khi không dám tin tưởng vào vai trò và sứ mạng của mình. Một số thiếu dũng cảm hoặc ý chí để quyết định đầu tư dài hạn.
Nhưng cuộc sống sẽ không cho phép chúng ta dừng lại. Đổi mới hay là chết - ai đó đã nêu lên khẩu hiệu này, khẩu hiệu mà chúng tôi cho rằng không phải là quá đáng. Trong một thế giới biến đổi mau lẹ như thế giới ngay nay, để tồn tại và phát triển chúng ta phải có khả năng thích ứng, tự hoàn thiện để có thể hợp tác, hội nhập và nắm bắt các cơ hội một cách kịp thời. Chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường mà trong nền kinh tế thị trường, nòng cốt chính là các doanh nhân. Chúng tôi cho rằng hiện nay vai trò của doanh nhân là quan trọng hơn bao giờ hết.
Để hoàn thành tốt sứ mạng của mình, nhà doanh nghiệp cần phải đạt tới những tiêu chuẩn nhất định, và đến lượt mình các tiêu chuẩn đó lại có thể được xây dựng trên một nền văn hóa kinh doanh tiên tiến. Nhiệm vụ của chúng ta chính là xây dựng hệ tiêu chuẩn doanh nhân Việt Nam và nền văn hóa kinh doanh như thế.
Thực ra vấn đề không hoàn toàn mới. Con người, nói như C.Mác là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Dù hoạt động trong lĩnh vực nào, người ta cũng cần phải có những quy tắc chung để chung sống và hơn nữa, để phát triển. Vai trò của các quy tắc chung đó là định hướng hoạt động của mỗi cá nhân phải phù hợp hay ít nhất là không đi ngược lại lợi ích chung.
Nền văn hóa doanh nhân được thể hiện và chỉ có thể được thể hiện qua các doanh nhân. Xây dựng hệ tiêu chuẩn doanh nhân là một công việc lớn, cần có sự đóng góp của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đưa ra một vài ý tưởng ban đầu.
1. Các phẩm chất cá nhân
a) Chủ nghĩa yêu nước và ý thức công dân
Nói đến doanh nhân là nói đến khát vọng làm giàu, nhưng trước khi là doanh nhân thì doanh nhân phải là một công dân, hơn nữa, là một công dân yêu nước. Chúng ta thường nói nhiều lời văn hoa bóng bẩy về chủ nghĩa yêu nước nhưng cụ thể yêu nước là gì? Theo chúng tôi, trong thời đại ngày nay, khi đất nước đã độc lập và thống nhất, yêu nước chính là làm cho "dân giàu nước mạnh”, như khẩu hiệu mà Đại hội Đảng đã đề ra. Một doanh nhân yêu nước phát biết kết hợp lợi ích cá nhân với lợi ích của đất nước.
Những kẻ vì lợi ích của cá nhân mà gây hại cho môi trường và cảnh quan đất nước,những kẻ thông qua đầu cơ, tham nhũng để nhanh chóng đạt lầy sự giàu có vật chất bằng mọi giá không thể là những doanh nhân yêu nước. Ngược lại, chúng ta phái tôn vinh nhưng người làm giàu chính đáng, bởi chính họ đem đến sự thịnh vượng cho đất nước.
b) Các giá trị nhân bản
Doanh nhân là những người trực tiếp tổ chức, điều hành và quản lý quá trình vận hành của nền kinh tế, tức là quá trình sáng tạo và nâng cao các giá trị vật chất cho xã hội. Chính sứ mạng và vai trò đó khiến cho doanh nhân có một vị trí đặc biệt. Họ có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực, nguồn tài nguyên và tài sản vật chất của xã hội. Vì thế, hơn ai hết, họ phải là nhũng người ý thức sâu sắc về những giá trị nhân bản, điều sẽ tạo nên tính cân đối trong đời sống.
(Theo Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch HĐQT Investconsul Group - Văn hóa doanh nhân)
Bài thuộc chuyên đề: Văn hóa kinh doanh - Văn hóa doanh nghiệp
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com