Tôi đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) một năm với một trường ĐH. Hợp đồng có ghi nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì tôi phải đền bù gấp 10 lần các khoản phụ cấp, các khoản cho công tác đào tạo bồi dưỡng và tôi phải nộp bằng gốc cho trường. Xin hỏi nếu hết HĐLĐ một năm mà tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng thì có phải đền bù các khoản đó không? Và tôi có được nhận lại bằng cùng với sổ bảo hiểm và các khoản phụ cấp nghỉ việc không? (hoadongnoi@...) - Nếu bạn ký hợp đồng lao động một năm với trường ĐH ngoài công lập thì theo khoản 4 phần III Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH, ngày 22-9-2003 của Bộ LĐ-TB&XH quy định việc bồi thường chi phí đào tạo như sau: a) Người lao động (NLĐ) được đào tạo ở trong nước hoặc ở nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động (NSDLĐ), kể cả kinh phí do nước ngoài tài trợ cho NSDLĐ, sau khi học xong phải làm việc cho NSDLĐ một thời gian do hai bên thỏa thuận. b) NLĐ tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, trừ các trường hợp quy định tại điều 37 Bộ luật lao động (BLLĐ), khi chưa học xong hoặc học xong không làm việc cho NSDLĐ đủ thời gian như đã thỏa thuận thì phải bồi thường mức chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi phí cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy móc thiết bị, vật liệu thực hành và các chi phí khác hỗ trợ cho người học do NSDLĐ tính có sự thỏa thuận của NLĐ. Thỏa thuận nêu ở điểm a và điểm b trên đây phải bằng văn bản có chữ ký của NSDLĐ và NLĐ. Chiếu theo quy định pháp luật nêu trên, nếu giữa bạn với trường ĐH không có thỏa thuận bằng văn bảnvề thời gian bạn phải làm việc cho trường sau khi được đào tạo xong từ nguồn kinh phí do trường cấp cho bạn thì khi hết HĐLĐ một năm, đương nhiên HĐLĐ được ký kết giữa bạn với trường được chấm dứt thuộc trường hợp hết hạn hợp đồng (theo quy định tại khoản 1 điều 36 BLLĐ). Trong trường hợp này, bạn không đơn phương chấm dứt HĐLĐ, do đó bạn hoàn toàn không phải bồi thường chi phí đào tạo. Do vậy bạn đương nhiên được hưởng trợ cấp thôi việc theo đúng quy định tại điều 42 BLLĐ (trường hợp trường ĐH nơi bạn làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp cho bạn thì bạn không được hưởng trợ cấp thôi việc mà được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật BHXH). Nếu giữa bạn với trường đại học có thỏa thuận bằng văn bản về thời gian bạn phải làm việc cho trường sau khi được đào tạo xong từ nguồn kinh phí do trường cấp cho bạn, nhưng bạn không làm việc cho trường đủ thời gian như đã thỏa thuận mà tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật thì bạn mới phải bồi thường chi phí đào tạo. Mức bồi thường chi phí đào tạo được tính theo đúng quy định tại điểm b khoản 4 phần III Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH, còn việc thỏa thuận mức bồi thường chi phí đào tạo như bạn nêu trên là trái luật. Trường hợp này bạn không được hưởng trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên nếu bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo đúng quy định tại điều 37 BLLĐ thì bạn không phải bồi thường chi phí đào tạo và vẫn được hưởng trợ cấp thôi việc. Nếu bạn ký HĐLĐ một năm với trường ĐH công lập thì theo điều 12 Nghị định 54/2005/NĐ-CP, ngày 19-4-2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức quy định: 1. Công chức, viên chức sau khi được cử đi đào tạo mà chưa hết thời gian yêu cầu phục vụ quy định tại khoản 2 điều 13 của Nghị định 54/2005/NĐ-CP mà tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. 2. Công chức, viên chức đang trong thời gian được cử đi đào tạo tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Điều 13 Nghị định 54/2005/NĐ-CP quy định về chi phí đào tạo được tính để bồi thường và cách tính chi phí bồi thường như sau: 1. Các khoản chi phí đào tạo được tính để bồi thường bao gồm: các khoản chi cho khóa đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) tính theo từng người được đào tạo có thời gian từ 3 (ba) tháng trở lên từ nguồn ngân sách nhà nước, từ nguồn tài chính viện trợ chính thức của nước ngoài cho Việt Nam, từ nguồn tài chính của cơ quan, đơn vị. 2. Cách tính chi phí bồi thường: a) Đối với công chức, viên chức đang trong thời gian được cử đi đào tạo mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc trở về cơ quan, đơn vị mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc ngay thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo của khóa học đó. b) Đối với các trường hợp khác thì chi phí bồi thường được tính như sau: Căn cứ vào thời gian yêu cầu phục vụ và thời gian công chức, viên chức làm việc liên tục tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành khóa đào tạo và tổng chi phí của khóa đào tạo để tính mức bồi thường như sau: Chi phí đào tạo phải bồi thường = [(Thời gian yêu cầu phục vụ - Thời gian làm việc sau khi đào tạo) : Thời gian yêu cầu phục vụ] x Tổng chi phí của khóa đào tạo. Trong đó: thời gian yêu cầu phục vụ được quy định gấp 3 (ba) lần so với thời gian của khóa đào tạo. Căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên, nếu thời gian bạn được đào tạo từ 3 tháng trở lên và sau khi được đào tạo xong bạn làm việc chưa hết thời gian yêu cầu phục vụ (thời gian yêu cầu phục vụ gấp 3 lần so với thời gian của khóa đào tạo), và hợp đồng làm việc có thời hạn 1 năm giữa bạn với trường vẫn còn hiệu lực mà bạn tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì bạn phải bồi thường chi phí đào tạo. Mức bồi thường chi phí đào tạo được tính theo đúng quy định pháp luật nêu trên, chứ không phải theo mức bạn hỏi. Trong trường hợp này bạn không được hưởng chế độ thôi việc. Còn trường hợp bạn hết HĐLĐ 1 năm mà không được trường ký tiếp hợp đồng làm việc thì khi bạn nghỉ việc, bạn không phải bồi thường chi phí đào tạo và được hưởng chế độ thôi việc. Về việc nhận lại sổ bảo hiểm: điểm c khoản 1 điều 18 Luật BHXH quy định: NSDLĐ có trách nhiệm trả sổ BHXH cho NLĐ khi người đó không còn làm việc. Ngoài ra việc trường buộc bạn phải nộp văn bằng gốc cho trường khi hai bên ký kết HĐLĐ là hoàn toàn trái luật (trái quy định tại khoản 2 điều 8 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18-4-2003 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn một số điều của BLLĐ về việc làm). Do đó khi bạn nghỉ việc đương nhiên trường phải có trách nhiệm trả lại cho bạn văn bằng gốc và sổ BHXH. Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP
(Văn phòng luật sư Gia Thành)// Theo Tuổi Trẻ
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com