Xin hỏi cách tính giá cổ phiếu dự kiến trong ngày giao dịch đầu tiên của một công ty cổ phần? Nguyễn Mạnh Trường, 187B - Giảng Võ, Hà Nội.
Trả lời:
Xác định giá cổ phiếu dự kiến niêm yết là công việc rất quan trọng, đòi hỏi mức độ thận trọng và tinh thần trách nhiệm cao của công ty niêm yết và tổ chức tư vấn, vì quyền lợi của các cổ đông.
Có một số phương pháp xác định giá cổ phiếu dự kiến khi niêm yết trên sàn giao dịch trong ngày đầu tiên, như căn cứ theo giá trị sổ sách (book value), chỉ số P/E bình quân của ngành hoặc căn cứ theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF). Thực tế, phần lớn doanh nghiệp áp dụng 2 phương pháp là P/E và DCF.
DCF là phương pháp thông dụng trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, thường được sử dụng trong việc xác định giá khởi điểm của cổ phần khi đấu giá lần đầu hay chào bán cho các tổ chức. Tuy nhiên, việc định giá này thường được áp dụng với giả định tĩnh, tức là dự toán mức cổ tức chủ yếu trong một số năm sắp tới (thông thường là 5 năm) và không đề cập đến việc tăng vốn (huy động vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu) trong khoảng thời gian đó.
P/E là một trong những chỉ số mang tính phổ biến, dễ thuyết phục trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay và được nhiều công ty sử dụng do so sánh được với mức bình quân ngành hay các công ty cùng ngành đã niêm yết. Nhiều cổ phiếu trước khi niêm yết đã được giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC), được định giá lại qua cung - cầu nên việc xác định giá niêm yết dự kiến theo phương pháp này có vẻ gần sát với "thời giá" hơn. Tuy nhiên, việc xác định giá niêm yết dự kiến theo kiểu so sánh với P/E của công ty khác cũng có rủi ro. Đó là P/E của các công ty khác có thể đã cao so với bình quân toàn thị trường hay bình quân ngành.
Căn cứ vào giá trị sổ sách của doanh nghiệp để làm cơ sở giá niêm yết lần đầu trên sàn giao dịch trong nhiều trường hợp là chưa hợp lý vì giá trị sổ sách chỉ phản ánh giá trị của doanh nghiệp trong quá khứ, trong khi các nhà đầu tư thường quan tâm đến giá trị tương lai của doanh nghiệp hơn là giá trị quá khứ.
Trong thực tế, tổ chức tư vấn và công ty niêm yết thường sử dụng nhiều phương pháp định giá khác nhau, có công bố kèm thêm giải thích để giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn hợp lý hơn vào giá trị của cổ phiếu khi niêm yết lần đầu.
(Theo tinnhanh.com)
Bài thuộc chuyên đề: Hỏi đáp chứng khoán
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com