Ba nhóm rủi ro đòn bẩy tiêu dùng và hai rủi ro cơ cấu đã làm tiêu tan các khoản lợi nhuận, thậm chí là sự tồn vong, của nhiều công ty trong năm qua.
Theo lẽ tự nhiên, một công ty càng trực tiếp tham gia vào việc cấp tín dụng tiêu dùng cho khách hàng thì nó càng dễ bị tổn thương trước tỷ lệ đòn bẩy tiêu dùng. Những công ty trực tiếp tài trợ cho các khoản mua sắm của khách hàng sẽ lâm vào cảnh không còn phương án cứu chữa một khi khách hàng hết hạn mức tín dụng và phải cắt giảm chi tiêu.
Đây là kịch bản chung cho những công ty bán hàng tiêu dùng giá trị cao như ôtô, gỗ nội thất, đồ điện tử và đồ gia dụng. Khi kinh tế suy thoái, các công ty này phải đối mặt với ba khó khăn cùng lúc.
Ảnh: Corbis |
Thứ nhất, doanh số sản phẩm sụt giảm nhanh chóng. Đồng thời, khoản thu nhập lãi vay từ hoạt động tài trợ doanh số bán hàng mới trong tương lai thường có ý nghĩa rất quan trọng, nay cũng tụt giảm. Và sau cùng, việc người tiêu dùng vỡ nợ và không thể thanh toán các khoản mua sắm trước đây khiến dòng thu nhập từ hoạt động bán hàng này lâm nguy.
Các nhà quản lý trong những ngành nghề nói trên cần làm việc cật lực để tìm ra cách hạn chế mức độ phụ thuộc của công ty vào những dòng doanh thu như thế. Hay ít nhất họ cũng nên lường trước tình huống lợi nhuận sụt giảm, xem nó như một dạng rủi ro đòn bẩy tiêu dùng không thể tránh khỏi trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.
Các công ty chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng
Các nghiên cứu đã cho thấy khi có thẻ tín dụng, người tiêu dùng thường tiêu xài nhiều hơn so với khi họ chỉ có tiền mặt; do đó, một sự thay đổi dù là rất khiêm tốn của tỷ lệ đòn bẩy tiêu dùng cũng gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận của công ty. Sự bất ổn trong chi tiêu này có thể khiến các nhà quản lý trên khắp thế giới lo ngại thực sự.
Hơn nữa, tỷ lệ vỡ nợ tăng sẽ đẩy mức phí tại các công ty thẻ tín dụng lên cao hơn bởi họ phải cố gắng dự phòng cho ngày càng nhiều rủi ro. Điều gây khó khăn ở đây không chỉ là số người vỡ nợ mà số tiền vỡ nợ đang ngày một gia tăng. Do nhiều khách hàng chưa tận dụng hết hạn mức tín dụng của mình nên khả năng những khoản nợ này tiếp tục tăng vẫn còn rất cao.
Do các công ty thẻ tín dụng đang đặt ra hạn mức và một mức phí mới cho cả người tiêu dùng và các công ty bán lẻ để dự trù chi phí cho các trường hợp phá sản và để tuân thủ theo nguồn luật điều chỉnh mới, chúng tôi tin rằng doanh số bán lẻ và lợi nhuận của các công ty sẽ giảm sút nghiêm trọng. Nếu công ty bạn cũng gặp nguy hiểm trước loại đòn bẩy tiêu dùng này, bạn cần nhanh chóng gia tăng lượng tài sản dự trữ từ lúc này.
Các công ty trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng
Nhiều công ty tạo ra nguồn thu nhập lành mạnh từ việc tạo ra, tái đóng gói và mua hoặc bán tín dụng tiêu dùng. Các công ty tài chính, công ty phát hành thẻ tín dụng, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty quản lý tài sản và quỹ hưu trí, và còn nhiều công ty khác nữa, đều sẽ chịu tác động trực tiếp của rủi ro đòn bẩy tiêu dùng.
Trong giai đoạn suy thoái, khi tỷ lệ đòn bẩy tiêu dùng cao, dòng doanh thu có thể cạn kiện nhanh chóng khi người tiêu dùng ngưng tìm kiếm nguồn tín dụng mới vì gánh nặng nợ nần, còn ngân hàng cũng giới hạn cho vay so với trước kia. Khi những khách hàng được tiếng là đáng tin cậy trước kia bị vỡ nợ, các sản phẩm chứng khoán hóa cũng mất giá nhanh chóng và quá trình chứng khoán hóa các sản phẩm mới cũng chậm đi, từ đó góp phần ngăn chặn tốc độ làn truyền hay phát tán rủi ro.
Hơn nữa, do thẻ tín dụng không giống như vay cầm cố hay vay mua xe vì không được bảo lãnh bằng vật chế chấp, nên những công ty thẻ tín dụng hiếm khi thu hồi được tiền nếu người dùng thẻ của họ phá sản. Có thể cuộc khủng hoảng nhà ở đã chấm dứt nhưng cuộc khủng hoảng tín dụng đang đến: do đó, các nhà quản lý tài chính cần trụ vững trước số lượng phá sản tiêu dùng cao kỷ lục với những khoản tiền cao kỷ lục.
Các công ty có tỷ lệ đòn bẩy quá cao
Ảnh: Corbis |
Khó khăn với đòn bẩy tiêu dùng còn tăng lên gấp bội khi bản thân công ty lại quá lệ thuộc vào vay nợ, như ví dụ của chúng tôi về một công ty bán lẻ gỗ nội thất. Độ tín nhiệm tiêu dùng đi xuống nhanh chóng đưa công ty vào cảnh phá sản bởi vỡ nợ tiêu dùng và doanh số tụt giảm đã triệt tiêu khả năng trả lại các khoản vay của công ty.
Nhiều công ty từng tham gia cuộc bùng nổ cho vay đòn bẩy vào nửa đầu thập niên 2000 hiện đang gánh một số nợ khổng lồ trong cấu trúc vốn và đặc biệt dễ tổn thương trước loại rủi ro này bởi chúng phụ thuộc quá nhiều vào doanh số bán hàng để trả lãi vay các khoản nợ. (Nhưng trái lại, nhiều công ty về công nghệ ra đời từ nguồn vốn đầu tư mạo hiểm lại gần như không hề mắc nợ, điều này giúp cho rủi ro đòn bẩy tiêu dùng ít nguy hại hơn với những công ty này).
Chúng tôi tin rằng chính hiện tượng đòn bẩy kép này, trong đó đòn bẩy công ty còn nguy hại hơn đòn bẩy tiêu dùng, sẽ đánh gục một số tập đoàn có lịch sử lâu đời nhất thế giới.
Các công ty trong những ngành nguy hiểm
Với các số liệu thống kê, chúng ta có thể đánh giá lĩnh vực nào bị ảnh hướng lớn nhất bởi rủi ro đòn bẩy tiêu dùng. Bảng “Ai chịu nhiều rủi ro nhất?” cho chúng ta biết 10 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước những thay đổi về tỷ lệ đòn bẩy tiêu dùng.
1: Hàng tiêu dùng không thiết yếu (Consumer Discretionary): gồm những nhóm hàng tiêu dùng nhạy cảm với chu kì của nền kinh tế như: xe hơi, hàng gia dụng lâu bền (đồ điện tử gia dụng), hàng may mặc và các thiết bị giải trí, giáo dục. Nhóm dịch vụ bao gồm khách sạn, nhà hàng, trung tâm giải trí, truyền thông.
2: Hàng tiêu dùng thiết yếu (Consumer Staples): bao gồm các công ty sản xuất và phân phối lương thực, thực phẩm, nước giải khát, thuốc lá và các sản phẩm gia dụng không lâu bền, các vật dụng cá nhân. Nó cũng bao gồm các siêu thị, trung tâm bán lẻ thực phẩm và thuốc.
3: Công nghệ thông tin (Information Technology): bao gồm các công ty nghiên cứu và sản xuất phần mềm cùng các dịch vụ liên quan và các công ty sản xuất các thiết bị công nghệ phần cứng cùng các công ty sản xuất chất bán dẫn và thiết bị bán dẫn.
4: Dịch vụ tài chính (Financial Services): gồm các ngân hàng, công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư tài chính và bất động sản, các công ty cung cấp các dịch vụ tài chính khác.
5: Dịch vụ điện nước (Utilities): gồm các công ty sản xuất và phân phối điện năng, các công ty quản lý hệ thống nước, gas sinh hoạt.
6: Chăm sóc sức khỏe (Health Care): bao gồm các công ty cung cấp các dịch vụ, thiết bị chăm sóc sức khoẻ và các công ty nghiên cứu, phát triển sản xuất dược phẩm và các sản phẩm công nghệ sinh học.
7: Năng lượng (Energy): bao gồm các công ty thăm dò, khai thác, chế biến, vận tải... các sản phẩm dầu khí, than đá, nhiên liệu, chất đốt.
8: Viễn thông (Telecommunications): gồm các công ty cung cấp các dịch vụ viễn thông như: dịch vụ viễn thông cố định, không dây, băng thông rộng...
9: Công nghiệp (Industrials): gồm các công ty chế tạo các loại máy móc công nghiệp, thiết bị điện; công nghiệp quốc phòng, xây dựng, giao thông vận tải cùng các dịch vụ liên quan.
10: Nguyên vật liệu (Materials): đây là một nhóm ngành rộng bao gồm các công ty hoá chất, vật liệu xây dựng, kính, giấy, lâm sản; các công ty khai mỏ và luyện kim; các công ty sản xuất các sản phẩm bao bì đóng gói (gồm cả bao bì giấy, kim loại, thuỷ tinh).
(Theo Hoàng Đăng//William Jarvis và Ian C. MacMillan//Tuần VN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com