Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bắt đầu từ việc làm điện thoại “xanh” hơn

Blue Earth sử dụng năng lượng mặt trời, vỏ được làm bằng các chai nước tái chế.

 

Sự đón nhận của người tiêu dùng đối với “điện thoại xanh” không nồng nhiệt như với “máy tính xanh” do sản phẩm này quá đơn giản so với kỳ vọng của người tiêu dùng, nhưng các hãng sản xuất đang có những bước thay đổi để cho ra đời những chiếc điện thoại “xanh” hơn.

Tuổi đời của một chiếc điện thoại di động, theo lý thuyết, là không quá hai năm. Nhưng tại thời điểm này, chiếc điện thoại nhỏ bé đã tiêu thụ một lượng điện năng không nhỏ vì bất kỳ ai sử dụng điện thoại cũng phải sạc pin định kỳ. Những điều này cũng không có gì đáng nói nếu như rác thải từ những chiếc điện thoại không độc hại hoặc có thể tái chế dễ dàng. Không may là lượng rác thải công nghiệp hằng năm từ xác máy, phụ kiện điện thoại ngày càng nhiều hơn do nhu cầu sử dụng tăng cao và càng lúc càng khó kiểm soát.

 

Hiện nay, các hãng sản xuất đã thực hiện những bước thay đổi đầu tiên trong công nghệ sản xuất điện thoại di động, nhằm đưa ra những dòng điện thoại sử dụng các vật liệu có thể tái chế, không độc hại và dùng nguồn điện từ năng lượng mặt trời, gọi chung là dòng điện thoại xanh – Green Phone.

“Tôi nghĩ rằng trong một vài năm tới chúng ta sẽ thấy rất nhiều điện thoại xanh trên thị trường,” Van Breugel – chuyên viên thiết kế sản phẩm người Đan Mạch và là tác giả của mẫu điện thoại thân thiện với môi trường Bamboo đã được công nhận tại cuộc thi các sản phẩm điện tử xanh – có lần đã trả lời phỏng vấn đài CNN như vậy.

Các nhà sản xuất điện thoại di động đang hy vọng các dự báo về nhu cầu sử dụng điện thoại xanh gia tăng trong tương lai gần sẽ sớm trở thành sự thật.

Một số công ty lớn cũng đang bắt đầu cho ra đời các loại điện thoại xanh để đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng và họ cũng luôn tìm cách để nâng cấp chúng lên các công nghệ mới nhất.

Trên thực tế, các hãng sản xuất điện thoại đang đối mặt với tình trạng cạnh tranh gay gắt bên cạnh áp lực về doanh số, lợi nhuận cũng như sức ép từ các vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất hơi dè dặt trước phản ứng đón nhận không mấy nồng nhiệt của người tiêu dùng đối với dòng điện thoại xanh, điều này khác hẳn so với dòng máy tính xanh.  Vì sao những chiếc điện thoại xanh – có ít carbon và những vật liệu gây độc hại như thủy ngân, chì… trong thành phần cấu thành – lại không thu hút được người tiêu dùng?

Xanh… nhưng quá đơn giản

Moto W233 được làm từ các chai nhựa tái chế.

Một câu hỏi chưa được trả lời là người tiêu dùng sẽ phải trả bao nhiêu tiền cho các điện thoại xanh này. Theo Tom Byrd, chuyên viên phân tích công nghệ của tổ chức CCS Insight UK, có một số cuộc nghiên cứu cho rằng mọi người đã sẵn sàng nhưng cũng có một số người không thật sự quan tâm đến điện thoại xanh. Những gì họ thực sự quan tâm là làm sao để cho nó rẻ hơn.

“Khi người tiêu dùng đã có nhà và công việc ổn định thì họ có thể bắt đầu suy nghĩ về màu xanh, nhưng nếu họ không có một công việc thì màu xanh đó sẽ đi ra ngoài cửa sổ,” Byrd ví von.

Một số cuộc nghiên cứu của tổ chức chuyên nghiên cứu về chiến lược công nghệ Strategy Analytics (Mỹ) cho thấy phần lớn người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ đã dành ưu tiên không cao lắm cho việc mua một chiếc điện thoại được sản xuất từ các vật liệu thân thiện với môi trường sinh thái. Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng cho biết có một tỷ lệ phần trăm nhỏ những người tiêu dùng khá giả sẵn sàng trả thêm tiền cho điện thoại xanh miễn là nó cũng có các tính năng cao cấp và một phong cách thiết kế hợp thời trang.

Nhưng Kevin Nolan, Phó chủ tịch của Strategy Analytics, cho rằng đáng tiếc là các điện thoại xanh hiện nay chỉ có những tính năng cơ bản và những sản phẩm như vậy thực sự không hấp dẫn người tiêu dùng. Mặc dù được tạo ra rất nhiều tiếng chuông nhại tiếng của côn trùng nhưng điện thoại Bamboo của Van Breugel thiết kế chỉ có những tính năng cơ bản là thực hiện các cuộc gọi và gửi tin nhắn SMS.

Một vài loại điện thoại xanh khác sử dụng năng lượng mặt trời do ZTE của Trung Quốc sản xuất khi hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ của Digicel (Mỹ La-tinh) cũng chỉ có các tính năng cơ bản mà thôi. ZTE cho biết những loại điện thoại như vậy sẽ khám phá những thị trường điện thoại tại các nước đang phát triển, nơi mà điện rất thiếu thốn. Tuy nhiên, ZTE không có kế hoạch đưa các sản phẩm này ra thị trường Trung Quốc vì người tiêu dùng ở đây chủ yếu chỉ quan tâm đến các máy có nhiều tính năng như camera, chơi nhạc và truy cập Internet.

Các nhà sản xuất đã thay đổi

GreenHeart C901 được sản xuất từ các vật liệu tái chế và các lớp sơn được sản xuất từ những loại sơn không độc hại đến môi trường.

Trên thực tế là nhu cầu của khách hàng về công nghệ di động mới nhất đã làm cho thị trường điện thoại liên tục hướng đến nhiều sản phẩm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn và trong đó Green Phone cũng không phải là ngoại lệ. Iza Kruszewska của Tổ chức Quốc tế Hòa Bình Xanh đã nói với CNN rằng: “Tuổi thọ của các máy điện thoại chỉ chừng 18-24 tháng nên các công ty thường khuyến khích khách hàng duy trì việc thay đổi điện thoại bởi vì họ luôn muốn có những đặc tính mới, màu sắc mới và bất cứ thứ gì mới trong máy di động.”  

Hiện nay, một số công ty lớn cũng đang bắt đầu cho ra đời các loại điện thoại xanh để đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng và họ cũng luôn tìm cách để nâng cấp chúng lên các công nghệ mới nhất. Samsung đã công bố máy điện thoại Blue Earth sử dụng năng lượng mặt trời, vỏ được làm bằng các chai nước tái chế và hoàn toàn không có vật liệu độc hại. Đây là điện thoại thân thiện với hệ sinh thái đầu tiên với kiểu dáng và phong cách rất hấp dẫn.

Blue Earth cũng có các chức năng như tiết kiệm năng lượng “Eco mode” như tắt Bluetooth và giảm thời gian chờ của màn hình; chức năng “Eco Walk” (đi bộ sinh thái) có thể tính toán được lượng khí CO2 giảm đi bao nhiêu trong lúc đi bộ, nhờ đó người sử dụng có thể biết được mình đã “cứu sống” được bao nhiêu cây xanh.

Năm ngoái, Sony Ericsson đã cho ra mẫu điện thoại GreenHeart C901, được sản xuất từ các vật liệu tái chế và các lớp sơn được sản xuất từ những loại sơn không độc hại đến môi trường; C901 cũng có đầy đủ các tính năng cao cấp như 3G, công cụ Google Maps, camera 5 megapixel với chế độ tự động lấy nét. Mẫu thứ hai mà Sony Ericsson công bố là Sony Ericsson Naite với các tính năng như sử dụng bốn băng tần GSM, hỗ trợ GPRS/EDGE, bản đồ Google, âm thanh Stereo Bluetooth, e-mail, camera 2 megapixel, hỗ trợ thẻ nhớ MicroSD. Tuy nhiên, cả hai mẫu Blue Earth và GreenHeart đều chưa có giá chính thức trên thị trường.

Trong khi đó, Motorola đã công bố điện thoại Moto W233 với các tính năng như màn hình CSTN 65.000 màu, nghe nhạc MP3, hỗ trợ thẻ nhớ ngoài, kết nối GPRS, WAP. Moto W233 làm bằng chai nhựa tái chế và là điện thoại không có carbon đầu tiên trên thế giới. Giá bán lẻ của W233 của T-Mobile ở Mỹ là 59,99 đô-la Mỹ nhưng giá khuyến mãi là 9,99 đô-la kèm theo bản hợp đồng có kỳ hạn hai năm.

Nokia cũng có kết hợp tính năng xanh vào các điện thoại của mình và 80% thành phần trong máy có thể tái chế được. Nokia đã có những chương trình tái chế điện thoại với gần 5.000 điểm thu gom trên khắp thế giới. Nokia cũng đang phát triển các ứng dụng với các tính năng thân thiện với hệ sinh thái như Nokia 5630 Xpress Music với phần mềm được gọi là We offset cho phép người sử dụng tính toán lượng khí CO2 thoát ra từ họ, và một chương trình khác gọi là Green Explorer dùng hỗ trợ kế hoạch du lịch cho người sử dụng. Giá bán của Nokia 5630 tại Việt Nam là khoảng 4 triệu đồng.

Đừng quăng điện thoại cũ, bán nó cho Greenphone.com

Thông điệp của http://www.greenphone.comlà "Mỗi chiếc điện thoại đã mua, chúng tôi trồng thêm một cây xanh" nhằm khuyến khích người tiêu dùng toàn cầu thay vì quăng điện thoại vào sọt rác hoặc nhà kho thì bán cho trang web này để chuyển cho những người tiêu dùng khác đang cần hoặc đem tái chế. Những gì cần làm là đăng ký, tìm chọn mẫu điện thoại không cần dùng nữa và gửi nó đi. Thông tin về cách đăng ký bán và thỏa thuận với người bán… và cả thông tin về chủ sở hữu của ý tưởng mua điện thoại cũ có sẵn trên trang web này.

Bốn bước tiến đến sản xuất điện thoại “xanh”

Trước các đống rác phế thải điện thoại độc hại ngày càng chồng chất, các nhà sản xuất điện thoại đang từng bước tiến đến những loại điện thoại xanh hơn.

1. Dùng ít vật liệu độc hại. Các nhà sản xuất đang thực hiện lời cam kết với tổ chức RoHS về việc hạn chế sử dụng các vật liệu độc hại với môi trường trong việc sản xuất điện thoại di động. Nhưng họ có thể làm nhiều hơn thế vì họ có thể hợp tác với các nhà thiết kế và tuyên truyền nhiều hơn cho việc sử dụng những sản phẩm xanh vì lợi ích của môi trường sống. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi bản thân các nhà sản xuất quan tâm đặc biệt đến môi trường sống.

2. Tiến sâu hơn vào lĩnh vực năng lượng mặt trời. Hãng Motorola đã được cấp bằng sáng chế cho màn hình LCD tận dụng được năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Hãng Apple cũng được cấp một bằng sáng chế tương tự cho việc tận dùng nguồn năng lượng ánh sáng mặt trời để làm nguồn điện. Đã có thiết bị sạc điện thoại từ nguồn năng lượng mặt trời Solio Universal Hybrid Charger. Trong tương lai, có thể điện thoại được tích hợp luôn chức năng tự sạc từ nguồn năng lượng mặt trời (?)

3. Làm điện thoại tiêu thụ điện năng ít hơn, hiệu quả hơn. Chứng chỉ về tiêu thụ điện năng có hiệu quả Energy Star đã có đối với loại điện thoại vô tuyến (cordless) cũng như cho bộ adapter của điện thoại di động, nhưng chưa dành cho chính chiếc điện thoại di động. Ví dụ: điện thoại ít tiêu hao pin, thông báo khi đã sạc đầy pin.

4. Kéo dài tuổi đời của điện thoại. Kéo dài hơn tuổi đời của điện thoại thay vì chỉ trong vòng 18-24 tháng như hiện nay.

5. Sản xuất loại điện thoại có thể tái chế. Có lẽ sẽ mất thêm nhiều thời gian nữa để tỷ lệ phần trăm các thành phần được tái chế trong điện thoại di động đạt đến con số 90% hay cao hơn.

(Nguồn: BusinessWeek)

(Theo Minh Thảo // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Bắt tay nhắm vào doanh nghiệp tầm trung
  • "Chai mặt" nghề tư vấn, môi giới bảo hiểm
  • Google sẽ ngăn cản quan hệ Microsoft – Yahoo?
  • Thị trường viễn thông di động Việt Nam - Cạnh tranh hay giẫm đạp nhau?
  • Tài xế velotaxi - một nghề thú vị ở Nhật Bản
  • “Cùng trong một “tổng” dùng hàng của nhau”
  • Walkman của Sony qua mặt iPod của Apple
  • Alice.com: Công ty bán hàng qua mạng khổng lồ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com