Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cạnh tranh trên chiếc điện thoại thông minh

Sắp đến, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi chọn mua điện thoại di động thông minh. Ảnh: Lê Toàn.

Điện thoại thông minh (smartphone) là phân khúc sản phẩm “nóng” nhất trên thị trường trong những tháng qua. Các nhà doanh nghiệp dự báo sẽ có khoảng 1 triệu sản phẩm này được tiêu thụ tại Việt Nam trong năm nay, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 8% số lượng tiêu thụ nhưng điện thoại thông minh lại mang đến khoảng 30% doanh thu toàn thị trường, ước tính vượt 1 tỷ đô-la Mỹ trong năm nay. Thêm vào đó, sự quan tâm đáp ứng nhu cầu về nội dung trên các nền hệ điều hành để thu hút cộng đồng cũng góp phần đưa phân khúc điện thoại thông minh thành mảng hấp dẫn nhất để các hãng cạnh tranh và chia sẻ doanh thu.

Hướng đến khách hàng tầm trung

Sau một thời gian dài đưa ra thị trường các dòng máy quanh mức 10 triệu đồng, gần đây HTC đã cho ra mắt dòng Wildfire với mức giá gần 7 triệu đồng, đồng thời kết hợp với VinaPhone đưa ra một gói cước khá hấp dẫn. HTC tính toán, mức giá này là khá cạnh tranh và có thể giúp tiêu thụ được khoảng 20.000 máy trong vòng sáu tháng. Theo ông Nguyễn Hồng Châu, Trưởng đại diện HTC tại Việt Nam, HTC tận dụng thế mạnh là nhà cung cấp sản phẩm Android đầu tiên, sở hữu điện thoại thông minh có màn hình 4,3 inch đầu tiên, tích hợp chip xử lý 1GB đầu tiên… để đạt mục tiêu nói trên.

Ông Châu cho biết HTC sẽ tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới có mức giá phù hợp hơn với nhiều đối tượng tiêu dùng. Ví dụ vừa có các dòng cao cấp như HD2, Desire (trên 12 triệu đồng) nhắm đến giới “chuyên” về công nghệ di động, nhưng cũng có sản phẩm tầm trung và thấp để mở rộng thị trường và tiếp cận đối tượng khách hàng mới, ví dụ như dòng Wildfire chạy Android 7 triệu đồng hoặc HTC Smart dưới 5 triệu đồng chạy nền tảng Brew.

Cuộc đua giữa các nhà cung cấp không đơn thuần là cuộc cạnh tranh về sản phẩm mà còn là nền tảng điều hành và các ứng dụng.

Motorola Việt Nam sau một thời gian im ắng cũng công bố sẽ định vị lại sản phẩm. Hãng này sẽ đưa ra thị trường khoảng sáu mẫu điện thoại thông minh mới trong năm nay, trong khi Samsung không giấu kỳ vọng cải thiện vị trí trong phân khúc điện thoại thông minh với hàng loạt sản phẩm mới. Sau khởi đầu là Wave chạy nền tảng mở Bada với thông điệp “điện thoại thông minh cho mọi người”, Samsung dự định đưa ra các máy trên nền Bada hướng tới khách hàng trung cấp, bên cạnh đó tiếp tục đưa ra các máy trên nền tảng Android và Windows Mobile để tạo nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng.

Theo ông Trịnh Khắc Toàn, Trưởng phòng tiếp thị ngành hàng điện thoại di động Samsung, đa phần các dòng điện thoại thông minh trên thị trường lâu nay chủ yếu hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp với mức giá khá cao, nằm ngoài khả năng tài chính của phần lớn người tiêu dùng. “Thống kê chính thức của GfK cho thấy, doanh số điện thoại thông minh năm 2009 tăng trưởng 142% so với năm trước, nhưng chỉ chiếm 3,8% thị phần. Điều này chứng tỏ đây là phân khúc rất tiềm năng cho các nhà cung cấp và đang dần chiếm ưu thế so với các dòng điện thoại thông thường (commonphone)”, ông Toàn nói.

Trong khi đó, theo thống kê riêng của hai chuỗi cửa hàng bán lẻ Viễn Thông A và Thế Giới Di Động thì trong năm 2009 nhóm sản phẩm điện thoại thông minh đã tăng trưởng gần 400% so với năm trước. Nếu như hai năm trước giá bình quân của dòng điện thoại thông minh khoảng 10 triệu đồng thì hiện nay chỉ ở mức khoảng 7 triệu đồng, nhờ các hãng LG, Samsung và Nokia tung ra các dòng máy có mức giá trên dưới 6 triệu đồng.

Gần đây các hãng tiếp tục công bố đưa ra các dòng máy có giá khoảng 5 triệu đồng, vì thế mức giá bình quân sẽ tiếp tục xuống thấp hơn trong thời gian tới. Đây là yếu tố quan trọng để phân khúc điện thoại thông minh tăng trưởng nhanh hơn. Mới đây nhất, LG tung ra dòng GT540 Optimus sử dụng phiên bản Android 1.6 nhưng chú trọng đến thiết kế đa chức năng và thời trang với mức giá “đại chúng” hơn, chỉ 4,89 triệu đồng để thu hút giới trẻ.

Cạnh tranh trên nền tảng ứng dụng

Cuộc đua giữa các nhà cung cấp không đơn thuần là cuộc cạnh tranh về sản phẩm mà còn về nền tảng điều hành và các ứng dụng. Trước đây, cộng đồng sử dụng điện thoại thông minh chủ yếu từ nguồn hàng không chính thức trên thị trường, nhưng nay các hãng chuyên về phân khúc này như Acer, HTC đã có các hoạt động chính thức hỗ trợ thị trường nhằm tăng thị phần. Hầu như hãng nào cũng có các hoạt động tạo sân chơi cho cộng đồng, đồng thời đẩy nhanh tốc độ đưa sản phẩm mới vào Việt Nam. Họ cũng phối hợp với các nhà mạng và các cổng ứng dụng phần mềm trong nước để tạo ra những ứng dụng gia tăng cho sản phẩm.

Với những thương hiệu hấp dẫn như iPhone, BlackBerry, dù không có được những sự hỗ trợ trực tiếp từ nhà cung cấp nhưng các mạng cũng đã nỗ lực để phổ biến chúng đi kèm với các gói dịch vụ. HTC vốn “chuyên trị” điện thoại thông minh cũng có “chiêu” cạnh tranh bằng giá với “HTC không chính thức” sau khi mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Mức tăng trưởng của HTC năm 2009 là 360%, sở dĩ cao như vậy là vì thị trường điện thoại thông minh Việt Nam còn nhỏ, mức tăng trưởng lớn nhưng trên một quy mô còn khiêm tốn.

Gần đây nhất là “làn sóng” Android. Trong vòng một tháng, có đến sáu nhà sản xuất công bố các sản phẩm mới chạy Android tại Việt Nam. Theo ông Na Kyeng Seok, Giám đốc ngành hàng điện thoại di động LG, Android là bước đi chiến lược của LG hướng đến sản phẩm dành cho giới trẻ với các thiết kế thời trang thể hiện sự trẻ trung năng động và đặc biệt là giá bán hấp dẫn được đối tượng này. Hãng Acer gần đây đã tung ra dòng Acer E400 và Acer Liquid E chạy Android có giá 6,5 triệu và 10,4 triệu đồng. Đây được xem là động thái “xốc” lại thị trường sau vài năm hoạt động nhưng Acer chưa gây được tiếng vang trong mảng này. Theo ông Hoàng Trung Quân, đại diện Acer Việt Nam, Acer hiện tập trung quảng bá cho các máy điện thoại thông minh ở tầm trung và cao bởi xu thế thị trường đang chú ý nhiều tới dòng sản phẩm này.

Chợ ứng dụng trực tuyến Android Market hiện rất phong phú, 70% là các ứng dụng miễn phí cho phép tải và cài đặt dễ dàng. Chính vì thế mà Android nhanh chóng được thị trường toàn cầu đón nhận. Một nguyên nhân nữa là sự cam kết gắn bó của hầu hết các nhà sản xuất với nền tảng Android đã tạo thêm sức hấp dẫn cho thị trường điện thoại thông minh. Theo ông Châu, thị trường Việt Nam đang ở quy mô nhỏ, càng có nhiều hãng tham gia sẽ dẫn đến sự cạnh tranh tích cực và thúc đẩy quy mô thị trường lớn nhanh hơn, như vậy càng làm cho phân khúc điện thoại thông minh mở rộng nhanh hơn và tất cả các hãng đều có thêm cơ hội.

(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Google mở rộng kinh doanh tại thị trường Canada
  • Facebook thu nhập hơn 1 tỷ USD từ quảng cáo
  • Những thú chơi xa xỉ ở giới siêu giàu
  • Dân Trung Quốc mua đủ thứ trên mạng
  • Công bố 200 thương hiệu đạt giải Sao Vàng đất Việt
  • General Motors sống sót trở lại
  • Người tiêu dùng năng động sẽ đổi mới kinh doanh
  • Làm tướng nước lớn hay vua nước nhỏ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com