Những động thái trong hoạt động mua bán doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam có thể chỉ xuất hiện rõ nét vào cuối năm 2009.
Khẳng định xu thế khá tích cực trong trung và dài hạn về sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực M&A, ông Nguyễn Ngọc Bách, Tổng giám đốc Tập đoàn Asian Invest đã nhận định như vậy về thị trường M&A của Việt Nam năm 2009.
Theo ông Bách, sự tham gia của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào hoạt động này cũng vẫn chưa có những dấu hiệu cụ thể. Từ cuối năm 2008 đến nay, vẫn chưa có những thương vụ cụ thể nào có thể công bố được. Mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn dừng lại ở thăm dò, nghiên cứu tình hình.
Cơ hội để mua lại những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển với mức giá hợp lý trong năm 2009 đã được nhiều giới dự báo đưa ra vào năm ngoái có vẻ vẫn chưa thành hiện thực. Những thông tin về M&A đăng công khai trên một số trang web cho thấy, số lượng chào mời khá lớn, song nhu cầu lại không cao. Thậm chí, trong một số thông tin về mua doanh nghiệp, mức giá đưa ra khá thấp so với mức chào của doanh nghiệp trong cùng ngành nghề.
Tất nhiên, những thông tin công khai này thường không phải là mối quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược. Ông Bách cho biết, phần lớn các nhà đầu tư tiềm năng, các nhà đầu tư nước ngoài thường mong muốn các doanh nghiệp tư vấn cung cấp các thông tin mang độc quyền, những thương vụ “tay đôi”, chứ không phải là những thông tin rao miễn phí.
“Những thương vụ này thường phản ánh đúng nhu cầu của thị trường M&A hơn. Tuy nhiên, về nguyên tắc bảo mật, chúng tôi không được công bố các thương vụ cụ thể. Chỉ có thể nói rằng, mối quan tâm của các nhà đầu tư khá đa dạng, trong nhiều lĩnh vực du lịch, dịch vụ y tế, giao vận, phân phối, hệ thống bán lẻ…”, ông Bách khẳng định.
Cũng cần phải nói rằng, tình hình tài chính khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp cũng như những biến động khá tiêu cực của thị trường thế giới chưa phải là nguyên nhân chính của những biến động khá từ tốn của thị trường này tại Việt Nam.
Phân tích của giới chuyên gia nghiên cứu về M&A cho thấy, các điều kiện cần để phát triển thị trường M&A tại Việt Nam khá đầy đủ. Đó là số lượng đông đảo doanh nghiệp với tốc độ tăng trưởng khá nhanh hàng năm, năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn khá thua kém, nhu cầu kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư với tiềm lực về tài chính, năng lực quản lý là lớn.
Đặc biệt, ông Bách cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm đáp ứng những đòi hỏi cao hơn của thị trường cũng đang là cơ hội để các nhà đầu tư chiến lược tiếp cận với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua hoạt động M&A và ngược lại.
Ông Rupert Chamberlain, Trưởng ban Dịch vụ tư vấn tài chính của KPMG tại Việt Nam cho rằng, cơ hội đầu tư trung và dài hạn tại Việt Nam rất rõ ràng, song vào thời điểm này thì các yếu tố về môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn cùng với các cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước đang mở ra nhiều cơ hội cho thị trường M&A tại Việt Nam.
Vấn đề nằm ở những trở ngại về hành lang pháp lý. Hàng loạt rào cản trong tiếp cận những lĩnh vực hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa được rỡ bỏ. Các quy định về hoạt động này nằm rải rác ở các văn bản luật khác nhau. Ông Bách đã nhắc tới thương vụ Ngân hàng HSBC để đạt được mức 20% đầu tư vào Ngân hàng Techcombank đã phải trải qua rất nhiều thủ tục xin phép do không có những quy định hạn mức rõ ràng liên quan đến cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cho đến thời điểm này, văn bản pháp luật về hình thức đầu tư M&A trong hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng. Các vướng mắc được kỳ vọng sẽ được giải toả sớm, trên cơ sở những nghiên cứu rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản liên quan đến hoạt động này.
Tuy nhiên, một vướng mắc lớn khác mà các nhà đầu tư quan tâm tới thị trường M&A của Việt Nam phản ánh lại, đó là chính cơ chế tài chính, sự thiếu minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không tự tháo gỡ điểm yếu này, việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, thu hút nguồn lực mới về vốn, khả năng quản lý…, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, sẽ khó thực hiện được.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hoạt động M&A hiện chỉ chiếm 5% trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Ở các nước khác, tỷ lệ này dao động trong 30-40%.
(Theo báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com