HTC đang nỗ lực gầy dựng danh tiếng bằng cách đoán trước nhu cầu của người sử dụng và nghĩ ra những giải pháp hấp dẫn. |
Đông Á hiện là “nhà máy sản xuất điện tử” của thế giới. Tuy nhiên, hầu hết nhà sản xuất đều vô danh, trừ khi họ có quốc tịch Nhật Bản. Giờ đây, HTC Corp., nhà sản xuất điện thoại thông minh của Đài Loan, đang tìm cách thoát khỏi sự vô danh này bằng cách thiết lập thương hiệu riêng trong nỗ lực cạnh tranh với đối thủ đầy sức mạnh Apple.
Chỉ một năm trước đây, chưa đến 10% người Mỹ biết đến HTC dù công ty này cung cấp điện thoại cho các nhà cung cấp di động lớn ở thị trường này, như Verizon, Sprint và T-Mobile. Nhờ sự hỗ trợ về khâu tiếp thị của các nhà cung cấp di động và việc quảng cáo trên truyền hình, HTC cho biết tỷ lệ này đã tăng lên 40% hiện nay. Không muốn dừng lại ở đó, ông John Wang, Giám đốc tiếp thị của công ty 13 năm tuổi này, tuyên bố: “Chúng tôi muốn trở thành một trong những công ty hàng đầu”. Tạo dựng thương hiệu toàn cầu Trong nỗ lực tạo dựng một thương hiệu toàn cầu, HTC đang đi theo bước chân của một công ty Đài Loan khác là Acer Inc. Công ty này đang cạnh tranh với Dell cho danh hiệu nhà sản xuất máy tính cá nhân (PC) lớn thứ hai thế giới. Những tên tuổi công nghệ đang lên của Đài Loan khác là nhà sản xuất phần mềm Trend Micro Inc. và công ty Asustek Computer Inc., nhà sản xuất máy tính và điện thoại di động. Con đường thiết lập thương hiệu riêng của HTC gặp không ít trở ngại bởi sở thích trong nhiều năm của các nhà cung cấp di động Mỹ là bán điện thoại của HTC dưới thương hiệu của mình. Điều đó bắt đầu thay đổi vào năm 2007, và điện thoại mang thương hiệu HTC bắt đầu xuất hiện trên thị trường Mỹ, nơi các nhà cung cấp di động nhận thấy công ty này đang có những sức hút nhất định mà họ có thể tận dụng. Có thể kể ra đây một số sản phẩm nổi bật như Incredible Droid được bán bởi Verizon Wireless, HD2 bởi T-Mobile USA và Hero bởi Sprint Nextel Corp. Vào mùa hè vừa qua, HTC tiếp tục gây chú ý ở Mỹ khi tung ra mẫu điện thoại đầu tiên có thể sử dụng mạng không dây thế hệ 4 (4G) – gọi là 4G EVO. Ngoài ra, HTC cũng là nhà sản xuất mẫu điện thoại Nexus đầu tiên của Google. Ông Seth Wallis-Jones, một nhà phân tích của công ty IHS Global Insight, nhận định: “Những động thái này thực sự giúp HTC được chú ý ở Mỹ”. Dù vậy, HTC không muốn thúc đẩy thương hiệu của mình một cách quyết liệt để tránh gây căng thẳng trong mối quan hệ với các nhà cung cấp di động. Mối quan hệ này rất quan trọng tại những thị trường như Mỹ, Nhật Bản, nơi các nhà cung cấp di động thường chọn điện thoại để phân phối. Đi theo hướng riêng Khẩu hiệu của công ty là “Quitely Brilliant” (tạm dịch là “Sự xuất sắc thầm lặng”) thể hiện cả sự khiêm tốn lẫn niềm tự hào của công ty. Để cạnh tranh với đối thủ lớn Apple, HTC quyết định đi theo hướng riêng. Thay vì sản xuất những mẫu điện thoại có kiểu dáng tương tự iPhone, HTC tung ra thị trường những mẫu máy được thiết kế cho mọi sở thích, từ kiểu bàn phím trượt cho đến màn hình cảm ứng. Trong khi Apple có cửa hàng trực tuyến của riêng mình, HTC chỉ tập trung sản xuất điện thoại và để các nhà cung cấp di động lựa chọn âm nhạc và ứng dụng cung cấp cho khách hàng. Khi Google công bố hệ điều hành di động nguồn mở Android vào năm 2008, HTC là nhà sản xuất đầu tiên đón nhận nó và sự lựa chọn này đã được tưởng thưởng. Trừ AT&T (đối tác của Apple), tất cả nhà cung cấp di động còn lại ở Mỹ đang thúc đẩy điện thoại Android như là một sự thay thế cho iPhone. Ông Wallis-Jones nhận định: “Những chiến lược nói trên đặt HTC vào một vị trí hoàn toàn tương phản với Apple vốn đang bị xem là ngày càng độc đoán và tự cao tự đại”. Không chỉ trên thương trường, HTC còn đang đối đầu với Apple trong lĩnh vực pháp lý. Vào tháng Ba vừa qua, Apple đã kiện HTC ở Mỹ, cáo buộc công ty này vi phạm 20 bằng sáng chế iPhone. Đến tháng Năm, HTC kiện ngược lại Apple, cáo buộc công ty này vi phạm năm bằng sáng chế của mình. Dù vậy, HTC vẫn đối mặt với không ít thách thức trong việc cạnh tranh với Apple và các đối thủ khác như Samsung Electronics, Nokia Corp… Theo ông Wallis-Jones, trong quý 4-2008, số điện thoại bán ra của HTC thua Apple không nhiều (3,7 triệu chiếc so với 4,4 triệu chiếc). Một năm rưỡi sau đó, khoảng cách này gia tăng khi Apple bán được 8,4 triệu điện thoại trong quý 2-2010, trong khi HTC là 5,4 triệu chiếc. Tuy nhiên, HTC cho biết con số này đang tăng và dự kiến đạt 6,5 triệu chiếc trong quý 3, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Joseph Pai, Chủ tịch công ty quảng cáo Ogilvy & Mather (Đài Loan), nhận định rằng HTC cần tạo một bản sắc riêng hơn là một nhà sản xuất để thu hút người tiêu dùng. Ông nói: “Apple được đánh giá là thú vị và sáng tạo hơn. Trong khi đó, HTC lại khá nghiêm túc. Công nghệ của họ là tốt và công ty không ngừng cho ra sản phẩm mới. Nhưng họ cần phải tìm được cá tính riêng”. Ông Wang cho biết HTC đang nỗ lực gầy dựng danh tiếng bằng cách đoán trước nhu cầu của người sử dụng và nghĩ ra những giải pháp hấp dẫn. Ngoài ra, HTC cũng thúc đẩy bản thân như là một thương hiệu xuyên biên giới và không đề cập đến nguồn gốc Đài Loan của mình. Chẳng hạn như công ty tổ chức giới thiệu sản phẩm chính ở London (Anh) hoặc New York (Mỹ) thay vì châu Á. Ông Wang cho biết: “Mọi người giờ đây không thực sự nghĩ Sony như là một thương hiệu Nhật Bản nữa. Đó là những gì tôi hình dung về HTC. Cuối cùng người ta sẽ biết đến HTC như là một thương hiệu toàn cầu, không nhất thiết phải là thương hiệu đến từ Đài Loan hay châu Âu hoặc Mỹ”.
(Theo Minh Huy // Thời báo kinh tế Sài Gòn // AP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com