Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi Google ra đi...

Một số thanh niên Trung quốc mang hoa, rượu và trái cây đến chia tay Google. - tinkinhte.com
Một số thanh niên Trung quốc mang hoa, rượu và trái cây đến chia tay Google. Ảnh: Reuters.

Thứ Ba tuần trước, tập đoàn Internet hàng đầu thế giới Google đã gây xôn xao giới truyền thông bằng tuyên bố sẽ xem xét rút ra khỏi Trung Quốc. Lý do được đưa ra là Google bị tấn công bởi các tin tặc xuất phát từ Trung Quốc và không muốn tiếp tục tự kiểm duyệt kết quả tìm kiếm theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc.

Google nhấn mạnh, họ đang tìm kiếm một thỏa thuận với chính quyền, cho phép Google vận hành tại Trung Quốc một cỗ máy tìm kiếm trực tuyến hợp pháp và không bị kiểm duyệt, nếu yêu cầu này không được đáp ứng, hãng sẽ đóng cửa trang web Google.cn, đóng cửa văn phòng và điều đó có nghĩa là rút ra khỏi thị trường Internet lớn nhất thế giới xét về số lượng người sử dụng.

Như để làm rõ thêm ý định của mình, hôm thứ Ba (19-11) Google tuyên bố hoãn việc giới thiệu tại Trung Quốc hai mẫu điện thoại di động do Motorola và Samsung phát triển nhưng sử dụng hệ điều hành Android của Google, dự định ra mắt vào ngày hôm qua thứ Tư 20-1.

Chung quanh tuyên bố rút lui của Google, đã có nhiều phản ứng khác nhau, cả trong và ngoài ngành công nghệ thông tin. Một số nhà phân tích cho rằng, Google rút đi vì không cạnh tranh nổi với Baidu - một công cụ tìm kiếm trực tuyến địa phương, hiện chiếm tới 63,9% thị phần.

Một số người khác cho rằng, Google không thực sự ra đi mà chỉ muốn gây áp lực với Chính phủ Trung Quốc và chính Google sau đó cũng cho biết họ không có ý định rút ra khỏi thị trường này.

Trong khi đó, nhiều người khen ngợi hành động của Google là “dũng cảm”, biết đặt quyền tự do thông tin lên trên lợi ích kinh doanh.

Đi xa hơn, báo Financial Times của Anh cho rằng, vụ xung đột Google-Trung Quốc là dấu hiệu mở màn cuộc xung đột lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đang căng thẳng chung quanh những bất đồng về tỷ giá đồng nhân dân tệ, biến đổi khí hậu, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan... và nhận định chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ thay đổi trong vài tháng tới.

Nhìn chung, những lập luận của giới phân tích quốc tế đều có những điểm hợp lý, nhưng từ đó đi tới những kết luận “chắc nịch” như Financial Times thì hơi vội. Google khai trương trang web tìm kiếm tiếng Hoa Google.cn năm 2006, và cho đến nay, thị phần của Google.cn trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến ở Trung Quốc dao động trong khoảng 31-35%, bằng một nửa so với Baidu.com; và doanh thu hàng năm của Google.cn được ước tính vào khoảng 200 triệu đô la Mỹ, quá ít so với tổng doanh thu 22 tỉ đô la Mỹ của tập đoàn.

Nhưng để có khoản doanh thu ít ỏi đó, Google phải chấp nhận yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc, tự kiểm duyệt kết quả tìm kiếm và loại bỏ những thông tin mà chính quyền cho là “nhạy cảm”. Hành động thỏa hiệp này của Google bị thế giới phương Tây lên án nặng nề. Có lẽ đã đến lúc Google nhận thấy không thể thỏa hiệp được nữa và muốn “là chính mình”.

Đáng chú ý là trong vòng 10 ngày trước và sau tuyên bố của Google, hai nhân vật hàng đầu của mạng Baidu là Li Yian, Giám đốc kỹ thuật và Peng Ye, Giám đốc điều hành, cũng xin từ nhiệm vì không tán thành cung cách kinh doanh của tập đoàn.

Việc các tin tặc Trung Quốc tấn công cơ sở dữ liệu của Google và 31 công ty lớn khác tại Silicon Valley, Mỹ lấy đi nhiều thông tin liên quan đến tài sản trí tuệ của Google và nhân thân những người hoạt động nhân quyền đối kháng với Chính phủ Trung Quốc lại là một vấn đề khác. Nó đe dọa sự an toàn của môi trường thông tin mạng - điều cốt tử đối với hoạt động kinh doanh của Google. Nếu Google không phản ứng, tình hình sẽ tồi tệ hơn.

Do phản ứng của Google chỉ xoay quanh vấn đề kiểm duyệt và an toàn thông tin, tuyên bố rút lui của Google hầu như không nhận được sự đồng tình của các tập đoàn công nghiệp khác, hoạt động trong các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn như sản xuất xe hơi, công nghiệp chế tạo… Do đó, sẽ cường điệu khi cho rằng Google muốn gây áp lực với Chính phủ Trung Quốc, một chính phủ đã từng cắt Internet của cả vùng Tân Cương 19 triệu người trong suốt nửa năm trời mà không gặp phản ứng đáng kể nào.

Thực tế, Chính phủ Trung Quốc tỏ vẻ không nhượng bộ. Mã Triều Húc (Ma Zhaoxu), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết: “Doanh nghiệp nước ngoài phải tôn trọng luật pháp và quy định của Trung Quốc, tôn trọng truyền thống và tập quán Trung Quốc và chấp nhận những trách nhiệm xã hội liên quan, và tất nhiên Google không phải là ngoại lệ”.

Áp lực, nếu có, đến từ giới trẻ của Trung Quốc. Bằng việc thách thức công khai chế độ kiểm duyệt thông tin của Chính phủ Trung Quốc, Google đã khuấy động cuộc tranh luận về quan điểm của chính quyền rằng, kiểm soát thông tin là cần thiết để duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế.

Trong 384 triệu người sử dụng Internet ở Trung Quốc, có khoảng 80 triệu người thường xuyên tìm tới Google, không chỉ để tìm kiếm thông tin điện tử giản đơn mà cả truy tìm sách vở (Google Book), tài liệu nghiên cứu, học tập (Google Scholar), bản đồ (Google Maps), dịch thuật (translation service)… rất thiết yếu cho công việc và học tập của họ. Tuy chưa phải là đa số, nhưng đây là thành phần tinh hoa, có học thức cao và giàu có, là tinh hoa Trung Quốc trong tương lai.

Với những người này, sự ra đi của Google là một mất mát thật sự. Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi có nhiều người tặng hoa và thắp nến trước văn phòng Google tại Bắc Kinh để chia tay, như vĩnh biệt một người thân yêu.

(Theo Huỳnh Hoa // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • FPT lãi lớn ở lĩnh vực viễn thông
  • Nestlé mua lại hoạt động kinh doanh pizza đông lạnh từ Kraft Foods
  • Apple muốn nước Mỹ cấm nhập điện thoại Nokia
  • Đánh cược với 3D ở Las Vegas
  • Báo in: Hành trình từ "chủ nợ" tới "con nợ"
  • Đại gia di động âm mưu “giết” mạng nhỏ
  • Thị trường viễn thông: Hậu giai đoạn phát triển nóng
  • Japan Airline – Vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com