Ảnh minh họa: Corbis |
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Giày Vinh Thông cho biết, khả năng xuất khẩu mặt hàng da giày năm 2011 của Công ty sẽ tăng cao hơn năm 2010. Một phần là do các doanh nghiệp Trung Quốc ngừng sản xuất một số chủng loại sản phẩm da giày khi giá nguyên liệu cao su và nhân công ở Trung Quốc tăng. Một phần khác là thị trường thế giới đang phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng lên khá lớn.
“Nhiều khách hàng đã chuyển từ Trung Quốc đến với chúng tôi. Với tình hình này, thì khả năng trong năm 2011, khối lượng sản xuất của Công ty sẽ đạt từ 3 triệu đến 3,2 triệu đôi, tăng mạnh so với 2,7 triệu đôi trong năm 2010”, ông Tuấn nói.
Mặc dù vậy, ông Tuấn vẫn cảm thấy không thoải mái khi nói về các kế hoạch sản xuất của năm 2011. “Hiện tại, lương công nhân của Công ty tôi trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nhưng với mức tăng giá hiện nay, để giữ chân công nhân, đảm bảo thực hiện các hợp đồng đã ký, chúng tôi phải tăng lương, ít nhất ở mức 3,5 – 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, khả năng tăng giá sản phẩm rất khó do cạnh tranh gay gắt. Khách hàng không chỉ gắt gao hơn trong đàm phán về giá mà chặt chẽ hơn về thời gian giao hàng, các rào cản kỹ thuật”, ông Tuấn phân vân.
Hơn thế, để thực hiện các đơn hàng của quý I/2011, các doanh nghiệp sẽ phải tính toán để chuẩn bị nguyên phụ liệu ngay từ thời điểm này. Tuy nhiên, theo ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Mifaco, giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành chế biến sản phẩm đồ gỗ hiện tăng rất mạnh. Mặc dù phần lớn nguyên liệu của Công ty mua tại thị trường trong nước, song tình trạng “ăn theo” tỷ giá từ các bên cung cấp đang khiến doanh nghiệp bị liên lụy. Thậm chí, ông Hiệp cho biết, mức tăng giá của nguyên liệu trong ngành gỗ còn “đi trước” cả thị trường. Đây là cũng là lý do mà mặc dù dự kiến doanh số của năm 2011 của Công ty sẽ tăng hơn 10% so với mức 10 triệu USD năm 2010, song ông Hiệp rất lo lắng về khả năng rủi ro xảy ra khi có biến động lớn về tỷ giá do hợp đồng sản xuất hàng xuất khẩu phải ký trước nhiều tháng.
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp cho biết, đang áp dụng giải pháp kén chọn đơn hàng để giảm thiểu rủi ro cũng như kiểm soát được chi phí. Bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú phân tích, nếu không cân đối mức tăng giá nguyên phụ liệu, lương công nhân với giá gia công không thể tăng thêm thì doanh nghiệp có thể phá sản nếu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát không được thực hiện nghiêm ngặt.
“Chúng tôi đang tính toán có nhận thêm đơn hàng hay không để đảm bảo tính hiệu quả. Kế hoạch tăng lương cho công nhân cũng được tính toán để tương ứng được với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng”, bà Liên nói.
Có thể thấy, các doanh nghiệp đang đứng trước những thuận lợi không nhỏ của thị trường trong năm 2011. Bản thân doanh nghiệp đang tính toán để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, lựa chọn các đơn hàng phù hợp để giảm thiểu sự phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, sự trông chờ vào những thông điệp rõ ràng và nhất quán trong điều hành kinh tế vĩ mô từ phía doanh nghiệp rất rõ ràng.
Mặc dù giới phân tích kinh tế cho rằng, tín hiệu tích cực của thị trường đã được phát đi sau những can thiệp chính sách kịp thời của Chính phủ, song theo ông Điền Quang Hiệp, các doanh nghiệp cần sự ổn định của tỷ giá, của các chỉ số kinh tế vĩ mô để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2011.
(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com