Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh doanh thép: Như ngồi trên bom nổ chậm!

Sản xuất thép cán nguội tại Cty CP thép Đại Thiên lộc

Nhiều DN kinh doanh thép cho biết từ đầu năm đến nay, họ sản xuất kinh doanh trong tâm trạng phập phồng dù thu lãi cao.

Nguyên nhân chủ yếu là do không dự đoán được một cách tương đối giá thép sẽ biến động như thế nào. Bên cạnh đó là không dám vay vốn nhiều vì lãi suất trong xu hướng tăng cao, vay trên cơ sở lãi suất thỏa thuận.

Bom nổ chậm

Từ đầu năm đến nay giá thép đã tăng đến 5- 6 lần và có xu hướng tiếp tục tăng nên các DN sản xuất thép thành phẩm vừa làm vừa lo lắng. Theo các DN, giá thép như quả bóng căng quá sẽ “xì hơi” giảm bất kỳ lúc nào, nếu không có sự phòng bị, thì sẽ có tác động như một quả bom nổ chậm bất ngờ gây sụp đổ DN. Một DN rất lớn kinh doanh thép thành phẩm tại tỉnh Bình Dương phân tích: Giá thép cứ lên mà không hề xuống sẽ xảy ra nhiều hệ quả như: Các DN sản xuất thép thành phẩm (thép xây dựng, tole mái lợp...) sẽ tăng công suất sản xuất nhằm bán được nhiều hàng. Nếu cứ đà đó thì sẽ đến lúc cung sẽ vượt cầu và các DN sẽ bị tồn hàng, lâm vào tình thế khó khăn khi bị chôn vốn, lãi mẹ đẻ lãi con... DN nào vì ham lời, mua càng nhiều nguyên liệu thì thua lỗ sẽ càng nặng nề. Tuy nhiên, nếu vì quá lo lắng giá sẽ giảm mà không dám mua nhiều nguyên liệu thì nhỡ khi giá vẫn tăng mà DN hết nguyên liệu sản xuất thì sẽ lại lỗ nặng, vị DN này chia sẻ.

Ông Hồ Minh Quang - Tổng giám đốc Cty CP thép Nam Kim, một DN lớn về thép thành phẩm tại tỉnh Bình Dương khẳng định lập luận trên hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế hiện nay số lượng tole - tấm lợp mạ màu, kể cả thép xây dựng hiện đã bị tồn hàng. Đồng thời, khi giá thép cứ tăng mãi thì chủ đầu tư, nhà thầu các công trình xây dựng (nhà, cầu cống...) sẽ vỡ dự toán kinh phí xây dựng công trình. Nếu giá thép tăng ít thì có thể xoay xở được, còn nếu giá tăng cao quá có thể dẫn đến tình trạng công trình buộc phải ngừng trệ, nhà thầu bỏ công trình... gây tổn hại khó lường. Ông Quang lo lắng sự khó khăn, sụp đổ của nhà thầu, chủ đầu tư sẽ tác động dây chuyền đến các DN chế biến sản xuất thép.

Còn ông Nguyễn Thanh Nghĩa - Tổng Giám đốc Cty CP thép Đại Thiên Lộc, thì nói ngắn gọn: Giá thép cả trong nước và nước ngoài thời gian qua đều tăng nhanh, nhưng giá thép trong nước luôn thấp hơn nước ngoài. Hiện tượng tăng giá chủ yếu là do nước ngoài quyết định, các DN VN không có khả năng tác động được. Còn nguyên nhân tăng giá có thể là do trải qua thời kỳ khủng hoảng, thiên tai vừa qua, nhiều DN thép trên thế giới bị khó khăn thu hẹp sản xuất dẫn đến cung không đủ cầu, nên một số DN khác nhân cơ hội tăng giá. Tuy nhiên, xu hướng tất yếu của tăng giá quá mức sẽ là giảm giá tương ứng, là nguy cơ phá sản của nhiều DN, nhất là các DN nhỏ, ông Nghĩa nhận xét.

Ổn định cung - cầu là việc cần làm ngay

Ông Hồ Minh Quang cho rằng, vì tình hình khó khăn về giá, lãi suất, lao động, nhiều DN đang kinh doanh cầm chừng, không dám mua nhiều nguyên liệu, vừa làm vừa nghe ngóng. Bản thân DN ông cũng chỉ mua nguyên liệu dự trữ cho từng kế hoạch sản xuất cụ thể. Ông Minh cho rằng điều quan trọng hiện nay là phải ổn định được vấn đề cung - cầu.

Hầu hết các DN thép cũng đồng quan điểm rằng, nhà nước phải làm chủ được cung -  cầu, giá của thép dù điều này rất khó. Bởi VN thiếu quặng, chủ yếu chỉ làm công đoạn gia công nên rất khó chủ động được giá. Tuy nhiên, các DN cũng gợi ý rằng, nếu nhà nước sử dụng các công cụ điều hành của mình một cách hiệu quả thì vẫn tương đối làm chủ được vấn đề cung - cầu thép trong nước. Cụ thể như kiểm soát lượng thép trong nước bằng quyền cấp phép NK- XK thép các loại;  cấp phép, hỗ trợ vốn hoặc tạm dừng xây dựng các công trình lớn... Những quy hoạch đô thị có tác động rất lớn đến cung - cầu thép, do vậy nhà nước phải chủ động được tiến độ xây dựng của các quy hoạch này.

Các DN cũng cho rằng, do sức cạnh tranh của DN Việt rất thấp nên nhà nước cần cân nhắc kỹ khi cấp phép đầu tư cho các DN thép lớn của nước ngoài sản xuất kinh doanh tại VN vì các DN này sẽ dễ dàng “bóp chết” các DN thép trong nước. Các DN mong muốn lãi suất vay phải minh bạch, tương đối ổn định một thời gian dài để DN chủ động được kế hoạch kinh doanh của mình.

Ngoài nỗi lo về giá, các DN thép còn nhiều nỗi lo chung của DN các ngành khác. Theo một vị DN, lãi suất vay hiện theo lãi suất thỏa thuận trong xu hướng tăng cao, nên các DN không thể tính toán một cách tương đối chính xác về lợi nhuận. Sản lượng tiêu thụ thì sẽ vô cùng khó khăn trong vạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, trong xu hướng giá tiêu dùng tăng và thiếu lao động thì việc công nhân đòi hỏi chủ DN phải tăng lương, tăng thu nhập cũng là nỗi lo của DN.

(Theo Phạm Nguyễn // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Lợi nhuận của các tập đoàn dầu lửa Mỹ tăng mạnh
  • Lựa chọn chiến lược kinh doanh - Tiến thoái lưỡng nan
  • Chương trình xúc tiến thương mại trong nước: Góp sức hồi sinh một thương hiệu Việt
  • Lợi nhuận của Samsung Electronics tăng 6 lần
  • Khủng hoảng kinh tế đem lại cơ hội tốt!
  • Đằng sau chiếc iPhone
  • Thú vị “dân buôn online”
  • Apple vượt Motorola trở thành nhà sản xuất di động lớn nhất Mỹ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com