Unitel, thương hiệu mạng viễn thông di động tại Lào của Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) chỉ mất chừng một năm để chiếm vị trí thứ hai về lượng thuê bao tại thị trường này. Những “chiêu thức” kinh doanh như mua sim tặng máy, tặng tiền, thậm chí biếu không sim cho các lãnh đạo doanh nghiệp… không phải mới ở Việt Nam, nhưng lại rất hiệu quả ở xứ Triệu Voi, nơi sự cạnh tranh ở mức khốc liệt trên thương trường là chưa có tiền lệ.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Viettel Global, doanh thu năm 2009 của công ty này đã tăng vượt mức kế hoạch 26%, trong đó, Lào là một trong những thị trường khai thác thành công nhất năm vừa qua.
Ồ ạt tìm cơ hội mới Mấy năm gần đây, khi mà người trồng cao su trong nước liên tục hốt bạc do giá lên, đất không còn để mở rộng canh tác, thì đầu tư sang ban là lựa chọn thức thời của nhiều doanh nghiệp. Tại các tỉnh Champasak, Attapeu, Sekong (Lào)… rừng cao su của doanh nghiệp Việt Nam đã lên bạt ngàn sau nhiều năm đầu tư.
Những vùng đất mầu mỡ bạt ngàn bên bên kia biên giới được sự “hỗ trợ” của vốn, công nghệ, kinh nghiệm và thị trường sẵn có của các doanh nghiệp Việt Nam, khiến cơ hội kiếm lợi nhuận đang trong tầm tay.
Mới cách đây chừng một tháng, Công ty Cổ phần Cao su Việt Lào đã làm lễ động thổ xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su công suất 15.000 tấn/năm tại huyện Pakse, tỉnh Champasak (Nam Lào), sau khi hoàn tất mục tiêu trồng 10.000 ha cao su trước thời hạn hai năm. Theo dự kiến, trong năm nay, Công ty sẽ bắt đầu khai thác mủ tại 1.200 ha cao su, với năng suất ước tính 10 tấn/ha.
Thống kê tới cuối năm 2009 cho thấy, đã có 49 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, mà chủ yếu là vào Lào và Campuchia, đổ vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp đầu tư trồng cao su, rau xanh, nuôi cá...
Trong khi đó, ngay trên đường T4, khu vực đất đai "hot" nhất thủ đô Vientiane, công ty Sovico Holdings có một dự án bất động sản 4 ha đang xây dựng. Không kém cạnh, tập đoàn Mai Linh cũng đang triển khai một dự án bất động sản gần khu vực sân vận động Sea Games, tuy cách xa trung tâm thành phố 20 km, nhưng lại có diện tích tới 13 ha…
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là trong 3 năm gần đây với nhiều dự án về bất động sản, thủy điện, ngân hàng, hàng không, viên thông di động...
Gần 8 tỷ USD trong 20 năm Dường như, khi cạnh tranh tại thị trường trong nước đã trở nên khốc liệt với thành và bại rõ ràng, ở những miền đất mới, cơ hội khởi sự cho thấy triển vọng thành công lớn hơn.
Sự phân hóa thể hiện rõ rệt tại các thị trường đầu tư, tùy thuộc vào khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Với các nước phát triển như
Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… doanh nghiệp Việt Nam đầu tư khá nhiều dự án quy mô nhỏ, thuộc lĩnh vực dịch vụ.
Tổng hợp số liệu đầu tư vào khu vực châu Âu của doanh nghiệp Việt Nam cho đến tháng 11/2009 cho thấy, có 25 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào 10 quốc gia tại khu vực này, nhưng vốn đăng ký tổng cộng chỉ đạt gần 27,6 triệu USD, trong đó riêng 3 năm trở lại đây đã chiếm quá nửa.
Trong khi đó, tại các nước có trình độ phát triển thấp hơn, doanh nghiệp Việt có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, có vốn đăng ký tới 1 tỷ USD, và đi vào các ngành có khả năng cạnh tranh cao như khai khoáng; sản xuất nông, lâm, thủy sản; thủy điện; xây dựng…, đặc biệt là tại hai nước láng giềng Lào, Campuchia và một số nước châu Phi.
Cơ hội đang mở rộng cho những doanh nghiệp tiếp cận sớm với thị trường, chính vì thế, những cái tên như Cuba, Cameroon, Tuynidi, Madagascar, Samoa, Congo… không còn xa lạ trên “bản đồ” đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam.
Có khá nhiều dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao được đầu tư ra nước ngoài trong giai đoạn gần đây như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (11 dự án); thông tin và truyền thông (18 dự án); hay hành chính và dịch vụ hỗ trợ (9 dự án)…
Thống kê trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài cho thấy, từ năm 1989 đến cuối năm 2009, cả nước có 465 dự án đăng ký cấp mới và 53 lượt dự án tăng vốn, với tổng trị giá 7,774 tỷ USD.
Đặc biệt, tốc độ đầu tư ra nước ngoài đã nhanh hơn rất nhiều trong vài năm qua, bởi nếu chỉ tính từ năm 2007 đến nay, con số tương ứng là 283 dự án, 39 lượt dự án, và 6,803 tỷ USD (chiếm gần 61% về số dự án cấp mới, 73,6% về số dự án tăng vốn, và 87,5% về vốn đăng ký).
Trong số 51 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, Lào đứng vị trí thứ nhất 169 dự án và trên 3,16 tỷ USD vốn đăng ký; Liên bang Nga có 17 dự án tương đương 1,71 tỷ USD; Malaysia có 6 dự án và 811 triệu USD; Campuchia có 56 dự án với 693 triệu USD…
Riêng trong năm 2009, đã có 89 dự án đăng ký mới và 20 lượt dự án tăng vốn với tổng giá trị đầu tư đạt gần 2,46 tỷ USD, thuộc 18 ngành nghề kinh doanh, và điểm đến là 26 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong số này, có khá nhiều dự án thuộc lĩnh vực khai khoáng, cơ khí chế tạo, nông lâm ngư nghiệp, hợp đồng chuyên môn khoa học công nghệ…