Những trò chơi trực tuyến luôn hấp dẫn giới trẻ tham gia. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+) |
Mới đây, Pearl Research - Công ty tư vấn kinh doanh về thị trường công nghệ và Internet (Mỹ) đưa ra dự đoán, Việt Nam và Ấn Độ là hai nước có tốc độ phát triển rất nhanh thị trường game online.
Đầu năm 2010, các nhà phát hành game ở Việt Nam cũng tuyên bố sẽ tung khoảng 10 đầu game, phục vụ game thủ. Điều này cho thấy, Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn của các nhà cung cấp trò chơi trực tuyến.
Mặc dù trên đà phát triển mạnh nhưng thị trường game Việt Nam đang chứng kiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong việc chiếm được cảm tình của game thủ.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Theo con số thống kê của Câu lạc bộ Game và Nội dung Thông tin số Việt Nam (thuộc Hiệp hội Phần mềm Việt Nam-VINASA), cuối năm 2004, chỉ có một doanh nghiệp game thành lập, đến cuối 2009, con số này đã lên tới gần 20 đơn vị.
Năm 2009, giá trị thị trường game đạt tới 2.000 tỷ đồng, trở thành một thị trường có tốc độ tăng trưởng cao và hấp dẫn với trên 50 đầu game. VINASA nhận định, thị trường game Việt Nam hiện lớn nhất khu vực Đông Nam Á với trên 12 triệu game thủ, chiếm trên 50% số người sử dụng Internet (tính đến cuối 2009).
Ngoài ra, thị trường game đang dần trở nên bão hòa với sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các game và nhà phát hành. Năm 2008-2009, 40 game mới ra mắt nhưng chỉ có một vài game thành công.
Đồng tình, ông Lê Khánh Toàn, Trưởng phòng Nội dung – Dịch thuật (Công ty cổ phần công nghệ dịch vụ trực tuyến DECO, đơn vị cung cấp 2 game là Cổ Long và Thế giới hoàn mỹ), cho hay, đầu năm 2010, các nhà phát hành game tuyên bố cung cấp thêm khoảng 10 đầu game vào thị trường, đẩy cuộc đua tranh ngày càng khốc liệt.
Đặc biệt, trước yêu cầu ngày một khó tính của game thủ, nhiều công ty đã phải đưa ra các chiến lược tìm hiểu rất kỹ lưỡng trước khi tung sản phẩm vào thị trường. Bởi thực tế đã có những bài học từ một số công ty không nghiên cứu kỹ thị hiếu của game thủ, dẫn đến việc “giới thiệu tới 10 game mà chưa có game nào thành công,” ông Toàn nói.
Năm 2009, cộng đồng game thủ Việt đã chứng kiến nhiều cuộc ra đi của nhiều game online. Thậm chí, một số game vốn “xưng hùng xưng bá” tại Bắc Mỹ, châu Âu như Bá chủ thế giới, Ka Ban… cũng thất bại khi nhập về Việt Nam. Song, cũng có những game chiếm được cảm tình của người chơi như Võ lâm truyền kỳ, Kiếm thế, Audition…
Đại diện của VinaGame, một trong những nhà cung cấp game hàng đầu ở Việt Nam thì cho rằng, chính việc cạnh tranh này sẽ đem lại quyền lợi cho khách hàng. Nhà cung cấp game sẽ phải đổ công sức để có thể chiều người chơi, đem lại những “món ăn khoái khẩu” để níu chân họ.
Game nội: Mới ở vạch xuất phát
Có một thực tế đáng buồn, trong số hơn 50 game hiện đang vận hành trên thế giới ảo, thì game sản xuất trong nước chiếm một góc vô cùng bé nhỏ, với chỉ một game mang tên: Thuận Thiên kiếm.
Ông Toàn nói rằng, để sản xuất một “game bình dân” cũng phải tiêu tốn tới 3 triệu USD. Trong khi, game nhập ngoại chỉ mất từ 1/5-1/10 con số đó. Do vậy, trong khi sản xuất chẳng biết có được thị trường đón nhận hay không thì nhập game vẫn là sự lựa chọn số một của các công ty nhỏ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Phương Huy, Giám đốc VTC Game cho hay, nhập khẩu game mà không đạt doanh thu như mong muốn thì doanh nghiệp có thể “sứt đầu mẻ trán” chứ chưa đến mức “chết hẳn.” Nhưng nếu muốn sản xuất game thì doanh nghiệp phải có số vốn rất lớn để sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Các nhà phát hành đều cho rằng, game nội khó cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Một sản phẩm game hay đòi hỏi rất nhiều thứ như kịch bản, cốt truyện phải hấp dẫn, đồ họa phải đẹp… Và, để có được một game “ăn khách” đòi hỏi phải đầu tư lớn về tài chính, nhân lực chứ không phải thích là làm được.
Ông Toàn thì phân tích, trong một game có hàng triệu chi tiết và mỗi chi tiết rất nhỏ cũng ảnh hưởng tới người chơi. Do đó, người viết kịch bản game phải hình dung ra các yếu tố liên quan đến nhau. Giả dụ, lớp nhân vật này thì sử dụng vũ khí gì, tương tác với môi trường xung quanh như thế nào…
“Chúng ta mới chỉ có hơn 5 năm tiếp cận với game online, thời gian ấy chỉ đủ để học cách phát hành và quản lý game sẵn có, chứ chưa học được cách sản xuất,” ông Toàn nhận định.
Về phía DECO, ông Toàn cho hay, chưa có ý định sản xuất game.
Nhận xét về Thuận thiên kiếm của VinaGame mới ra mắt hơn một tháng trước, sau ba năm “thai nghén” với chi phí 25 tỷ đồng, ông Toàn cho rằng còn quá sớm để nhận định game này có đủ sức cạnh tranh với game nhập khẩu hay không.
Về phát triển game nội, ông Nguyễn Trọng Đường, quyền Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, rất ủng hộ việc sản xuất game trong nước. Đặc biệt, những doanh nghiệp sản xuất game mang tính giáo dục, văn hóa sẽ được ưu đãi miễn thuế bốn năm đầu và ưu đãi ở những năm tiếp theo./.
Bài 2: Nghiện game, những đứa trẻ ngoan trở thành"ác quỷ"
Trung Hiền (Vietnam+)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com