Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc hoạch định và lựa chọn chiến lược kinh doanh chính là những thách thức từ môi trường bên ngoài. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có xu hướng thay đổi chiến lược kinh doanh nhằm đối phó với những biến động của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn khó khăn. Đôi khi, lựa chọn chiến lược mới giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn này nhưng lại đẩy doanh nghiệp vào khó khăn khác.
Theo kết quả cuộc khảo sát CEO thường niên của IBM năm 2008, các doanh nghiệp ngày càng phải đối mặt với những thay đổi phức tạp, rộng lớn và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Điều chỉnh chiến lược kinh doanh là hoạt động tất yếu trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, những quyết định vội vàng có thể khiến doanh nghiệp phải đối mặt với không ít rủi ro và thách thức, nhất là khi doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh chiến lược do sức ép thị trường. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng những chiến lược quyết liệt để tồn tại như thu hẹp quy mô kinh doanh, giảm chi phí, sa thải nhân công... đến khi nền kinh tế khởi sắc lại phải đối diện với khó khăn về việc khan hiếm nguồn nhân lực hoặc bị các đối thủ cạnh tranh vượt qua Một số doanh nghiệp khác lại rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan do chính những thay đổi trong chiến lược kinh doanh của mình. Vào những năm 90, hãng bán lẻ thời trang Myer của Australia đã từ bỏ chiến lược khác biệt hóa, chuyển sang chiến lược giảm giá và cạnh tranh với các đối thủ như K-max, Target... Lựa chọn chiến lược sai lầm này đã khiến Myer bị giảm sút lớn về lợi nhuận.
Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp phải những thách thức trên là do việc thay đổi và điều chỉnh chiến lược không dựa trên thực tế phát triển và năng lực cốt lõi của doanh nghiệp. Những diễn biến phức tạp của thị trường cũng là nguyên nhân đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn khi điều chỉnh chiến lược. Vì vậy, giữ vững giá trị cốt lõi, tập trung vào những thế mạnh của doanh nghiệp là chiến lược được nhiều doanh nghiệp lớn áp dụng thành công trong giai đoạn khủng hoảng. Dù trong giai đoạn nào, tăng trưởng hay suy thoái, chiến lược kinh doanh phải được xây dựng và lựa chọn trên cơ sở hài hòa giữa các yếu tố điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp và những cơ hội, thách thức của môi trường kinh doanh. Nhiệm vụ của CEO là phải chuẩn bị về mọi mặt để doanh nghiệp không rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi lựa chọn chiến lược kinh doanh.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com